Trở lại xã Thuận Thới (Trà Ôn), chúng tôi cảm nhận được bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày với những căn nhà khang trang, những con đường liên ấp, liên xóm rợp sắc hoa mà lòng chúng tôi cũng mừng khấp khởi.
Đường giao thông ở xã Thuận Thới hôm nay |
Trở lại xã Thuận Thới (Trà Ôn), chúng tôi cảm nhận được bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày với những căn nhà khang trang, những con đường liên ấp, liên xóm rợp sắc hoa mà lòng chúng tôi cũng mừng khấp khởi.
Ngày 20/11/2020, đảng bộ và nhân dân xã Thuận Thới vui mừng đón nhận bằng công nhận xã nông thôn mới. Có nhiều tiêu chí đạt 100%, đặc biệt là tiêu chí thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.
Xã Thuận Thới có diện tích tự nhiện gần 1.400 ha, với 6 ấp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 1.200 ha, trong đó đất trồng cây lâu năm 1.134ha (chiếm gần 95%).
Những căn nhà tường khang trang góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn |
Từ năm 2013, xã Thuận Thới thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên đất lúa, nhằm nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập người dân. Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, cam sành được chú trọng do hiệu quả cao.
Nhiều nông dân cải tạo vười tạp, vườn cây già cỗi và cải tạo đất lúa trồng cam. Đến nay toàn xã có trên 1.000 hộ dân trồng cam với diện tích hơn 844 ha, chiếm gần 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Đi trên các con đường liên ấp xã Thuận Thới, những vười cam nối tiếp một màu xanh mượt, hoa trái sai oằn. Hộ dân trồng cam có thu nhập bình quân từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu một năm; có nhiều hộ thu nhập vài tỷ đồng và vươn lên làm giàu. Từ đó, diện tích trồng cam cứ thay thế dần cây lúa và cây trồng khác.
Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, lấy cây cam làm thế mạnh, chăn nuôi cũng phát triển mạnh, đặc biệt làm chăn nuôi bò. Phong trào chăn nuôi bò phát triển mạnh nhờ vào việc nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế rồi lại lấy phân trùn quế làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Có được mô hình này xuất phát từ Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Thới. Đây cũng là mô hình giúp xã Thuận Thới hoàn thành tiêu chí 13 về xây dựng nông thôn mới.
Ths. Nguyễn Văn Thảo- người sáng lập HTX cho biết, HTX được thành lập vào năm 2018, đến nay có 17 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi bò kết hợp với nuôi trùn quế, tổng diện tích trang trại rộng trên 2,1 ha.
Điểm nổi bật của HTX là tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi có thêm thu nhập thông qua việc thu mua phân bò, bao tiêu phân trùn và trùn thương phẩm.
Trại nuôi trùn quế của HTX Nông nghiệp Thuận Thới |
Song song đó, HTX còn có sự liên kết chặt chẽ với các viện, trường để được hỗ trợ về chuyên môn, đồng thời tạo mối quan hệ tốt với các HTX trong, ngoài tỉnh để cung cấp phân hữu cơ và trùn quế làm thức ăn chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Bỉ- Bí thư Đảng ủy xã, thực hiện kế hoạch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến 2025, theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích trồng cây ăn trái, trong đó xác định cây chủ lực là cam vì cây cam đã bám trụ từ lâu trên đất Thuận Thới.
Cam sành được xác định là loại cây chủ lực để xóa nghèo. |
“Hiện xã có nhiều tiêu chí đạt 100% và gần 100%. Từ đây, xã tiếp tục xây dựng kế hoạch, củng cố ban chỉ đạo nông thôn mới phối hợp với ban vận động ấp tuyên truyền vận động nhân dân góp sức người, sức của trong việc bảo dưỡng, nâng chất và quản lý tốt các công trình do huyện đầu tư.
Thực hiện tốt các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới gắn với học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực Văn hóa- xã hội- kinh tế, hướng tới xã nông thôn mới nâng cao, phát triển toàn diện, bền vững...”- Bí thư Đảng ủy xã cho biết.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin