Trong giai đoạn chuyển mùa: Đề phòng áp thấp nhiệt đới, bão mạnh đổ bộ

05:10, 14/10/2020

Rạng sáng 11/10/2020, bão Linfa đi vào Biển Đông trở thành bão số 6 đổ bộ vào khu vực này, đã gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung nước ta, từ Quảng Nam đến Bình Định và hoàn lưu bão gián tiếp gây mưa trên diện rộng ở tỉnh Vĩnh Long. Từ đây đến cuối năm sẽ còn bao nhiêu cơn bão nữa?

Rạng sáng 11/10/2020, bão Linfa đi vào Biển Đông trở thành bão số 6 đổ bộ vào khu vực này, đã gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung nước ta, từ Quảng Nam đến Bình Định và hoàn lưu bão gián tiếp gây mưa trên diện rộng ở tỉnh Vĩnh Long. Từ đây đến cuối năm sẽ còn bao nhiêu cơn bão nữa?

Còn khoảng 7- 9 cơn xoáy thuận nhiệt đới

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, dự báo từ các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương (khu vực Nino 3.4) tiếp tục lạnh hơn và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với xác suất xảy ra khoảng 60%, nhưng có cường độ yếu và ít có khả năng kéo dài.

Dự báo từ tháng 9/2020 đến hết năm 2020, số lượng xoáy thuận nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới và bão) trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 7- 9 cơn, trong đó có khoảng 4- 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.

Trong tháng 10, dự báo từ các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới, đa số cho kết quả ENSO có xu hướng chuyển dần sang La Nina khi nhiệt độ nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục lạnh đi, có khả năng xuất hiện khoảng 2- 3 xoáy thuận nhiệt đới (áp thấp nhiệt đới hay bão) trên Biển Đông trong thời gian này và có khả năng tác động tới đất liền nước ta.

Thời tiết ở Vĩnh Long trở nên mưa nhiều hơn, tổng lượng mưa tháng 10 cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 15- 25%.

Những năm bão mạnh ảnh hưởng đến Vĩnh Long

Tại Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, quy định: những xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật thì gọi là áp thấp nhiệt đới; còn những xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật thì gọi là bão. Bão từ cấp 10 đến cấp 11 là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão.  

Trong vòng 15 năm trở lại đây, năm 2006 là năm có nhiều cơn bão nhất với 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó có 9 cơn bão rất mạnh đổ bộ vào Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta với cấp gió mạnh trên cấp 12 (sức gió vùng tâm bão từ 118- 133 km/giờ trở lên), đặc biệt là 3 cơn bão mạnh liên tiếp đổ bộ vào cuối năm đó: bão số 1 (bão Chan Chu), bão số 6 (Xangsane) vào tháng 9 tàn phá miền Trung, bão số 9 (Durian) vào tháng 12 tàn phá Nam Trung Bộ và miền Tây Nam Bộ vào tháng 12.

Riêng cơn bão số 9 (Durian) đã để lại ấn tượng đáng sợ cho miền Tây Nam Bộ. Tỉnh Vĩnh Long có 4 người chết, 68 người bị thương, 5.294 căn nhà bị sập, 16.277 căn nhà, phòng học, trạm y tế, trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng nặng, 73ha hoa màu bị đè bẹp, 2.552ha vườn cây ăn trái và 500ha lúa Thu Đông bị ngã đổ hoàn toàn, 24 bè cá và 24 ghe, tàu bị chìm, 939 trụ điện, trụ điện thoại bị gãy, tổng thiệt hại ước tính thời đó là 94 tỷ đồng. Huyện Vũng Liêm có mức thiệt hại cao nhất (49,8 tỷ đồng), kế đến là Tam Bình (14,2 tỷ đồng).

Trước đó 9 năm, liên tiếp 2 năm 1997 và 1998, bão mạnh (tức bão cấp 10 đến cấp 11, sức gió từ 89 đến 117 km/giờ) ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Bão số 5 (Linda) vào cuối năm 1997 làm chết 3 người, mất tích 13 người, 5.014 hộ cần cứu đói, 118 nhà bị đổ, 60.038 nhà bị hư hỏng, tốc mái 657 trường học, gây ngập 29.719ha lúa Đông Xuân (trong đó mất trắng 144ha), 26.625ha vườn cây ăn trái và 1.830ha ao hồ nuôi thủy sản (mất khoảng 307 tấn tôm, cá), thiệt hại lên đến 103,87 tỷ đồng.

Bão số 7 (tháng 12/1998) gây ngập úng 23.000ha lúa Thu Đông (có 8.600ha bị mất trắng) và 12.100ha vườn cây ăn trái, gây tràn và sạt lở trên 100km đê bao, cống đập thủy lợi... thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Trong các năm sau từ năm 2007 đến nay, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Vĩnh Long nhưng số cơn bão vẫn còn xuất hiện nhiều trên Biển Đông.

Ứng phó với bão: Phòng là chính

Gần 15 năm qua, kể từ sau bão số 9 (năm 2006) xảy ra, Nam Bộ (trong đó có Vĩnh Long) không bị bão mạnh… Điều đó không có nghĩa là không thể xảy ra nữa, nhất là thời gian cuối năm, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa từ mùa mưa sang mùa khô.

Hiện nay, do công nghệ viễn thám phát triển mạnh mẽ, Việt nam đã tự làm chủ công nghệ, kỹ thuật dự báo nên thông tin về diễn biến bão, đặc biệt là dự báo bão từ xa đã nhanh chóng chuyển tải đến khắp cả nước.

Ở tỉnh Vĩnh Long, trong những năm qua, công tác phòng, chống- giảm nhẹ thiên tai nói chung đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong phòng chống bão, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm nhiều như các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Do địa hình bằng phẳng, cơ sở hạ tầng cho phòng chống bão còn lạc hậu (phần lớn công trình, nhà xưởng chưa lồng ghép yếu tố chống đỡ gió mạnh, bão; nhiều nhà cửa của dân còn tạm bợ hoặc bán kiên cố...), tỉnh còn thiếu phương tiện chuyên dùng và lực lượng chuyên môn cho công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do bão…

Vì vậy, nếu bão mạnh như bão số 9 (năm 2006) ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta thì thiệt hại về nhà cửa, công trình, nhà xưởng sẽ rất lớn, kế đến là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp- thủy sản do mưa gây ngập úng.

Do chưa ở thế chủ động trong ứng phó với bão, nên giải pháp chính và hiện thực nhất để giảm thiệt hại do bão gây ra hiện nay là “phòng, tránh” bão.

Thực tế cho thấy, việc dự báo chính xác hướng di chuyển, cấp bão, phạm vi ảnh hưởng và thông tin nhanh chóng, rộng rãi tin bão đến toàn dân cùng với việc chuẩn bị, tổ chức tốt việc phòng tránh như chằng- chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú an toàn, tổ chức phương tiện để sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm ở các địa phương sẽ giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

Trong xây dựng nhà cửa, công trình, nhà xưởng phải lồng ghép tiêu chuẩn về phòng chống gió mạnh, lốc xoáy, bão. Mái lợp phải được neo giằng chắc chắn.

Những hộ không có điều kiện xây nhà mới, nhà kiên cố thì cần xây dựng các thùng, hầm bằng bê tông (còn gọi là “cản sê” hay “trảng xê”) để tạo nơi ẩn nấp, đảm bảo an toàn khi có bão mạnh...

Và điều quan trọng nữa là cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, của mọi người chung tay cùng chính quyền, ngành chức năng trong phòng chống thiên tai, phòng tránh bão.

So với các loại thiên tai khác đã từng xảy ra trong nước, trong tỉnh, bão có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn, gây thiệt hại nhiều hơn (kể cả nhân mạng). Bão có thể làm tổn thất đáng kể hoặc triệt tiêu thành quả phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, của vùng; làm mất mát tài sản, nhân mạng của hộ gia đình đã dày công xây dựng trong nhiều năm.

Xu thế bão khó lường, phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng. Vì vậy công tác phòng tránh bão phải được mọi người, các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm thực hiện, không được chủ quan, lơ là.

HÀ THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh