Việt Nam đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng một nền kinh tế số. Vậy với xây dựng nông thôn mới (NTM), liệu có khả năng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số? Cộng tác viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Tiến- Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (Bộ Nông nghiệp- PTNT) xung quanh vấn đề này
Ông Nguyễn Minh Tiến- Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương. |
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng một nền kinh tế số. Vậy với xây dựng nông thôn mới (NTM), liệu có khả năng thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số? Cộng tác viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Tiến- Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (Bộ Nông nghiệp- PTNT) xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông! Xin ông cho biết cơ hội và thách thức trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực NTM như thế nào?
- Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chúng ta đã thực hiện được 10 năm. Sau 10 năm, chúng ta đã đạt được kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Nếu như giai đoạn 2011- 2015, chúng ta tập trung nhiều vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giai đoạn 2016- 2020, chúng ta tập trung đầu tư tạo sinh kế, tạo thu nhập cho người dân vùng nông thôn và vấn đề về môi trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xây dựng NTM cũng đặt ra những tồn tại, khó khăn, thách thức: khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, vấn đề kết nối nông thôn- thành thị, thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19.
Với những tồn tại khó khăn, thách thức đó, đặc biệt là đứng trước xu thế chuyển đổi số, kinh tế số đã thành xu hướng tất yếu của sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, xây dựng NTM không thể đứng riêng mà phải tận dụng được cơ hội chuyển đổi số để làm sao chúng ta thúc đẩy xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu và bền vững.
* Vậy chuyển đổi số trong xây dựng NTM trong thời gian tới được đặt ra như thế nào, thưa ông?
- Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ Thông tin- Truyền thông (TT- TT) đề xuất nội dung về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra và đặt nội dung chuyển đổi số thành một nội dung trọng tâm, cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho giai đoạn 2021- 2025.
Sắp tới, đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư sẽ là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trung ương về thẩm định báo cáo chủ trương đầu tư chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Nếu thúc đẩy được chuyển đổi số trong xây dựng NTM thì chúng ta sẽ có thể khắc phục được một số tồn tại cũng như chuyển hóa những thách thức của giai đoạn tới để xây dựng NTM đi vào chiều sâu.
Về vấn đề chuyển đổi số gắn với xây dựng NTM, trước hết chúng ta phải đầu tư vào hạ tầng kết nối. Đối với vùng nông thôn, tỷ lệ bao phủ sóng 3G, 4G cũng như kết nối băng thông rộng vẫn còn hạn chế. Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ TT- TT thống nhất hướng tới mục tiêu phủ sóng 4G hướng tới 5G cho vùng nông thôn.
Như vậy, người dân vùng nông thôn có thể kết nối Internet với chi phí hợp lý. Cùng với đó phải có hạ tầng thiết bị để sử dụng kết nối Internet.
Hiện Bộ TT- TT cũng đặt ra mục tiêu hướng tới mỗi người dân, mỗi gia đình đều sử dụng điện thoại- nhất là điện thoại di động thông minh.
Hiện có 86% người dân nông thôn sử dụng điện thoại di động, trong đó chỉ có 50% trong số này là sử dụng điện thoại thông minh. Đây là khoảng cách rất lớn. Vì vậy, mỗi người dân phải có điện thoại thông minh thì mới có thể sử dụng ứng dụng được trên mạng.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước- Long Hồ. Ảnh: NGUYỄN KIỂM (TP Cần Thơ) |
* Đâu là điểm cốt lõi, quan trọng để thực hiện chuyển số thành công trong xây dựng NTM, thưa ông?
- Vấn đề quan trọng nhất, cốt lõi của sự thành công trong việc chuyển đổi số ở vùng nông thôn là phải xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu.
Vì nếu như không có cơ sở hạ tầng dữ liệu thì kể cả chúng ta có kết nối Internet, sử dụng điện thoại thông minh thì người dân có lẽ cũng chỉ vào mạng, dùng facebook, đọc tin, chứ không thực sự biến nó thành một nội hàm hay xu hướng phát triển kinh tế.
Vấn đề là làm sao chúng ta tích hợp được hạ tầng dữ liệu thì chúng ta mới phát triển ứng dụng chuyển đổi số thành công: dữ liệu về dân số, đất đai, sức khỏe, hệ thống sản xuất nông nghiệp,... Đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy cho chuyển đổi số thành công.
* Vậy cụ thể chuyển đổi số trong xây dựng NTM sẽ đem lại những lợi ích gì, thưa ông?
- Bước đi của chúng ta tuần tự, đầu tiên là chúng ta đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối. Thứ hai, chúng ta có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để đưa điện thoại thông minh giá rẻ, phù hợp tới người dân.
Thứ ba, trên cơ sở tích hợp hệ thống dữ liệu giữa các bộ, ngành, cùng với đó là các phần mềm ứng dụng. Ví dụ ứng dụng Chính phủ điện tử hiện mới chỉ có khoảng 10% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Tuy nhiên, chúng tôi xác định hướng tới tối thiểu 50- 70% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử. Khi chúng ta ứng dụng chuyển đổi số thì gần như nó sẽ xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Từ người bán hàng ở vùng sâu, vùng xa hoàn toàn có thể tiếp cận trực tiếp, online, tương tác với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng có thể cảm nhận được, như sờ được vào sản phẩm, chứng kiến quy trình sản xuất nông nghiệp. Với những nền tảng hạ tầng tin học, chúng ta thúc đẩy phát triển phần mềm ứng dụng: chính phủ điện tử, thương mại điện tử, quá trình sản xuất nông nghiệp với việc sử dụng Blockchain để giám sát quy trình sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Ứng dụng chuyển đổi về du lịch các sản phẩm đặc sắc của các vùng miền hay như vấn đề về y tế, có thể thực hiện việc khám chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đưa ra yêu cầu trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM chúng ta hướng tới toàn bộ hồ sơ sức khỏe của người dân sẽ được số hóa được lưu trữ. Từ đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh. Chuyển đổi số cũng có thể ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục...
* Thưa ông! Có ý kiến lo ngại về trình độ của người dân ở khu vực nông thôn khó tiếp cận, ứng dụng chuyển đổi số, kinh tế số. Còn ý kiến của ông về vấn đề này?
- Về nội dung chuyển đổi và xây dựng NTM thông minh, chúng tôi xác định với bước đi và lộ trình cụ thể với sự kết hợp đầu tư của Nhà nước cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, chúng ta có thể hoàn toàn có thể thúc đẩy thực hiện phát triển kinh tế số khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.
Đúng là hiện nay có một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về năng lực và kỹ năng của người dân vùng nông thôn có thể đáp ứng được yêu cầu tiếp cận và áp dụng chuyển đổi số hay không.
Trên thực tế thí điểm gần đây của Bộ TT- TT tại tỉnh Bắc Kạn, Ninh Bình và thí điểm của một số doanh nghiệp đã thực hiện thì chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đào tạo, tập huấn, người dân có đủ kỹ năng để tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta đảm bảo phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở dữ liệu, đảm bảo an ninh mạng. Tôi nghĩ với định hướng như vậy, nội hàm chuyển đổi gắn với xây dựng NTM sẽ còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển trong giai đoạn 2021- 2025.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
HÀ VĨNH THÁI (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin