Các chuyên gia đánh giá địa chất đá cổ nứt, tạo phong hóa dày, nhiều đất sét là điều kiện hết sức bất lợi gây mưa lũ và sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung.
Các chuyên gia đánh giá địa chất đá cổ nứt, tạo phong hóa dày, nhiều đất sét là điều kiện hết sức bất lợi gây mưa lũ và sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung.Trong khoảng thời gian gần đây, miền Trung liên tiếp chịu 4 cơn bão đổ bộ và đã tàn phá gây thiệt hại nặng nề đến người và kinh tế khu vực. Dù đã có các cảnh báo sớm, tuy nhiên, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng đây là đợt thiên tai dị thường và cần phải có giải pháp tổng thể nhằm ứng phó với bão lũ.
Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung. (Ảnh: TTXVN) |
Không có công trình nào chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất
Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 30/10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng thiên tai tại khu vực này năm nay khắc nghiệt hơn so với năm 1999. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, thiệt hại bão lũ chỉ bằng một phần nhỏ so với năm đó.
Thứ trưởng Thành cũng đưa ra đánh giá vấn đề tác động của con người, đơn cử việc gây mất rừng nguyên sinh, xây dựng nhiều thủy điện… cũng có thể làm gia tăng thực trạng mưa lũ và sạt lở đất vừa qua.
Theo ông, các chuyên gia về địa chất đánh giá khu vực miền Trung đồi núi cao, phân tách mạnh, địa chất đá cổ nứt, tạo phong hóa dày, nhiều đất sét. Đây là điều kiện hết sức bất lợi khi mưa lớn và lâu ngày nước chứa trong lớp phong hóa sẽ nhão và tạo lực trượt kéo xuống dưới.
Mặt khác, các hoạt động nhân sinh như san ủi xây dựng nhà ở, trường học, xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà máy thủy điện cũng là hoạt động tạo mất chân sườn dốc và mất ổn định. Đây là nguyên nhân kích hoạt để thiên tai có thể xảy ra. Mất rừng cần đánh giá cụ thể trong từng trường hợp và có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Phân tích thêm, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những cảnh báo từ sớm ngay, thậm chí ngay từ đầu năm 2020 đã có cảnh báo sẽ có khoảng 5-6 cơn bão tập trung ở miền Trung và có những cơn bão lớn.
“Đây là đợt thiên tai dị thường mặc dù đã cảnh báo sớm khi có 56,1 triệu tin nhắn gửi tới bà con trong khu vực vùng để ứng phó với bão lũ, có một số nơi diện ngập lụt rộng đến mức nhà 2 tầng cũng ngập,” ông Hiệp chỉ ra thực tế.
Tuy vậy, ông Hiệp cũng thừa nhận hạ tầng chịu đựng cũng chỉ có mức độ. Đơn cử đê biển thiết kế chỉ chịu đựng bão cấp 10-11, nếu thiết kế giật cấp 12-15 kinh phí cao gấp đôi trong khi nước ta chưa đủ tiền để làm hay như hạ tầng giao thông chỉ thiết kế ở mức độ chịu đựng được; sự hạn chế của các khu neo đậu bến bãi tránh bão chỉ đạt 46%...
“Sạt lở đất thiệt hại nhiều và người diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật, điểm sạt lở không có trên bản đồ cảnh báo, do đó thời gian tới cần có ứng dụng khoa học và công nghệ vào cảnh báo mới làm tốt và nhanh đồng thời có giải pháp công trình theo hướng thuận thiên,” ông Hiệp nói.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay có 3 hình thái thiên tai gồm gió bão thường xảy ra ven biển cách 30-50km từ bờ biển vào và giải pháp công trình nhà cứng cơ bản chịu được, đợt bão vừa qua chủ yếu nhà cấp 4 mái tôn hay kính vỡ.
“Chúng ta đã xây được khoảng 30.000 ngôi nhà trên đỉnh lũ lịch sử, người dân có thể cầm cự được trong vòng 10-15 ngày và sẽ phát huy nguồn lực để phát triển thêm mô hình này. Riêng với lũ ống, lũ quét hay sạt lở đất không có công trình nào có thể chống chịu,” Thứ trưởng Hùng khẳng định.
Đưa ra giải pháp phòng chống bão lũ, theo ông Hùng, những nhà khi xây mới nên lựa chọn địa điểm vị trí phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Các nhà đang tồn tại cần rà soát di dời lựa chọn địa điểm mới, đặc biệt cần có hướng dẫn cụ thể để người dân nhận biết các cảnh báo về địa chất, lượng mưa nhằm mục đích có thể di dời trong thời gian ngắn.
Lần đầu tiên hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão
Đánh giá đợt mưa bão vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết từ đầu tháng Mười đến nay, mưa lũ miền trung diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Theo ông, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta hứng chịu bão chồng bão, lũ chồng lũ làm hàng trăm người chết, 120.000 ngôi nhà sập cuốn trôi, hư hỏng, tổng sơ bộ về thiệt hại ban đầu vì mưa lũ tại miền Trung là 2.700 tỷ đồng.
Ông cũng nhấn mạnh Chính phủ chia sẻ sâu sắc những mất mát đau thương của đồng bào, chiến sỹ quân đội, cán bộ công an thiệt mạng trong khi ứng phó, cứu trợ mưa lũ. Chính phủ sẽ nỗ lực làm hết sức, tập trung khắc phục hậu quả, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, vì cuộc sống an toàn bình yên của người dân.
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là hạn chế tối đa và giảm thiểu thiệt hại đồng thời huy động chung sức đồng lòng của toàn thể người dân, đặc biệt là tình tương thân tương ái, sự chia sẻ hỗ trợ nhân đạo với tấm lòng chung sức của cả nước hướng về miền Trung ruột thịt bởi càng khó khăn sẽ càng vượt qua được nhờ sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng quả quyết.
Khẳng định Chính phủ đã có ngay những giải pháp hỗ trợ đồng bào khu vực mưa lũ, ông Dũng thông tin Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp xuất 11.500 tấn gạo cho các địa phương, cấp xuất 500 tỷ đồng cho 5 địa phương... và quyên góp kêu gọi tiền cho các tỉnh cần được cứu trợ nhằm vượt qua mưa lũ.
Thừa nhận khó khăn thách thức thời gian tới là lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung sức lực, nhanh và đồng bộ về phòng chống lũ bão.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý các cấp ngành địa phương thực hiện khắc phục hậu quả lũ bảo, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ lương thực thực phẩm để không để bất cứ người dân nào ở vùng lũ bị đói, tập trung khôi phục hạ tầng sau mưa lũ; chỉ đạo trang thiết bị đồ dùng học tập, cứu hộ cứu nạn, phát triển sản xuất…/.
Theo Nhóm PV (Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin