Qua thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Long Hồ đã từng bước đưa cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả được đầu tư góp phần nâng cao thu nhập nông hộ. Trong ảnh: Anh Hữu với mô hình nuôi bò sữa. |
Qua thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Long Hồ đã từng bước đưa cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp
Khoảng 6 năm nay, anh Phạm Văn Minh (ấp Phước Ngươn B, xã Long Phước) chuyển 2 công lúa sang trồng màu.
Vừa thu hoạch ngò gai, anh cười tươi: “Mỗi công như vầy tui cắt được cả tấn, bán 18.000 đ/kg, nếu giá 10.000 đ/kg trở lên là “ngon”, đợt 1 cắt xong thì nó tự lên lại, khoảng 1 tháng sau là có thu hoạch, nên mô hình này rất dễ “ăn tiền”, không tốn chi phí nhiều. Thông thường, đất tốt thì trồng ngò gai có thể cho thu hoạch kéo dài 8 lứa, đất xấu thì 5- 6 lứa.
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Trọng Hữu (ấp An Thạnh, xã An Bình) làm nghề cào cá, khoảng 5 năm nay anh chuyển sang nuôi bò sữa.
Với 6 con bò, trong đó 4 con đang cho sữa khoảng 50 lít/ngày, giá bán khoảng 15.000 đ/lít, nên anh sống ổn với nghề vì thức ăn cho bò chủ yếu là cỏ, xác đậu nành, hèm bia và lúa mạch, nên chi phí đầu tư cũng không quá cao.
Theo ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, ngay khi thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2014- 2020, huyện đã xác định khu vực sản xuất phù hợp.
Khu vực 1 gồm các xã vùng trũng, tập trung sản xuất lúa hàng hóa, tiến tới cánh đồng mẫu lớn. Khu vực 2 tập trung trồng màu chuyên canh và màu trên đất lúa. Khu vực 3 gồm các xã cù lao, tập trung trồng cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao kết hợp du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, huyện còn xác định các nhóm sản phẩm chủ lực để tập trung thực hiện, cụ thể như phát triển 3 cây (lúa, nhãn, chôm chôm), 3 con (heo, bò, cá) phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã.
Bước đầu, đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản năm 2020 ước đạt 2.592 tỷ đồng, tăng 2,48% so năm 2015; trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp 1.708 tỷ đồng, tăng 0,36%, giá trị sản xuất sản xuất thủy sản 876 tỷ đồng, tăng 7,52%.
Qua thực hiện, người dân đã có ý thức chuyển dần từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, hướng tới hình thành vùng nguyên liệu lớn, thuận lợi liên kết tiêu thụ nông sản.
Phát triển chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, gia trại, áp dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận. Tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi thủy sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập
Theo ông Hồ Thế Nhu, kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Song, việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Đó là, nhận thức của người dân và một số cán bộ, đảng viên chưa toàn diện, sâu sắc; thiếu gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng như xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống người dân.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng nông sản còn hạn chế; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm còn khó khăn.
Ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn còn diễn ra; phần lớn nông sản được tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu.
Huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn thấp so yêu cầu. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thực hiện đạt tiêu chí thu nhập theo lộ trình Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020- 2025, ông Hồ Thế Nhu cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình mới, có hiệu quả cao.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu có quy mô lớn, phù hợp với từng khu vực, nhóm nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, ưu tiên đầu tư sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hiệu quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Bên cạnh, tiếp tục vận động nông dân cải tạo vườn cây kém hiệu quả, phát triển vườn cây có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc trưng của huyện; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản xuất hiện đại trong sản xuất, giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch; phối hợp đẩy mạnh phát triển mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái thu hút khách du lịch.
Đồng thời, rà soát, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, định hướng, giới thiệu nhà nông lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng kháng dịch bệnh, thích ứng với xâm nhập mặn.
Áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học. Kêu gọi, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Phát huy vai trò của doanh nghiệp liên kết các tổ hợp tác và HTX, hỗ trợ sản xuất và thực hiện dịch vụ cung ứng đầu ra trong tiêu thụ nông sản.
Đến nay, huyện Long Hồ có 7 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50% số xã. Huyện phấn đấu hàng năm mỗi xã đạt 1 tiêu chí trở lên để đến năm 2025 có 14 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 1 xã NTM kiểu mẫu. Giai đoạn 2015- 2020, huyện Long Hồ giảm 0,8% hộ nghèo/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Giai đoạn 2020- 2025, huyện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp đa dạng và phát triển bền vững, khai thác lợi thế từng vùng. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng các giải pháp phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất làm khâu đột phá. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin