Gần 5 năm sau khi khắc phục, đê bao cồn Thanh Long (ở ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) lại bị vỡ, sản xuất và đời sống người dân trong vùng đê bao tiếp tục bị đe dọa.
Gần 5 năm sau khi khắc phục, đê bao cồn Thanh Long (ở ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện- Vũng Liêm) lại bị vỡ, sản xuất và đời sống người dân trong vùng đê bao tiếp tục bị đe dọa.
Loại Công trình mỏ hàn có thể sử dụng như ở các dự án kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (khu vực TP Vĩnh Long). |
Vỡ đê lần sau dài hơn lần trước
Thông tin thu thập được cho thấy, sự cố vỡ đê bao cồn Thanh Long lần trước xảy ra vào đêm ngày 7/2/2016. Nguyên nhân: do triều cường con nước cuối năm Ất Mùi 2015 lên cao xấp xỉ 1,8m tại Vũng Liêm, đê bao thấp và yếu nên bị vỡ và bị tràn.
Đoạn đê bị vỡ dài 50m, đoạn bị tràn dài 173m, 18,78ha vườn cây ăn trái của 36 hộ bị thiệt hại (thiệt hại trên 70% có 10,137ha), 11 ngôi nhà bị ngập và cùng với nhiều chuồng trại, ao hồ nuôi thủy sản trên cồn bị ngập sâu, 11 hộ phải di dời. Tổng thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng. 11 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp được hỗ trợ khẩn cấp trên 23 triệu đồng để ổn định nơi ở và sinh hoạt.
Sau khi xảy ra sự cố, tỉnh hỗ trợ để huyện Vũng Liêm thi công tuyến đê bao dài 1.035m (cao trình +2,5m, mặt đê rộng từ 2,5-3m) hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối tháng 5/2016, kinh phí trên 500 triệu đồng.
Vụ vỡ đê lần này có quy mô “dài” hơn lần trước. Theo báo cáo ban đầu của chính quyền địa phương sở tại (đến ngày 26/10): đê bị vỡ và bị sạt lở 1 đoạn dài khoảng 60m, lấn sâu vào đất liền khoảng 10-15m, ảnh hưởng trực tiếp (ngập nền nhà) đến 8 hộ dân và khoảng 18ha vườn cây ăn trái (như bưởi da xanh, xoài, cau kiểng)…
Thiệt hại ban đầu ước trên 100 triệu đồng, tính cho phần đê bị sạt lở (chưa kể thiệt hại về cây trồng, vật nuôi). Đáng chú ý là tuyến đê nằm sát bờ sông Cổ Chiên, đoạn bị sạt lở gần vị trí đã bị vỡ lần trước.
Hiện chính quyền địa phương đang tổ chức khắc phục nhanh đoạn đê gặp sự cố để sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, vấn đề là cần tìm ra giải pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn để giữ ổn định công trình đê bao và giữ cồn; không để cứ mỗi lần đê bị vỡ, bị sạt lở rồi lại di dời vào trong, lại gia cố, vừa bị mất đất vừa tốn công, tốn kinh phí, rất tốn kém mà dân không an tâm an cư.
Cần có giải pháp dài để giữ cồn
Trên bản đồ hành chính huyện Vũng Liêm, cồn Thành Long có diện tích tự nhiên gần 30ha, có vị trí “rất xung yếu”: Nằm giữa dòng nước mênh mông của đoạn sông Cổ Chiên, ngay tại cửa vào của nhánh phải sông Cổ Chiên khi sông này gặp cù lao Dài để phân thành 2 nhánh: nhánh sông Cổ Chiên và nhánh sông Pang Tra.
Chính vì vị trí này mà khi thủy triều xuống, đầu cồn thường xuyên bị dòng chảy của nhánh phải sông Cổ Chiên (dòng chảy chuyển hướng về nhánh sông này hơn nhánh Pang Tra) tác động trực tiếp, áp sát đầu cồn, kết hợp với sóng to, gió mạnh càng làm cho đầu cồn bị sạt lở liên tục năm này qua năm khác.
Do vậy, dù chính quyền đã thực hiện đủ các biện pháp từ nhiều năm nay như: trồng cây, đóng cọc, cừ gỗ, cừ bê tông cốt thép, tấn đan, thảm nhựa…và đắp bờ bao, đê bao tôn cao khỏi mực nước lũ, triều cường nhưng vẫn không chống chọi nổi sức phá hoại của dòng nước và sạt lở, vỡ đê cứ tiếp diễn xảy ra. Đầu cồn dần mất đất, càng lùi dần về hạ lưu...
Cồn đã được hình thành lâu đời, hiện có trên 30 gia đình đang sinh sống cùng với nhiều huê lợi từ vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao nên không vì thế mà bỏ chạy, bỏ cồn, bỏ dân. Thiết nghĩ cần có giải pháp chống sạt lở dài hơi hơn, hiệu quả hơn như hiện tại đã làm, để giữ cồn, giữ dân…
Trước mắt, không thể sử dụng giải pháp “mềm”, giải pháp phi công trình để áp dụng phòng chống sạt lở cho nơi đây như trồng cây chắn sóng, chống sạt lở (như bần, dừa nước, cỏ…) hoặc đóng cọc, tấn bao cát vì không hiệu quả! Vì đầu cồn không còn là bãi bồi, không còn bãi sình lầy, mà bờ sông dốc, dòng chảy áp sát bờ, sạt lở mạnh.
Trong khi nguồn lực của địa phương còn khó khăn thì áp dụng giải pháp công trình xử lý tạm thời như đã thực hiện là phù hợp. Nhưng về lâu dài, một trong những biện pháp đề xuất thực hiện trong thời gian tới là làm cho đầu cồn trở nên cứng, chắc chắn hơn, bằng cách chỉnh trị dòng chảy (đẩy, lái dòng chảy) ra xa bờ đầu cồn mà trong kỹ thuật công trình thủy gọi là công trình mỏ hàn. Mỏ hàn là loại công trình để chỉnh trị một đoạn sông có chức năng: làm giảm lưu tốc dòng chảy, giảm vận chuyển bùn cát dọc bờ, tạo vùng nước tĩnh hoặc xoáy nhẹ để giữ bùn cát lại gây bồi cho vùng bờ, bãi bị xói; che chắn cho bờ khi sóng truyền tới; giảm lực xung kích của sóng tác dụng vào bờ; và hướng dòng chảy ven bờ đi lệch ra xa gây xói bờ.
Loại mỏ hàn có thể sử dụng mỏ hàn đá như đã sử dụng ở các dự án kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (khu vực TP Vĩnh Long). Kết cấu của mỏ hàn bằng đá hộc, đá tảng lớn, rọ đá thuộc loại mềm dẻo, linh hoạt, cho phép chuyển dịch phù hợp với biến dạng nền mà không gây ra hư hỏng và phá hoại kết cấu mỏ hàn… Biện pháp cần đầu tư lớn, dài hơi.
Bên cạnh cần tiến hành khảo sát địa hình, địa chất lòng, bờ sông, đo đạc thủy văn dòng chảy, xem lại vấn đề khai thác cát gần khu vực cồn và xem xét tác động của biện pháp này với bờ sông Cổ Chiên phía đối diện.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin