Trong phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có nhiều ý kiến đóng góp vào phương hướng trong việc hoạch định các chính sách trong thời gian tới.
Trong phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có nhiều ý kiến đóng góp vào phương hướng trong việc hoạch định các chính sách trong thời gian tới.
Đại biểu QH Lưu Thành Công. |
Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công: Cần có chế tài đối với các video nhảm nhí trên mạng xã hội
Từ thực tiễn ý kiến của cử tri, tôi xin kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành Trung ương xem xét đưa vào hoạch định các chính sách xã hội trong thời gian tới đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của cử tri.
Thời gian gần đây, tội phạm trên môi trường mạng diễn biến ngày càng phức tạp. Trên không gian mạng đã xuất hiện nhiều giang hồ mạng với những chiêu trò lường gạt, lọc lừa, đưa những thông tin thất thiệt gây tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhiều người.
Tôi muốn kể đến các kênh youtube đưa các thông tin nhảm nhí ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tuyên truyền mê tín dị đoan, xuyên tạc lịch sử, nói xấu, bôi nhọ một số tập thể, cá nhân gây tác hại rất lớn đến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, không ít vụ tai nạn thương tích, tử vong ở trẻ em mà nguyên nhân được tìm ra là do trẻ học theo những cách làm, những trò chơi nhảm nhí, thiếu khoa học, thiếu văn hóa trên các kênh youtube ảnh hưởng đến tính mạng.
Từ thực tiễn trên, cử tri đề nghị Chính phủ cần có thêm những quy định mang tính pháp lý với những điều kiện ràng buộc thật chặt để một video được lưu hành trên các trang mạng. Quản lý thật chặt các kênh youtube, ngăn chặn tháo gỡ ngay những clip nào có nội dung xấu, nhảm nhí, không lành mạnh theo đúng các quy định trong Luật An toàn thông tin mạng.
Tăng cường xử phạt hành chính, nếu cần thì truy cứu hình sự đúng theo quy định của pháp luật hiện hành đối với những cá nhân vi phạm ở lĩnh vực này.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh. |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Đề nghị tiếp tục ưu tiên, sớm thực hiện các tuyến cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ và Cà Mau
Tôi thống nhất với những định hướng xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Trong thời gian tới, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên, sớm thực hiện các tuyến cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ và Cà Mau, các tuyến đường trọng điểm; quan tâm đầu tư phát triển, nâng cấp các tuyến QL: 53, 54, 57, 80.
Đây là những tuyến đường quan trọng, kết nối các tỉnh- thành ở ĐBSCL và các tỉnh- thành khác trong cả nước để giải quyết những vấn đề căn cơ, cốt lõi liên quan đến hạ tầng cơ bản, vì đây là vùng có ý nghĩa chiến lược trong nông nghiệp, an ninh lương thực, xuất khẩu thủy sản, trái cây,… và quan trọng nhất là vùng đang đối mặt với thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở,…) góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại kinh tế, xã hội của các tỉnh- thành trong khu vực và cả nước.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường từ nhận thức đến hành động một cách quyết liệt, khuyến khích sự tham gia bằng nhiều hình thức và thích hợp của cộng đồng, doanh nghiệp trong công cuộc bảo vệ môi trường.
Quan tâm đầu tư công tác phòng chống, khắc phục sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn, có sự phối hợp chặt chẽ thu hút nguồn vốn đầu tư tạo sức lan tỏa lâu dài.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT tích cực triển khai các biện pháp dài hạn để vùng trồng cây ăn trái ĐBSCL phát triển bền vững trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thủy văn, thiên tai, hạn, mặn.
Đại biểu Phạm Tất Thắng. |
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Chú trọng xây dựng nền tảng về thể chế cho GD-ĐT
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016- 2020, trong bối cảnh đó, GD-ĐT tiếp tục có những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy vậy, nguồn lực con người- nguồn lực quý nhất, là 1 trong 3 đột phá chiến lược của chúng ta chưa được chăm chút đúng mức và phát huy hết vai trò để thực hiện được các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước.
Vì vậy, trong các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2021 và giai đoạn tới cần chú trọng để phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa- xã hội.
Cần phải khẩn trương triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống việc chuyển giáo dục sang tiếp cận năng lực nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực. Củng cố niềm tin của xã hội, của cử tri vào đổi mới giáo dục.
Giáo dục phải góp phần quan trọng khắc phục những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định, đó là đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, trong đó có một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện sa sút, lệch lạc.
Đây là giai đoạn cần tập trung xây dựng nền tảng về thể chế, về cơ cấu hệ thống, về đổi mới quản lý và về đội ngũ để giáo dục Việt Nam đón được các yêu cầu mới về phát triển con người và đào tạo nhân lực trong bước chuyển đột phá của đất nước dựa trên khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giai đoạn này, theo suy nghĩ của tôi, cần xác định mục tiêu của GD-ĐT là: khắc phục cơ bản những hạn chế trong giáo dục, phấn đấu đến năm 2025 chất lượng giáo dục trong toàn hệ thống, đặc biệt ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có chuyển biến tích cực theo hướng phát triển con người đổi mới, sáng tạo; đóng góp có hiệu quả vào việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực, để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững và trên nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; tạo tiền đề để Việt Nam cơ bản trở thành quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, sáng tạo và dân chủ vào năm 2030.
B.THANH- Q.NHƯ (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin