Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), môi trường và an toàn thực phẩm là tiêu chí thể hiện rõ nét trước tiên bộ mặt nông thôn, nhất là về xây dựng cảnh quan, môi trường xanh- sạch- đẹp, an toàn. Đây được xem là tiêu chí khó, bao hàm nhiều nội dung và có sự biến động cao.
Để giữ gìn cảnh quan môi trường, các xã nông thôn mới thường xuyên tổ chức ra quân để dọn dẹp vệ sinh rác thải. |
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), môi trường và an toàn thực phẩm là tiêu chí thể hiện rõ nét trước tiên bộ mặt nông thôn, nhất là về xây dựng cảnh quan, môi trường xanh- sạch- đẹp, an toàn. Đây được xem là tiêu chí khó, bao hàm nhiều nội dung và có sự biến động cao.
Việc thực hiện tiêu chí không chỉ yêu cầu về kinh phí, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác, như: thói quen sinh hoạt, tập quán canh tác, sản xuất, chăn nuôi...
Nông thôn đã đẹp hơn, nhưng chưa toàn diện
Đến thăm các xã NTM và NTM nâng cao, điều dễ dàng nhận thấy là bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi khác. Tại các trụ sở làm việc, trường học, nhà dân và các tuyến đường giao thông… được chăm chút, quét dọn sạch sẽ và trồng các loại hoa, cây kiểng điểm tô cho môi trường sống xung quanh, tạo nên luồng sinh khí mới với cảnh quan xanh- sạch- đẹp hơn.
Các tuyến đường được bố trí các thùng rác đã hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi xuống sông rạch, ven các trục lộ giao thông. Ven các cánh đồng có bố trí bể chứa bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, giúp cho việc thu gom thuận tiện hơn, hạn chế tình trạng… “xài xong rồi vứt” gây ô nhiễm môi trường.
Ghé thăm nhà các hộ dân, chúng tôi nhận thấy đa phần các hộ đều sử dụng nước máy hoặc có bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có xây nhà tắm, nhà tiêu và đã xóa gần hết… cầu cá. Trong sản xuất, đa số các hộ chăn nuôi xây chuồng trại cách biệt với nhà ở, nguồn nước, áp dụng khoa học- kỹ thuật để giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận.
Về trồng trọt, áp dụng các mô hình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất lẫn tiêu dùng.
Song, vẫn còn tình trạng một số xã NTM sau thời gian dài về đích, hầu như “quên” mất việc cần phải giữ gìn cảnh quan môi trường. Đó là cỏ rác trước sân UBND xã không được vệ sinh dọn dẹp, một số hộ dân chưa thật sự quan tâm chăm chút nhà cửa và cảnh quan trước nhà.
Trên các tuyến đường có bố trí thùng rác nhưng rác nằm vương vãi khắp nơi. Trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng… vẫn còn xảy ra.
Đây là thực tế cần có sự nhìn nhận và giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra để xã NTM thật sự “mới” và nhất là bộ mặt nông thôn phải thật sự khác hơn, đẹp hơn với những xã chưa NTM.
Ông Nguyễn Văn Hiếu- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường cho biết: Các xã xây dựng kế hoạch thực hiện tiêu chí môi trường trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, kinh phí, nguồn lực còn hạn chế. Đó là, cán bộ môi trường cấp huyện bị cắt giảm biên chế viên chức, hợp đồng lao động nên rất khó khăn trong việc hỗ trợ cho các xã.
Cán bộ tham gia công tác tổ chức, vận động người dân thực hiện tiêu chí môi trường chủ yếu là kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên nên việc triển khai thực hiện chưa được xuyên suốt.
Cán bộ cấp xã phụ trách về địa chính, môi trường, nông nghiệp- là một người nhưng đảm nhiệm rất nhiều việc nên công tác tham mưu còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.
Bên cạnh, công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường chưa sâu, chưa thuyết phục và chưa đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; ý thức của một số người dân về bảo vệ môi trường chưa cao; kinh phí cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế.
Bổ sung nguồn lực cho tiêu chí “trụ cột”
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng nước máy trên địa bàn 87 xã đạt 90,94%. Hiện, có 66/87 xã xây dựng NTM đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.
Năm 2020, BCĐ chương trình xây dựng NTM các xã đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường; vận động nhân dân phối hợp trồng cây xanh trên các tuyến đường giao thông, phát quang bụi rậm và cải thiện môi trường xung quanh nơi ở để đạt chỉ tiêu hệ thống rác thải, nước thải được xử lý và thu gom theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể tích cực vận động nhân dân thu gom rác, hợp đồng với đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thu gom và vận chuyển rác về nơi xử lý tập trung.
Bên cạnh, tích cực vận động hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường trong chăn nuôi.
Theo ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, một trong các giải pháp để các xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM là cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn; phát động phong trào xây dựng tuyến đường, cơ quan, công sở, trường học sáng- xanh- sạch- đẹp; vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom rác tập trung, đào hố rác gia đình…
Tranh thủ các nguồn lực để đầu tư các công trình nước sạch, đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho người dân; ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm về môi trường.
Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Văn Hiếu thì cho rằng: Cần điều chỉnh quy định về phân bổ nguồn vốn cho chương trình xây dựng NTM, quy định tỷ lệ bắt buộc tối thiểu nguồn lực cho các tiêu chí “trụ cột” của NTM, trong đó có tiêu chí môi trường; bổ sung thêm kinh phí sự nghiệp môi trường cho các huyện- thị để thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm về thực hiện tiêu chí môi trường. Đa dạng hóa các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, huy động tối đa sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ môi trường và xử lý chất thải.
“Hiện nay, nhân sự bảo vệ môi trường và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM vừa thiếu, vừa yếu nhất là cấp huyện và xã, vì vậy cần tiếp tục kiện toàn tổ chức quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện xã nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong tình hình hiện nay”- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Văn Hiếu đề xuất.
Để xây NTM đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, các địa phương cần đạt 8 chỉ tiêu về: tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ≥95% và nước sạch ≥65%; 100% cơ sở sản xuất- kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh- sạch- đẹp, an toàn; Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch; Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất- kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; ≥70% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; ≥70% hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin