Phòng mặn đến sớm đầu mùa khô

Cập nhật, 22:57, Thứ Ba, 22/12/2020 (GMT+7)

 

Hạn mặn mùa khô 2020- 2021 có thể đến sớm và gay gắt. Trong ảnh: Người dân ở xã cù lao Thanh Bình (Vũng Liêm) trữ nước ứng phó với hạn- mặn.
Hạn mặn mùa khô 2020- 2021 có thể đến sớm và gay gắt. Trong ảnh: Người dân ở xã cù lao Thanh Bình (Vũng Liêm) trữ nước ứng phó với hạn- mặn.

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo dòng chảy về đồng bằng thấp ngay từ đầu mùa khô 2020- 2021 và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ tháng 12, tháng 1 và kéo dài tới tháng 5. Chưa kể những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện thượng nguồn, thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng. Vì vậy, các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn- mặn nặng ngay từ bây giờ.

Mặn sẽ đến sớm và gay gắt

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, nguồn nước mùa khô 2020- 2021 về ĐBSCL thấp hơn so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 12 thấp hơn so với trung bình và có cao hơn so với năm kiệt 2015- 2016 và 2019- 2020.

Năm 2020 khu vực thượng nguồn Trung Quốc thiếu hụt tổng lượng mưa so với trung bình nhiều năm khoảng 10- 20%, các hồ thủy điện thượng nguồn tích nước và xả nước cầm chừng, không có xả tràn, lượng xả nước mùa khô 2020- 2021 dự báo trên dưới 1.000 m3/s. Mưa hạ lưu vực đã giảm, dự báo dòng chảy về đồng bằng giảm, mặn có xu hướng tăng dần trong tháng 12 và các tháng đầu mùa khô.

Do đó, vùng giữa ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long, đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập cao trong mùa khô 2020- 2021.

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến nghị các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ như bố trí sản xuất hợp lý, chủ động giảm diện tích vụ Đông Xuân tại các vùng đã bị ảnh hưởng ở năm 2020. Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng, cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn- nhất là đối với cây ăn trái.

Còn tại Vĩnh Long, theo ông Trương Hoàng Giang- Phó Giám đốc Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, hiện mực nước đầu nguồn sông Tiền ở mức thấp.

Tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, nên tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở tỉnh Vĩnh Long trong mùa khô 2020- 2021 sẽ rất cao và nghiêm trọng. Mặn xâm nhập sâu và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2020, nhất là trong kỳ triều cường kết hợp với gió chướng mạnh.

Thời gian xâm nhập mặn tăng cao trên sông Cửu Long khả năng tiếp tục diễn ra sớm hơn trong tháng 1, 2/2021. Do vậy, khả năng xâm nhập mặn sâu vào kinh, rạch trong tỉnh sẽ cao và tăng dần.

Khả năng ứng phó

Sở Nông nghiệp- PTNT đánh giá, về năng lực ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của hệ thống công trình trong điều kiện hạn, mặn ít gay gắt toàn tỉnh chủ động tưới tiêu 112.855ha đất nông nghiệp (hay 94,24% diện tích), kiểm soát mặn tốt.

Tuy nhiên, trong điều kiện hạn- mặn gay gắt như mùa khô năm 2019- 2020, toàn tỉnh có trên 18.000ha cây trồng bị thiếu nước tưới và khoảng 3.000ha cây trồng bị nhiễm mặn. Bên cạnh, có 89.743 hộ tại 51 trạm cấp nước sạch có thời đoạn đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn.

Vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn gồm 3 huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít. Nhìn chung, nguồn nước chỉ khó khăn vào mùa khô với 55 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt gồm 20 xã ở Vũng Liêm, 14 xã ở Trà Ôn, 7 xã ở Tam Bình, 6 xã ở Mang Thít, 4 xã ở Long Hồ và 4 xã ở TX Bình Minh.

Giải pháp công trình đê bao khép kín kết hợp với hoàn thiện các công trình cống, đập, bộng để chủ động kiểm soát mặn.
Giải pháp công trình đê bao khép kín kết hợp với hoàn thiện các công trình cống, đập, bộng để chủ động kiểm soát mặn.

Về giải pháp chống xâm nhập mặn cho tỉnh Vĩnh Long, ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- cho rằng phải dùng giải pháp công trình. Theo đó, cần phải đê bao khép kín kết hợp với hoàn thiện các công trình cống, đập, bộng để chủ động kiểm soát mặn.

Cụ thể, đối với vùng ảnh hưởng mặn từ phía sông Cổ Chiên, xây dựng cống Vũng Liêm, cống rạch Cái Tôm để ngăn mặn xâm nhập theo hướng sông Cổ Chiên vào các vùng Trung Thành Tây, Quới An và khu vực thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm).

Các công trình này kết hợp với tuyến đê bao ven sông Cổ Chiên, các công trình đã có cống Nàng Âm, cống Cái Hóp để kết hợp ngăn mặn trong thời kỳ độ mặn ở sông Cổ Chiên lên cao (từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm).

Bên cạnh đó là việc hoàn thiện các tuyến đê bao ven sông Cổ Chiên và sông Măng Thít, xây dựng các công trình kiểm soát nước dưới các tuyến đê bao, cống, bộng và hoàn thiện hệ thống cống kiểm soát mặn cho khu vực cù lao xã Thanh Bình (Vũng Liêm).

Đối với vùng ảnh hưởng mặn từ phía sông Hậu, xây dựng các cống ngăn mặn trên các cửa lấy nước phía sông Hậu mà hiện nay chưa có công trình kiểm soát (các cống: Tân Dinh, Mương Điều, Rạch Tra, Bang Chang). Hoàn thiện tuyến đê bao ven sông Hậu và các cống bộng dưới đê. Nâng cấp hệ thống đê bao cù lao xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn), xây dựng hệ thống cống để ngăn mặn, trữ ngọt.

Mùa khô 2019- 2020, độ mặn tiếp tục lên cao mức kỷ lục mới, vượt qua đỉnh mặn mùa khô 2015- 2016 từ 0,4- 2,9‰ và kéo dài đến tận tháng 5. Đỉnh mặn tại các điểm đo cố định phía sông Cổ Chiên (thuộc Vũng Liêm và Mang Thít) lên cao từ 6,2- 10‰ và sông Hậu (Trà Ôn) lên mức từ 2,2- 7,8‰. Ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào khoảng 60- 70km (sâu hơn năm 2016 từ 6- 7km). Đặc biệt phía sông Tiền, ranh giới mặn trên 4‰ xuất hiện tại xã Bình Hòa Phước và Đồng Phú (Long Hồ) cách cửa biển khoảng 90km. Nếu như mùa khô 2015- 2016 toàn tỉnh chỉ có 4 huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, thì mùa khô 2019- 2020 có 6/8 huyện, thị trong tỉnh bị nhiễm mặn trên 1‰ gồm Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình, Long Hồ và TX Bình Minh.

Bài, ảnh: THÀNH LONG