Cả ấp cùng làm "dòng sông xanh"

04:12, 12/12/2020

Từ ý tưởng ban đầu "vận động người dân không vứt rác xuống sông", lãnh đạo xã Long An (Long Hồ) "không ngờ" người dân ấp An Phú A đã đồng lòng cùng làm dòng sông xanh. Nhà có ghe, xuồng thì cho mượn, ai có bồ cào, móc cấy lúa, giật dừa… thì mang ra vớt rác làm sạch dòng sông quê mình.

 

Bà con ấp An Phú A cùng chính quyền, đoàn thể địa phương “ra quân” làm dòng sông xanh và thu hoạch một xuồng đầy… rác!
Bà con ấp An Phú A cùng chính quyền, đoàn thể địa phương “ra quân” làm dòng sông xanh và thu hoạch một xuồng đầy… rác!

Từ ý tưởng ban đầu “vận động người dân không vứt rác xuống sông”, lãnh đạo xã Long An (Long Hồ) “không ngờ” người dân ấp An Phú A đã đồng lòng cùng làm dòng sông xanh. Nhà có ghe, xuồng thì cho mượn, ai có bồ cào, móc cấy lúa, giật dừa… thì mang ra vớt rác làm sạch dòng sông quê mình.

Gần đây, thấy “dân mạng” hào hứng khoe hình ảnh người dân bơi xuồng vớt rác, trồng hoa quá vui, chúng tôi cũng muốn thực địa “check in” và đã gặp những người tâm huyết cùng câu chuyện bên “dòng sông xanh”.

Dòng sông không còn… cõng rác

Xã Long An có 3 tuyến sông chảy qua là sông Phong Hòa, sông Cái Cam và sông Cái Tháp- Bà Phủ. Sông Cái Cam xuyên qua 3 ấp: An Lương A, An Phú A và An Phú B (xã Long An, Long Hồ), nếu xem định vị chúng ta sẽ thấy đoạn sông qua An Phú A nằm giữa 2 ấp kia.

Câu chuyện bắt đầu từ ý tưởng của Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã Long An: “Chúng tôi muốn vận động người dân không vứt rác xuống sông, rồi tuyên truyền nói về ý nghĩa, mục đích của việc bảo vệ môi trường sống.

Ngay lập tức gần như tất cả người dân ủng hộ kế hoạch này và càng bất ngờ hơn là ấp An Phú A đã tiên phong làm mô hình dòng sông xanh”- ông Phạm Thanh Hiền- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long An- mới gặp đã “khoe thành tích” với chúng tôi.

Bà con ấp An Phú A cùng chính quyền, đoàn thể địa phương “ra quân” quyết tâm thực hiện mô hình “dòng sông xanh”.
Bà con ấp An Phú A cùng chính quyền, đoàn thể địa phương “ra quân” quyết tâm thực hiện mô hình “dòng sông xanh”.

Từ sự đồng lòng của người dân, tháng 4/2020, đợi khi con nước đầy sông, lãnh đạo xã và nhân dân đã “ra quân” vớt rác, làm sạch môi trường. “Chúng tôi không ngờ người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Người thu gom rác trước nhà mình, người nhảy xuống xuồng vừa bơi vừa vớt rác dọc tuyến sông”- ông Hiền cho biết.

Ngày vớt rác trên sông vui như hội. Cô Huỳnh Ngọc Mai- Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp An Phú A- không giấu được xúc động: “Qua các lần gom rác, bà con tham gia ngày càng đông hơn và anh em đoàn thể ở địa phương cũng xắn tay áo cùng làm. Vui lắm”.

Dẫn chúng tôi đi dọc “dòng sông xanh”, cô Mai chỉ mấy chiếc xuồng nhỏ cặp mé sông “xuồng này giờ chỉ bơi đi vớt rác là chính. Ghe, xuồng đó mình mượn của dân đều cho hết.

Nhà ai có cây móc dùng để cấy lúa, giật dừa… cũng mang theo để vớt rác trên sông. Mấy chị em còn phụ một tay nấu nồi cháo cho “đội vớt rác” làm xong ăn cho chắc bụng”. Và những việc làm ý nghĩa như thế, tuy nhỏ nhưng cũng đã góp phần gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm.

Chị Võ Thị Hà- người dân sống ven “dòng sông xanh”- rất tích cực tham gia các đợt gom rác trên sông, cho hay: “Sống ở đây mấy chục năm, tôi thấy được dòng sông đã bị ô nhiễm như thế nào. Đủ thứ rác thải ra sông. Nên tôi thấy hành động này rất hay, thiết thực.

Mấy anh chị em, chính quyền địa phương rất nhiệt tình tham gia, còn nhắc nhở thường xuyên bỏ rác đúng nơi quy định, nhất là vỏ thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ nguồn nước và thủy sản trên sông”. Trong khi đó, chú Hai Bảo- người dân gần đó cũng đang loay hoay dọn đất trồng hoa vạn thọ ven đường, vui vẻ: “tui trồng cho đẹp đường cô chú ơi”.

“Thừa thắng xông lên”, Ban Nhân dân ấp cùng người dân thống nhất đưa ra kế hoạch định kỳ 3 tháng cùng dọn sạch dòng sông 1 lần. Song song đó, người dân cũng chủ động làm vệ sinh khu vực nhà mình cũng như trồng hoa, cây xanh ven đường, trước ngõ cho đẹp làng quê.

Hiện mô hình đã duy trì được 2 lần gom rác tập trung. “Tôi nhớ lần đầu tiên phát động, hơn 50 người cùng gom, vớt được hơn 3 tấn rác!”- ông Hiền cho biết và hiện đã lên kế hoạch vớt rác trên sông lần 3 vào cuối tháng 12/2020 tới đây.

“Chỉ mong các ấp đầu sông, cuối sông cùng làm dòng sông xanh…”

Chú Hai Bảo chăm sóc cây xanh trước nhà mình, cũng là “mặt tiền” của ấp An Phú A.
Chú Hai Bảo chăm sóc cây xanh trước nhà mình, cũng là “mặt tiền” của ấp An Phú A.

Cùng chúng tôi đi theo con đường đầy hoa kiểng được người dân trồng, cắt tỉa cẩn thận, cô Mai cho biết thêm: “Con sông là nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ấp này có 530 hộ dân, trong đó có khoảng 250 hộ sống ven sông Cái Cam này. Trước đây người dân còn thói quen quăng bừa rác xuống sông, vừa ô nhiễm lại thiếu văn minh. Qua mô hình dòng sông xanh, người dân cũng hiểu hơn không phải sử dụng nước máy là cho nước sông “ra rìa”.

Mô hình dòng sông xanh ngày càng lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, mà theo cô Mai “chúng tôi ghi nhận 50% người dân đã không còn quăng rác bừa bãi và để rác đúng nơi quy định.

Ấp cũng đã vận động thành lập đội vận chuyển thu gom rác từ nhà dân ra Quốc lộ 53 để xe rác thu gom tới địa điểm xử lý”. Điều này càng có ý nghĩa hơn nữa khi mỗi người dân không chỉ tham gia, mà còn là “tai mắt” nhắc nhở những người còn quăng rác xuống sông ý thức hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường sống cùng với cộng đồng.

Theo ông Phạm Thanh Hiền: “Mục đích của mô hình là tuyên truyền về tác hại của rác thải với sức khỏe con người và môi trường. Bởi nguồn nước rất quan trọng với đời sống chúng ta. Vận động bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khu vực đang sinh sống, từ bỏ thói quen vứt rác, xác súc vật xuống sông, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường”.

Mà để đạt được mục tiêu tuyên truyền đó, điều quyết định nằm ở chỗ “địa phương đã đổi mới tư duy và phương thức trong cách tuyên truyền, vận động. Chúng tôi không chỉ nói suông mà phải bắt tay vào cùng làm với người dân, phải vừa nói vừa làm, mới tăng sức thuyết phục.

Một con đường rất xanh ở ấp An Phú A.
Một con đường rất xanh ở ấp An Phú A.

Như mô hình dòng sông xanh này, chúng tôi cũng đắn đo suy nghĩ không biết người dân có ủng hộ? Và thực tế đã cho thấy, điều gì có lợi ích cho người dân mà mình quyết tâm làm thì sẽ được người dân đồng tình và đạt hiệu quả rất tốt”- ông Phạm Thanh Hiền đúc kết kinh nghiệm. Tới đây, xã Long An nhân rộng “dòng sông xanh” trên đoạn sông Cái Tháp- Bà Phủ của ấp Long Tân và Hậu Thành.

Cùng niềm vui dòng sông quê hương đang dần được trả lại “dòng sông xanh” đúng nghĩa thật sự của nó, ấp An Phú A còn đang hướng tới trở thành ấp văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu. Khi chúng tôi hỏi địa phương mong muốn điều gì cho dòng sông xanh sạch hơn?

Cô Huỳnh Ngọc Mai chỉ cười hiền hòa: “Chúng tôi đâu biết kiến nghị gì, vì ở đây gói ghém làm mô hình kiểu cây nhà lá vườn, tận dụng vật dụng trong sản xuất, xuồng thì người dân cho mượn. Nên mong muốn lớn nhất của chúng tôi là 2 ấp bạn An Lương A và An Phú B- ở đầu sông và cuối sông, cũng sẽ cùng giữ sạch dòng sông chung này của chúng ta”.

Ông Phạm Thanh Hiền

Điều quyết định thành công nằm ở chỗ địa phương đã đổi mới tư duy và phương thức trong cách tuyên truyền, vận động. Chúng tôi không chỉ nói suông mà phải bắt tay vào cùng làm với người dân công việc cụ thể, phải vừa nói vừa làm, mới tăng sức thuyết phục.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh