Giải pháp nào để ứng phó?

05:11, 07/11/2020

ĐBSCL trong đó, có tỉnh Vĩnh Long là vùng đất thấp, được đánh giá là khu vực đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng.

ĐBSCL trong đó, có tỉnh Vĩnh Long là vùng đất thấp, được đánh giá là khu vực đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Những năm gần đây, tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai trong tỉnh tiếp tục có những diễn biến bất thường, xâm nhập mặn, triều cường đã có những tác động sâu sắc hơn đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Đô thị nằm ven sông lớn bị ngập nặng, khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. Ảnh: TẤN TÂN
Đô thị nằm ven sông lớn bị ngập nặng, khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. Ảnh: TẤN TÂN

Thiệt hại mỗi năm mỗi tăng

Tại Vĩnh Long các năm qua, độ mặn cao nhất trên các sông lớn ở huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đều xấp xỉ và cao hơn 5‰. Đặc biệt, trong mùa khô năm 2019-2020, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu, độ mặn tiếp tục lên cao mức kỷ lục mới, vượt đỉnh mặn năm 2016 (năm độ mặn đạt mức kỷ lục) và kéo dài đến tận tháng 5/2020.

Sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đời sống dân cư tại các vùng trũng, vùng ven các sông, kinh, rạch, các cù lao trên sông lớn bị thiệt hại đáng kể. Mưa lớn, giông lốc xoáy, sạt lở bờ sông, kinh, rạch và hạn hán, xâm nhập mặn là các loại hình thiên tai cực đoan thường xảy ra nhiều nhất.

Theo đó, nông nghiệp và thủy lợi là 2 lĩnh vực bị tác động trực tiếp và bị thiệt hại nhiều nhất do tác động của BĐKH và nước biển dâng.

Đỉnh mặn đo được trên sông Cổ Chiên tại 2 huyện Vũng Liêm và Mang Thít lên cao từ 6,2- 10‰, sông Hậu tại huyện Trà Ôn lên đến 7,8‰. Đặc biệt, phía sông Tiền tại các xã cù lao Bình Hòa Phước, Đồng Phú vẫn xuất hiện nước mặn với nồng độ 4‰.

Anh Nguyễn Văn Đông (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) đang trồng khoảng 1ha sầu riêng cho biết: “Đợt mặn năm nay, dù tôi đã chủ động giữ nước nhưng vẫn bị thiệt hại khoảng 30% năng suất và nhiều cây sầu riêng không chịu nổi, bị quéo lá”.

Tuy nhiên, công tác ứng phó, thích ứng với BĐKH của tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập. Nói về vấn đề này, ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng: Khó khăn lớn nhất là nhận thức của cộng đồng ở địa phương về BĐKH và thích ứng với BĐKH còn yếu, các cơ quan chuyên trách thiếu các công cụ để vạch định chính sách ứng phó với BĐKH.

Trong khi đó, thiên tai ngày càng bất thường, gây nhiều thiệt hại đến sản xuất, đời sống người dân, công tác khắc phục hậu quả rất khó khăn, tốn kém, nhất là hạ tầng kỹ thuật; công tác dự báo thiên tai hiện còn nhiều bất cập, nhiều dự báo chưa xác định rõ đầu mối, mức độ chính xác trong dự báo dài hạn chưa cao,…

Xâm nhập mặn có ảnh hưởng lớn sản xuất của người dân.
Xâm nhập mặn có ảnh hưởng lớn sản xuất của người dân.

Ông Nguyễn Văn Liệt- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đánh giá ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên, đặc biệt là BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.

Riêng tại tỉnh Vĩnh Long, trong thời gian qua và nhất là trong năm qua cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do BĐKH, tình trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng khá lớn đến diện tích đất trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Dự báo BĐKH ngày càng gay gắt.

Vì vậy, giải pháp căn cơ thế nào cần các nhà khoa học, cần nhiều ngành, kể cả cộng đồng tham gia giải pháp hiệu quả cho Vĩnh Long và ĐBSCL. Không thể trồng cây sầu riêng, cây chôm chôm, kể cả lúa vụ 3 thì trồng cây gì thích ứng với BĐKH?

Cần các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, BĐKH làm gia tăng cường độ thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, về lâu dài đã làm thay đổi khí hậu của một vùng rộng lớn.

Để nông nghiệp thích ứng với BÐKH cần có chiến lược dài hạn, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật sản xuất và đảm bảo thủy lợi.

Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn, chịu phèn; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp: thực hiện cánh đồng lớn; từng bước đưa vào thử nghiệm một số giống cây trồng chịu mặn để canh tác vùng có khả năng nhiễm mặn và mô hình sản xuất lúa kết hợp với nuôi thủy sản ở nơi môi trường nước thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Liệt cho rằng: Để ứng phó với BĐKH, đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để thích ứng và phát triển bền vững ĐBSCL.

“Phải làm sao giảm mức thiệt hại đến mức thấp nhất, giải pháp phải mang tính liên kết vùng chứ không phải mạnh địa phương nào nấy làm, nhất là với các giải pháp công trình. Cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về thiên tai, BĐKH, nâng cao nhận thức về BĐKH và các tác động tiêu cực của chúng đối với cuộc sống của người dân.

Vận động nông dân sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường. Hướng dẫn bà con các biện pháp thiết thực nhằm ứng phó hiệu quả các tác động tiêu cực của BĐKH trong sinh hoạt và sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dự tính, dự báo diễn biến của thiên tai, dịch hại nhằm thông tin kịp thời để người dân có thể chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp”- ông Nguyễn Văn Liệt cho biết thêm.

Trong khi đó, đối với Trung ương, ông Văn Hữu Huệ cũng có kiến nghị điều chỉnh lại kịch bản BĐKH của vùng ĐBSCL để phù hợp với tình hình mới.

Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực ứng phó BĐKH; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về ứng phó BĐKH cho các tỉnh- thành vùng ĐBSCL.

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kinh trục thoát lũ nối sông Tiền, sông Hậu (Vĩnh Long- Đồng Tháp); hỗ trợ tỉnh kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến đê bao ven sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu, hoàn chỉnh đê bao sông Măng Thít; các dự án chống ngập các đô thị trong tỉnh ứng phó BĐKH.

Đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải hỗ trợ tỉnh đầu tư nâng cấp các đường giao thông thường xuyên bị ngập lụt để kết hợp với ngăn lũ, ngăn triều, nước dâng như: QL1A, QL53, QL54; các đường tỉnh 902, 903, 904,…

PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về BĐKH (ĐH Cần Thơ): Từ tháng 8 đến tháng 10 thì ngập lũ. Còn tháng 1 đến tháng 4 thì xâm nhập mặn, hạn hán. Để ứng phó với những tình huống xảy ra trong hiện tại và tương lai đối với ĐBSCL, cần có quy hoạch chuyển đổi sản xuất, bố trí những ngành nghề phù hợp, căn cơ và bền vững.

Theo đó, việc tạo dựng các chính sách thích hợp để có thể thích ứng với sự thay đổi của khí hậu trong tương lai và lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương có ý nghĩa lớn. Đối với sản xuất nông nghiệp, cần có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây, con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh triển khai các biện pháp công trình trữ nước, thu gom nước mưa, phục hồi nước ngầm, nạo vét kinh mương, xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối, dòng chảy),…

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh