TP Vĩnh Long đang trên đà phát triển. Sau hơn 11 năm chính thức trở thành thành phố thuộc tỉnh (4/2009), nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội đã được vạch định, xây dựng khẩn trương. Thành phố trẻ đang vươn mình, trỗi dậy bên dòng sông Tiền, sông Cổ Chiên thơ mộng.
Đầu tư công trình kè chống sạt lở bờ sông kết hợp giúp đô thị TP Vĩnh Long hướng ra sông lớn Cổ Chiên. |
TP Vĩnh Long đang trên đà phát triển. Sau hơn 11 năm chính thức trở thành thành phố thuộc tỉnh (4/2009), nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội đã được vạch định, xây dựng khẩn trương. Thành phố trẻ đang vươn mình, trỗi dậy bên dòng sông Tiền, sông Cổ Chiên thơ mộng.
Đã hướng nhiều ra sông lớn…
Có thể thấy, hiện thành phố đã và đang triển khai thi công hàng loạt công trình hướng ra sông Tiền, sông Cổ Chiên và các chi lưu của nó, mà rõ rệt nhất là các công trình kè chống sạt lở bờ sông kết hợp với chỉnh trang đô thị thành phố.
Từ năm 1998 đến nay, từ nguồn vốn do Trung ương đầu tư kết hợp với vốn đối ứng của địa phương, 3 công trình kè lớn đã xây dựng, đưa vào sử dụng. Đó là kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên khu vực Phường 1 và khu vực Phường 5 dài trên 1.200m; kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (từ chân cầu Mỹ Thuận đến rạch Cái Sơn Bé, đi qua phường Trường An, phường Tân Ngãi, Phường 9 và Phường 5 của TP Vĩnh Long) dài 10.775m, có quy mô lớn nhất tỉnh, tổng mức đầu tư 1.417 tỷ đồng.
Thành phố đang triển khai thi công phân đoạn cuối cùng của kè sông Cổ Chiên (đoạn dài hơn 375m thuộc Phường 2, từ cầu Cái Cá đến cầu Lộ), kè chống sạt lở bờ sông Long Hồ (khu vực Phường 1, Phường 5) dài khoảng 1.314m.
Thành phố đang chuẩn bị thực hiện tiếp các dự án kè chống sạt lở khác, như kè rạch Cái Cá- Cầu Lầu- Kinh Cụt (Phường 1, 2 và 3) dài 3.760m, kè chống sạt lở bờ sông Tiền (đoạn từ sông Cái Đôi đến bến phà Mỹ Thuận cũ, thuộc phường Tân Hòa) dài khoảng 1.000m…
Tuy có mức đầu tư lớn (từ vài chục đến trên trăm triệu đồng/m dài kè) nhưng hiệu quả đáng kể nhất trong đầu tư xây dựng các công trình kè hướng ra sông lớn là giúp thành phố giải quyết dứt điểm hiện tượng sạt lở bờ sông; tình trạng xây cất nhà lấn chiếm bờ, lòng sông kéo dài nhiều năm; ổn định tái định cư hàng trăm hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm về nơi ở mới, an toàn và góp phần chống ngập- nước dâng; chỉnh trang, cải thiện môi trường đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Các công trình kè còn là nơi vui chơi, giải trí, phát sinh một số hoạt động thương mại, dịch vụ- du lịch trên đó.
Theo sau các dự án kè đã và đang được xây dựng là những dự án, công trình hạ tầng kinh tế khác mọc lên như khu thương mại, cơ sở sản xuất, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…), đường đô thị và khu đô thị mới.
TP Vĩnh Long sẽ rất thơ mộng, xinh đẹp với những tòa nhà cao tầng của trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính, giáo dục, chung cư,… tráng lệ soi mình bên dòng sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Long Hồ, rạch Cái Cá… hiền hòa, với những công viên cây xanh sạch đẹp nằm 2 bên bờ sông được xây kè kiên cố, hiện đại trong tương lai.
Cũng cần đầu tư hướng vào đất liền hơn
Thành phố cũng đang triển khai thi công hàng loạt các dự án/công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, giao thông, viễn thông, công trình chống ngập...), hạ tầng kinh tế (khu thương mại, dịch vụ, khu tiểu thủ công nghiệp, cơ sở sản xuất…), hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học, trạm xá, khu dân cư) nhưng có thể thấy tiến độ thực hiện còn chậm so với quy hoạch, so với nhu cầu phát triển nhanh của thành phố.
Nhiều công trình bị giãn kế hoạch đầu tư, tiến độ thi công do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư. Diện tích thành phố tuy nhỏ nhưng quỹ đất trống còn nhiều. Công trình cao tầng, khu dân cư tập trung còn ít; các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khác như bệnh viện, trạm xá, trường học, công trình giao thông đô thị, ngõ hẻm, công trình cây xanh, chống ngập- thoát nước đô thị,… chưa thật sự đủ chuẩn, cần phải xây dựng, nâng cấp hoàn chỉnh; các công trình hạ tầng kinh tế như khu thương mại- dịch vụ, khu công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nhà xưởng, cơ sở sản xuất còn ít và nhỏ bé, thiết bị lạc hậu…
Nhiều đường nhánh, ngõ hẻm cần đầu tư nâng cấp đạt chuẩn như đường Cà Dăm (Phường 8). |
Với đà dân số thành phố tăng nhanh, đầu tư công giảm dần, đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế, thiết nghĩ thành phố nên ưu tiên tập trung nguồn ngân sách đầu tư hướng vào đất liền, cho những dự án công trình có khả năng sinh lợi về kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm (như khu thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nhà xưởng, cơ sở sản xuất...), cho những công trình mà cộng đồng hưởng lợi nhiều (bệnh viện, công trình giao thông đô thị, ngõ hẻm, công trình cây xanh...). Những công trình có vốn đầu tư lớn mà khả năng sinh lợi thấp hoặc không có thì nên lùi lại giai đoạn về sau khi kinh tế, ngân sách thành phố khá lên thì triển khai thực hiện.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng đô thị văn minh hiện đại là cái đích cuối cùng để xây dựng phát triển thành phố trong tương lai. Trên cơ sở nguồn lực (tài chính, nhân lực) hiện có, lượng sức mình, cấp chính quyền thành phố cần xem xét, cân nhắc, lựa chọn những dự án, công trình đầu tư vừa tuân thủ theo quy hoạch mà vừa đảm bảo để thành phố phát triển dù có chậm nhưng chắc chắn.
Bài, ảnh : MỸ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin