Ngày 24/10/2020, trong phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) cho rằng có một số vấn đề cần nghiên cứu thay đổi cho phù hợp.
Ngày 24/10/2020, trong phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) cho rằng có một số vấn đề cần nghiên cứu thay đổi cho phù hợp.
Theo đó, tại điều 3 trong phần giải thích từ ngữ, ban soạn thảo đã lựa chọn hợp lý 44 khái niệm và giải thích khá rõ, khoa học, thuyết phục. Tuy nhiên, tại khoản 2 của điều này khi giải thích chất ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường cao hơn ngưỡng cho phép làm cho môi trường bị ô nhiễm thì cần giải thích rõ thêm về khái niệm này.
Trong thực tế, có một số trường hợp thông số các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường không cao hơn giá trị giới hạn của quy chuẫn kỹ thuật môi trường cho phép nhưng vẫn làm cho môi trường ô nhiễm.
Như thông số pH trong nước mặt có giá trị giới hạn của quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép là từ 5,5 đến 9 nhưng trong thực tế nếu chỉ số pH này dưới 5,5 thì đã làm cho môi trường bị ô nhiễm rồi. Hay thông số DO trong nước cho phép bằng hoặc tương đương 2mg/lít nhưng có khi giá trị này dưới 2mg/lít thì môi trường đã bị ô nhiễm và về nguyên lý thông số này càng thấp thì ô nhiễm nguồn nước càng nặng thậm chí cá không thể sống được.
Do vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và giải thích khái niệm này theo hướng viết lại như sau: “Chất ô nhiễm là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường cao hơn giá trị giới hạn hoặc nằm ngoài giá trị giới hạn của quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép làm cho môi trường bị ô nhiễm”.
Bên cạnh đó tôi cũng đề nghị ban soạn thảo cũng nghiên cứu bổ sung giải thích thêm các khái niệm được sử dụng nhiều trong luật nhưng chưa được giải thích như khái niệm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khái niệm kinh tế tuần hoàn…
Quy định hộ gia đình được kiểm tra là không khả thi
Tại khoản 1 điều 5 chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Quy định này theo tôi không khả thi và không phù hợp với thực tiễn của hoạt động kiểm tra giám sát hiện nay. Hộ gia đình và cá nhân không có chức năng kiểm tra. Chỉ có một số ít hộ gia đình và cá nhân được mời tham gia giám sát theo các chương trình giám sát của MTTQ hoặc giám sát cộng đồng theo các chương trình ở địa phương.
Theo luật định thì chỉ có các cơ quan chức năng của nhà nước mới có quyền thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và khi kiểm tra phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thanh tra kiểm tra. Cho nên tại khoản này, đề nghị ban soạn thảo bỏ khái niệm kiểm tra, mà quy định nhà nước chỉ tạo điều kiện cho hộ gia đình cá nhân tham gia giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật là đủ.
Tại khoản 1 điều 41 về giấy phép môi trường quy định như trong dự thảo luật là rất rườm rà vì phân ra nhiều loại giấy phép như thế không có tác dụng gì mà làm cho việc cấp giấy phép trở thành vấn đề phức tạp.
Giấy phép phân ra loại 1,2,3 thì rất dễ hiểu nhầm với dự án 1,2,3 được quy định trong dự thảo luật. Về vấn đề này, đề nghị bỏ hẳn khoản 1 điều 41. Để dễ dàng cho công tác quản lý nên quy định theo hướng phân cấp rõ, cơ quan nào thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thì cơ quan đó cấp giấy phép môi trường. Nội dung này đã được quy định rất cụ thể tại điều 36 về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Từ việc đề nghị bỏ khoản 1 điều 41 như lý do trên, đề nghị sửa điều 42 về thẩm quyền cấp giấy phép môi trường theo hướng: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có quy mô tính chất tương đương với dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định đánh giá tác động môi trường, hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn 2 tỉnh trở lên, nằm trên vùng biển không xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh có thực hiện dịch vụ quản lý chất thải nguy hại, có sử dụng phế liệu nhập khẩu trừ trường hợp đã quy định tại khoản 2 điều này.
UBND cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với dự án đã được UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có quy mô tính chất tương đương với dự án đã được UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đối với trường hợp dự án cơ sở nằm trên địa bàn từ 2 huyện trở lên trừ trường hợp đã được quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này.
UBND cấp huyện cấp giấy phép môi trường dự án theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 29 của luật này trừ các trường hợp quy định tại khoản 1,2,3 của điều này. Như vậy thì sẽ rõ ràng thể hiện sự phân cấp, phân công triệt để, phát huy được tính trách nhiệm của các địa phương.
Quy định trả phí rác thải chưa phù hợp
Tại điểm d khoản 1 điều 80 quy định chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được quản lý như chất thải rắn có khả năng tái chế. Quy định này theo tôi là chưa phù hợp.
Ví dụ như pin, bóng đèn huỳnh quang, các loại kính bị vỡ, đây là chất thải phát sinh từ hộ gia đình cá nhân, nó thuộc dạng chất thải nguy hại không có khả năng tái chế thì không thể nào quản lý như chất thải rắn có khả năng tái chế được, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định này.
Cũng tại điều 80 khoản 3 quy định kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải thực phẩm thấp hơn kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải sinh hoạt khác.
Quy định này theo tôi là chưa phù hợp với thực tiễn khi mà rác thải sinh hoạt hiện nay hầu như tất cả đều đổ vào thùng rác công cộng, không có phân loại; và xe thu gom rác sinh hoạt chuyên dùng cũng chỉ có một hộc thì không thể nào tách được tỉ lệ bao nhiêu phần trăm là rác thực phẩm bao nhiêu phần trăm là rác sinh hoạt khác để trả chi phí thu gom cho phù hợp.
Đề nghị ban soạn thảo xem lại nội dung này để quy định lại cho phù hợp với thực tiễn khi mà rác thải sinh hoạt ở Việt Nam ta chưa được phân loại tại nguồn như hiện nay.
BÙI THANH (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin