"Chúng tôi yêu thành phố"

05:11, 11/11/2020

Phía sau những tuyến đường sáng đẹp, tinh tươm là giọt mồ hôi rơi bất kể ngày nắng, đêm mưa, phố phường còn say giấc... Họ- những người chọn gắn bó với "nghề" làm đẹp đường phố- nói với chúng tôi, làm việc để mưu sinh và do "có cảm tình với phố".

Phía sau những tuyến đường sáng đẹp, tinh tươm là giọt mồ hôi rơi bất kể ngày nắng, đêm mưa, phố phường còn say giấc... Họ- những người chọn gắn bó với “nghề” làm đẹp đường phố- nói với chúng tôi, làm việc để mưu sinh và do “có cảm tình với phố”.

Nhân Ngày Đô thị Việt Nam (8/11), chúng tôi muốn nói về họ- những người dốc sức, dốc lòng cho búi cỏ, nhành cây, góc phố, con đường… mỗi ngày thêm đẹp.

Kỳ 1: Chuyện nghề bên cống thoát nước

Công việc vất vả, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa người ở dưới và trên miệng cống.
Công việc vất vả, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa người ở dưới và trên miệng cống.

Trong tiết trời se lạnh cuối năm, các anh công nhân thuộc Tổ Thoát nước đô thị (Xí nghiệp Vệ sinh môi trường- Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long) hì hục nạo vét các hố ga bên đường. Hụp sâu đến cổ, quần áo ướt rồi khô, khô rồi lại ướt và những “câu chuyện nghề” chia sẻ với chúng tôi cũng… quyện mùi nước cống.

Mồ hôi rơi nơi cống nước đen ngòm

Thông cống có lẽ là việc ít ai muốn làm, càng ít người gắn bó bởi môi trường làm việc ô nhiễm. Dù vậy, hầu hết các anh trong Tổ Thoát nước đô thị đều gắn bó với công việc này nhiều năm.

Đối với các anh, hệ thống cống rãnh, hố ngầm dưới lòng đường quen thuộc đến nỗi “nghe tên đường là biết cống ở dưới đi thế nào, kích cỡ ra sao, đoạn đường có bao nhiêu cái hố…”. Đồng thời, mỗi người đều có những “ấn tượng khó phai” sau chuỗi ngày “vét cống, chui hầm”.

Chú Nguyễn Văn Hoanh (57 tuổi) chia sẻ: “Móc cống thủ công phải nhảy xuống, vét hết bùn, rác và tạp chất ra ngoài. Trong đó, móc cống ngầm là cực nhất vì cống lớn nhỏ khác nhau, có cống chỉ 6 tấc tròn nhưng phải chui vào để kéo rác ra.

24 năm “theo nghề cống”, anh Lý Thanh Trang (48 tuổi) có trải nghiệm nhớ đời trong cống hẹp. Anh Trang nói, chui vô cống hẹp và tối thì nạo vét tạp chất khó, cắt rễ cây càng khó hơn.

“Đồ nghề mang theo là đèn pin, cây sứa và cái “xủn”. Cắt xong thì bò vận chuyển cho đến khi đem hết rễ cây ra ngoài. Năm nay cắt xong, năm sau rễ lại đầy lên nên cắt tiếp”- anh bộc bạch.

Theo Xí nghiệp Vệ sinh môi trường, nội ô TP Vĩnh Long có hơn 85.000m cống ngầm, gần 11.000m rãnh và hơn 4.000 hố ga. Việc thông cống diễn ra thường xuyên trong năm, cứ hết đường này thì sang đường khác để đảm bảo thông thoáng đường thoát nước.

Anh Trần Minh Trung- Tổ trưởng Tổ Thoát nước đô thị- cho biết, tổ có 10 người và “ai cũng có thể xuống cống để nạo vét” nhưng thường xuyên và quen việc nhất có 5- 6 người. “Nguyên tắc” là chọn tuyến đường có cống nước cạn để nạo vét trước nhưng nếu có cống nghẹt thì dù đang mưa hay đang ngập lũ cũng “đi ngay”.

“Tai nạn nhỏ” từ… rác cống

Hố ga trên các tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long sâu phổ biến khoảng 1- 2m nhưng cũng có tuyến hố sâu đến 3- 4m. Người trực tiếp xuống nạo vét “dò dẫm lần lần” và dùng “thế” để xuống hố. Do phải khom để nạo vét tận đáy nên nước đen thường ngập tới cổ.

Vừa vét xong một hố ga, anh Lý Thanh Trung quệt mồ hôi và ngồi nghỉ trong lúc chờ xe lấy tạp chất và bùn chở vào hố rác. Trong bộ đồ ướt nước cống, anh chậm rãi kể về những buồn, vui của nghề.

Đôi mắt ưu tư, anh Trung nói vẫn chưa quên cảm giác lần đầu xuống cống “vừa sợ vừa ghê” và “lần vét cống bị kim đâm làm độc mấy ngày liền, sợ bị lây bệnh truyền nhiễm”.

Theo anh Trung, anh em thường dùng chân rà khảo sát đáy cống trước để xem có rác nguy hiểm hay không rồi mới vét bùn và tạp chất. Dù vậy, “trầy xước, đứt tay chân thỉnh thoảng vẫn xảy ra”.

Chìa đôi tay chi chít sẹo “do nạo vét cống bị đứt”, anh Phạm Nguyễn Vĩnh Tâm gắn bó “nghề cống” hơn 23 năm, dí dỏm nói: “Hồi mới vô, tôi chưa quen nên bị đứt bấy hết, giờ chuyên nghiệp rồi thì… lâu lâu mới đứt”.

Theo các anh trong tổ cống, dơ nhất là cống chợ và cống ở các đoạn đường có hàng ăn uống… Ở các cống này, nhiều loại rác và dầu mỡ ứ đọng nên đóng khối, có cống bị bít lại. Do đó, khi chui xuống “xử lý” các hố như vậy thì “cả người trơn nhẫy dầu mỡ và rất nặng mùi”.

Cùng ngăn rác tuôn xuống cống

Thấy việc thông cống khá vất vả, nặng nhọc, đặc biệt là dơ và hôi nên tôi và các hộ dân xung quanh ý thức đổ rác đúng nơi quy định. Có lúc mưa nước bị nghẹt, người dân cũng lấy cây khều, gom rác để nước dễ chảy xuống cống. Tập thể dục buổi sáng ở Công viên Phường 9, thỉnh thoảng tôi thấy những người lớn tuổi, các em sinh viên nhặt rác để vô thùng, tránh mưa chảy xuống gây nghẹt cống.

Cô Võ Thị Nga- bán nước giải khát ở đường Phạm Hùng (Phường 9- TP Vĩnh Long)

Tổ trưởng Trần Minh Trung cho biết, gọi là cống thoát nước nhưng dưới cống rác gì cũng có: vỏ ly- chai nhựa, hộp xốp, bịch ny lông, đá dăm, miểng và kim tiêm...

Theo anh Trung, so với trước kia, phần lớn người dân thành phố ngày càng ý thức để rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, các loại rác “đi lạc” xuống cống vẫn còn.

Do đó, dù công ty có trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động nhưng do làm thủ công nên “tai nạn nhỏ” là không tránh khỏi.

Ông Nguyễn Hữu Hưng- Phó Giám đốc Xí nghiệp Vệ sinh môi trường cho biết, hệ thống thoát nước ở hầu hết các tuyến đường nội ô thành phố sử dụng chung cho thoát nước mưa và thoát nước sinh hoạt.

Bên cạnh nhiều hộ ý thức tốt thì vẫn còn những chỗ tập trung đông người mua bán các loại rác thải thường bị tuôn xuống đường thoát nước. Thậm chí có hộ còn đấu nối hầm cầu trực tiếp vô đường thoát nước nên gây mùi hôi, nước ngập tràn lên đường.

Những “vụ nghẹt bất ngờ” như vậy thì anh em tổ cống phối hợp xử lý. Nếu người dân để rác đúng nơi quy định thì không chỉ anh em công nhân đỡ vất vả mà cống thông thoáng cũng góp phần giảm ngập.

Nạo vét hàng chục ngàn mét cống rãnh và hàng ngàn hố ga hàng năm nên theo Tổ trưởng Trần Minh Trung thì “khối lượng công việc cũng nhiều”. Tuy nhiên, cao điểm nhất vào mùa mưa lũ vì anh em nạo vét cũng là lực lượng trực lũ chống ngập cho thành phố.

Là một trong những người có tuổi nghề cao nhất tổ (hơn 30 năm), chú Lương Hoàng Sơn trải lòng: “Chui hầm vét cống mà, dơ và hôi lắm nhưng đã theo nghề thì theo luôn”.

Lo “bệnh nghề nghiệp”

Công ty trang bị bảo hộ lao động nhưng do thường xuyên làm việc tiếp xúc mùi hôi và ô nhiễm nên tôi cũng lo bị “bệnh nghề nghiệp”. Do đó, ngoài tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo hộ, tôi mong mọi người cùng giữ vệ sinh chung.

Chú Nguyễn Văn Hoanh- công nhân Tổ Thoát nước đô thị

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh