Kỳ 2: Chạy theo con nước lớn

05:11, 12/11/2020

Mùa mưa lũ đến cũng là lúc những công nhân Tổ Thoát nước đô thị (Xí nghiệp Vệ sinh môi trường- Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long) ngày thường nạo vét cống chia nhau trực lũ. Chạy theo con nước để chống ngập nên nửa đêm nhảy xuống cống lạnh ngắt hay thao thức dầm mưa canh nước là việc làm thường xuyên của họ.

[links()]

Mùa mưa lũ đến cũng là lúc những công nhân Tổ Thoát nước đô thị (Xí nghiệp Vệ sinh môi trường- Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long) ngày thường nạo vét cống chia nhau trực lũ. Chạy theo con nước để chống ngập nên nửa đêm nhảy xuống cống lạnh ngắt hay thao thức dầm mưa canh nước là việc làm thường xuyên của họ.

Khi “có nước”, các máy bơm hoạt động liên tục để “kéo nước” từ trong lòng phố ra sông rạch. Trong ảnh: Điểm đặt máy bơm ở Bến tàu khách Vĩnh Long.
Khi “có nước”, các máy bơm hoạt động liên tục để “kéo nước” từ trong lòng phố ra sông rạch. Trong ảnh: Điểm đặt máy bơm ở Bến tàu khách Vĩnh Long.

Nước lớn giờ nào, xuống cống giờ đó

Trong bộ quần áo phong phanh, chú Lương Hoàng Sơn (53 tuổi) cùng một công nhân khác khiêng nắp cống sang một bên để chuẩn bị “xuống cống làm việc”.

Cống sâu khoảng 4m, thành cống hẳm đứng, đầy rong rêu. Chỉ đứng trên mặt đường quay ống kính xuống chụp ảnh thôi cũng đủ làm chúng tôi bị… choáng. Tuy nhiên, với một người có hơn 30 năm “quen cống” như chú Sơn thì “lên xuống cống là chuyện hàng bữa”.

Thoáng chốc, chú Sơn đã biến mất khỏi mặt đường, chuyền người xuống chiếc thang gỗ bắc từ đoạn giữa xuống đáy cống, rồi hì hục trong bóng tối.

Nước đến nửa người, chú Sơn dùng chân và tay rà kiểm tra nắp cống, rồi lấy cây tràm tấn xéo từ nắp qua thành cống cho “nắp kín và thiệt chặt”. Từ dưới đáy cống, chú nói vọng lên: “Nước còn thấp cỡ này là dễ chớ lớn một chút thì khó hơn nên phải canh”. Xong việc, chú lại dò dẫm leo lên mặt đường.

Chú Sơn cười đùa: “Mặc vầy lên hình có kỳ quá không?” Chúng tôi hỏi: “Sao chỉ đội nón mà không có dụng cụ bảo hộ khác như khẩu trang, găng tay… vậy chú?”

Chú Sơn bộc bạch: “Công ty có trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ nhưng khi làm việc ở trên bờ thì đeo đủ chớ xuống cống thì đeo khẩu trang bị ngộp, còn bao tay hay ủng cũng có đeo thử vài lần nhưng xuống dưới đó khó thao tác quá”.

Tiếp tục kiểm tra miệng cống khác gần đó với độ sâu khoảng 2m. Lần này không có thang, chú dùng “thế” xuống cống. Vừa bước chú vừa diễn giải với chúng tôi “như vầy mà đeo ủng vô nó trơn, bước xuống sao được”. Kiểm tra cống xong, chú lại bám vào thành cống ngoi lên mặt đường.

Cứ vậy, chú kiểm tra gần chục cống. “Mới hồi đầu nhát lắm, nhất là ban đêm xuống đó lạnh tanh à, nhưng làm riết quen”- chú Sơn nói.

Theo Tổ Thoát nước đô thị, việc kiểm tra, gia cố các nắp cống ngầm và van một chiều nhằm đảm bảo giữa nắp và miệng cống được đậy kín và chắc trước khi nước lớn để khi nước dâng cao thì không tràn qua đường cống gây ngập.

Tổ trưởng Trần Minh Trung cho biết, một con nước thường có 2- 3 công nhân trực tiếp nhảy xuống cống kiểm tra, gia cố nắp đậy. Nước dâng thì túa ra trực máy bơm, đắp bao cát ngăn nước tràn... Nước rút thì quay lại từng miệng cống ngầm và các chỗ lắp van một chiều để kiểm tra xem nước có xả ra chưa.

“Lúc nước rút, nếu nước làm cây tràm đã tấn không tự bung ra thì phải dùng cây sắt tự chế để giựt lên, mà “ai tấn thì người đó mới biết thế mở”. Cứ vậy, một đêm có 2 con nước thì cũng ra trước, về sau đủ 2 con nước nên “có đêm ngủ được vài tiếng, có đêm thức trắng”- chú Sơn xởi lởi.

Kiểm tra, gia cố cống xong, chú Sơn bám vào thành cống ngoi lên mặt đường.
Kiểm tra, gia cố cống xong, chú Sơn bám vào thành cống ngoi lên mặt đường.

“Dầm mưa canh nước là bình thường”

18 giờ ngày 17 tháng 9 âl, chúng tôi gặp chú Nguyễn Văn Hoanh và một số công nhân khác ở điểm đặt máy bơm tại Bến tàu khách Vĩnh Long. Đoạn sông Long Hồ ven bến tàu này đang được thi công bờ kè.

Chú Hoanh cho hay, con nước đầu tháng 9 âl năm nay lên đột ngột cộng với mưa lớn nên nước tràn qua một số điểm dọc bờ kè, các tuyến đường khác cũng có chỗ nước tràn nên hệ thống máy bơm phải làm việc liên tục vẫn không xuể. “Con nước rằm này nước ít hơn nhưng cũng tràn vài điểm, máy bơm cũng làm việc suốt”- chú Hoanh nói.

Tui vô làm từ năm 18 tuổi, đến nay 41 tuổi rồi. Hồi mới vô xuống cống là run cầm cập. Giờ kinh nghiệm nên lên xuống biết chỗ bám. Cống cạn nhiều nhưng cũng có cống sâu cỡ 3 người đứng chấp lại, trơn và có vật cứng, đá nhọn nên cần kỹ lưỡng. Trên bờ thì đùa giỡn cho vui nhưng nói xuống cống là tập trung, làm xong việc đàng hoàng rồi lên.

Anh Phạm Nguyễn Vĩnh Tâm

Theo “nghề” cống hơn 20 năm, chú Hoanh xem chuyện dầm mưa canh nước là bình thường.

Tại mỗi chỗ có máy bơm chia làm 2 tốp: một tốp trực máy đảm bảo vận hành tốt, một tốp đi kiểm tra các điểm thấp- nước hay bị tràn, vô cát, tấn ngăn nước tràn, gia cố nắp van khi có sự cố…

“Đã ra trực thì không kể giờ giấc, càng không dám ngủ, mưa gió gì cũng phải đi vòng vòng kiểm tra, sẵn sàng nhảy xuống cống vì công tác chống ngập lúc nào cũng “căng như dây đàn”- chú Hoanh “đúc kết”.

20 giờ cùng ngày, trăng treo trên cao- lung linh hơn các ngọn đèn phố thị, anh Lý Thanh Trung ngồi túc trực bên máy bơm nước ở cầu Hưng Đạo Vương. Nước từ các ngã đường nội ô theo đường ống tuôn ào ào ra sông Cầu Lầu.

Vẻ mặt khá bơ phờ, anh Trung nói: “Tui ra đây hồi 2 giờ chiều để kiểm tra các cống hay mấy miếng đan (đal) có bể không rồi trực máy bơm. Nước đang rút, chắc chừng 1 tiếng nữa về rồi. Tầm khoảng 2 giờ khuya ra trực con nước tới”.

Theo chân các anh công nhân chống ngập mới biết, ở những chỗ nước tràn, anh em trong tổ phải nhanh chóng vô bao cát để tấn. Một số nơi có thể tấn đến hơn chục bao. Sau khi nước rút, anh em cũng phải mở bao cát, trả lại mặt đường như bình thường. Công việc bất kể giờ giấc.

Tuy nhiên, có trường hợp vừa tấn xong quay lại thì bao cát đã “biến mất” hoặc bị rọc rách hoặc có người hăm he không cho tấn…

Theo ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long, năm nào công ty cũng có kế hoạch chống ngập từ sớm.

Phương án là lắp đặt các van một chiều chặn hết các miệng cống. Đồng thời, bố trí các máy bơm ở cầu Hưng Đạo Vương, ngay Trường THPT Vĩnh Long, cầu Phạm Thái Bường, cầu Tân Hữu và đường Trần Văn Ơn…

Tuy nhiên, do máy công suất nhỏ (150- 250 m3/h) nên mưa lớn, triều cường thì bơm không thấm vào đâu. Bên cạnh, công ty còn sử dụng bao cát tấn ở các đầu hẻm để ngăn nước tràn ra đường. Tuy nhiên, có một số chỗ người dân không đồng tình.

Có nước là bơm nhưng vẫn ngập

Anh em trực lũ bơm khi nước mới dâng chứ không chờ ngập mới bơm nhưng triều cường, mưa lớn thì… nhiều chỗ nước tràn nên không tránh khỏi ngập. Về lâu dài, thành phố đang được triển khai các dự án kè, bờ bao. Khi các dự án này hoàn thành thì công tác chống ngập cho thành phố sẽ ổn hơn. Tuy nhiên, những chỗ nước tràn từ sông rạch qua nhà dân mà đê bao chưa phủ hết thì cần có giải pháp ngăn chặn để chống ngập chung cho nội ô thành phố.

Ông Ngô Thành Thía- Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh