Kỳ cuối: Vắt vẻo trên cao cho phố xanh, phố sáng đèn

12:11, 14/11/2020

Vắt vẻo trên cao, tiếp xúc với đường điện, đang mưa gió cũng lao ra đường… là việc hàng ngày của các công nhân Tổ Cây xanh và Đội Chiếu sáng đô thị (Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long). Họ nói với chúng tôi, công việc gắn bó với những góc phố, con đường và họ luôn cố gắng lo tốt công tác hậu cần để đường phố thêm xanh, để phố sáng đèn…

[links()]

Vắt vẻo trên cao, tiếp xúc với đường điện, đang mưa gió cũng lao ra đường… là việc hàng ngày của các công nhân Tổ Cây xanh và Đội Chiếu sáng đô thị (Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long). Họ nói với chúng tôi, công việc gắn bó với những góc phố, con đường và họ luôn cố gắng lo tốt công tác hậu cần để đường phố thêm xanh, để phố sáng đèn…

Những cây cao hơn 17m thì công nhân phải tự leo để rong tàn, hạ đọt. Trong ảnh: Chú Đỗ Văn Nghiệp đang “làm việc” trên cây cao chót vót.
Những cây cao hơn 17m thì công nhân phải tự leo để rong tàn, hạ đọt. Trong ảnh: Chú Đỗ Văn Nghiệp đang “làm việc” trên cây cao chót vót.

Ngày ngày... trên cây

Đang rong tàn cây bã đậu trên đường Hoàng Thái Hiếu (Phường 1- TP Vĩnh Long), anh Phạm Kim Hiếu- công nhân Tổ Cây xanh (Xí nghiệp Công viên cây xanh- Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long) cho biết: “Cây bã đậu dễ bị gãy nhánh, văng mủ nên khi leo lên là phải chú ý lắm”.

Ngoài cây bã đậu, theo anh Hiếu, còn một số cây khác như cây điệp, phượng,… cũng dễ gãy nhánh nhưng “chuyện nhìn cây để biết sức khỏe thế nào là cần chuyên môn và kinh nghiệm”.

17m là chiều cao mà cần xe nâng vươn tới được để đưa công nhân lên làm việc trên cây. Nếu cây cao hơn thì công nhân tự trèo.

Là một trong những người có kinh nghiệm leo cao nhất, chú Đỗ Văn Nghiệp (50 tuổi)- Tổ trưởng Tổ Cây xanh cho biết: “Một chục cây cao thì có vài ba cây phức tạp. Có những cây nhánh nhỏ nhưng không có điểm tựa...”. Do “làm việc với cây cao khó hơn” nên Tổ Cây xanh có 17 người thì “chuyên trị” cây cao chỉ có 5 người.

20 năm gắn bó với cây xanh, chú Nghiệp “có những chuyện vui, buồn đáng nhớ”. “Có lần một anh trong tổ leo lên cắt đọt cây dương, đai an toàn căng ra và anh bị vướng trên cây.

Tôi phải trèo lên phối hợp anh em giải cứu”- chú Nghiệp kể lại. Chỉ vết sẹo dài trên tay phải, chú tiếp lời: “Trong lần lên cần xe hạ đọt cây dừa, tôi bị lam máy quật vô đứt tay. Còn may là chỉ chấn thương phần mềm”.

Công nhân bên “mảng” cây xanh ngày ngày trên cao, chăm chút cho mảng xanh thành phố.
Công nhân bên “mảng” cây xanh ngày ngày trên cao, chăm chút cho mảng xanh thành phố.

Theo chú Nghiệp, người chưa quen thì leo cao 5- 10m “cái chân đã đánh rồi” nhưng anh em “mảng” cây xanh thì leo cao và làm việc trên đó nên… huyết áp phải tốt, sức khỏe tốt và cần “chuyên môn cây xanh”.

Riêng chú Nghiệp, “nhờ được công ty cho đi học thêm về chăm sóc, quản lý cây xanh, cộng với leo trèo thường xuyên và thêm… kinh nghiệm xã hội nữa thành thử độ cao mình thích ứng được”- chú nói vậy.

Để học hỏi thêm cái mới, cái hay trong chăm sóc- quản lý cây, hiện chú “thường lên mạng, xem cả clip nước ngoài”. Đồng thời, dốc hiểu biết, kinh nghiệm truyền lại cho người vô sau.

Chú Nghiệp cho biết thêm, khoảng năm 2000 thì cây xanh ở TP Vĩnh Long đa số còn thấp nên chỉ dùng kéo 3m đứng ở dưới bấm. Tuy nhiên, hiện nay, thành phố ngày càng nhiều cây, cây nhiều kích cỡ. “Anh em hầu như phải làm suốt nên ngày nào cũng… trên cây.

Lúc leo lên là quan sát để khi rong mé biết thế đưa nhánh xuống sao cho vừa đảm bảo an toàn cho mình vừa đảm bảo an toàn lưu thông trên đường. Khi trời mưa mà có gió là phải đi ra đường khảo sát. Có cây nghiêng có nguy cơ ngã đổ hay có gãy nhánh thì tổ cũng “đội mưa” đi xử lý ngay để đường thông hè thoáng”.

Theo Xí nghiệp Công viên cây xanh, TP Vĩnh Long hiện có hơn 2.600 cây mới trồng; gần 8.900 cây loại 1 và 190 cây loại 3 (cây cổ thụ). Bà Lê Thị Tuyết Nga- Giám đốc Xí nghiệp- cho biết: Cây có lý lịch nên được việc “theo dõi sức khỏe” chặt chẽ.

Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn tình trạng cây bị xâm hại: đổ nước bẩn, hóa chất, chặt, nhổ bỏ... Do đó, rất cần sự tự giác chung tay của người dân trong bảo vệ và chăm sóc cây. Về lâu dài, cần quy hoạch đồng bộ hạ tầng điện, cáp quang; vỉa hè và cây xanh nhằm đảm bảo cho cây phát triển, mang lại “lá phổi xanh” cho đô thị.

Leo cao cho phố sáng đèn

Mở hộp hẹn giờ tự động bật/ngắt đèn, anh Nguyễn Chí Thanh- công nhân Đội Chiếu sáng đô thị- nói: 100% trạm đã chuyển qua bộ hẹn giờ tự động bật/ngắt 10 năm nay.

Công nhân vắt vẻo trên cao lo ánh sáng cho phố thị.
Công nhân vắt vẻo trên cao lo ánh sáng cho phố thị.

Do vậy, tùy tình hình thời tiết của tháng mà sẽ cài đặt 1-2 lần/tháng, riêng “tháng 10 chưa cười thì tối” thì cho chỉnh cho đèn bật sớm hơn.

Anh Thanh cho biết thêm, anh cùng anh Nguyễn Trung Thành và anh Nguyễn Phúc Thọ “lo ánh sáng (trực chiếu sáng- PV) của mấy phường” gồm: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 8 và một phần Phường 9.

Chia sẻ về công việc thường ngày của đội là kiểm tra, sửa chữa, vận hành hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí, anh Nguyễn Trung Thành- Đội trưởng Đội Chiếu sáng đô thị- nói “một mạch” những con số: Đội 7 người phụ trách 132 máy biến thế, 150km đường dây, trong đó đèn cao áp là trên 4.500 bộ và 5.000 bộ đèn trang trí.

Anh cho hay “Anh em trong đội chia nhóm nhau trực. Ngày thì leo cột sửa chữa đèn, sửa đường dây; đêm thì đi kiểm tra ánh sáng”. Và chuyện hư hỏng bóng đèn hầu như đêm nào cũng có, không cái này cũng cái khác. Những đợt lễ, tết thì công việc sẽ nhiều hơn. Anh Thành cười: Khi có sự cố là “chạy”, không kể lúc nào, ở đâu để lo ánh sáng.

Vào nghề 8 năm, anh Nguyễn Hỷ Khương cho biết, đa số anh em trong đội là kỹ sư điện, điện tử và “ai cũng phải leo cao từ 5- 18m”. Đường lớn thì xe nâng đưa lên; còn đường, hẻm nhỏ thì tự leo.

Anh Khương cho biết thêm, do tiếp xúc với nguồn điện nên dù ngắt điện cũng phải đợi hết mưa, khô trụ mới làm được. Tuy nhiên, những sự cố như đường dây bị chạm chập, cháy nổ hoặc xe trụ điện ngã bất ngờ… cần xử lý trong vòng 24 giờ để thông tuyến. Và, rò rỉ điện, vướng víu đường dây,… luôn là “mối lo” của đội.

Tất bật trang trí cho phố phường thêm xinh.
Tất bật trang trí cho phố phường thêm xinh.

Theo anh Khương, bên cạnh tích lũy kinh nghiệm, trang bị dây đai, nón bảo hộ, găng tay cách điện… là cách để thắt chặt an toàn khi ở trên cao lo ánh sáng. Tuy nhiên, về lâu dài cần trang bị xe nâng có kích thước nhỏ vào được các hẻm nhỏ để tăng độ an toàn và giúp anh em đỡ vất vả hơn.

Theo các công nhân “mảng” cây xanh và chiếu sáng thì làm việc trên cao phải tập trung nên chắc chắn không có phút lãng mạn “ngắm thành phố trên cao” nhưng cũng có “phút lãng mạn” khi cắt thành công một cây cao hoặc đòi hỏi về độ khó; khi lắp mới hoặc sửa xong chiếc đèn bị hỏng hóc cho góc phố, tuyến đường đêm thêm sáng và rực rỡ.

Làm tốt nhiệm vụ của mình cho cây tươi tốt, cho “lá phổi đô thị” thêm xanh, cho phố sáng ánh đèn thì với các anh đó chính là động lực gắn bó với nghề, góp một phần sức lao động của mình cho thành phố ngày càng sáng xanh, tươi đẹp và hiện đại.

Hãy cùng chung tay

Cô Trần Thị Hoa- bán chè ở Phường 1

Thấy rác nhiều có thể gây nghẹt cống, chặn đường thoát, ngập đường… nên ngày nào tôi cũng quét rác quanh chỗ tôi bán, gom lại gọn gàng. Như vậy, người đi quét rác qua chỗ này cũng khỏe hơn.

Chị Lê Thị Hòa- Tổ trưởng Tổ Chăm sóc (Xí nghiệp Công viên cây xanh)

Tôi đi phát cỏ, làm cỏ gặp hàng ngày, bị côn trùng cắn đốt thường xuyên nhưng ngán nhất là gặp rác như vật liệu xây dựng, than tổ ong, kẽm và phân súc vật,… để trên dải phân cách, gốc cây… vì có thể gây trầy xước tay chân hoặc phát trúng văng ra đường ảnh hưởng người lưu thông. Vì vậy, chúng tôi mong các loại rác này được để đúng nơi quy định.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh