Trong chiến tranh, nông dân (ND) là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ND cũng có vai trò hết sức quan trọng- đưa nông thôn nước nhà tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ông Nguyễn Văn Mịnh đã hiến hơn 1.200m2 đất để làm 3 công trình giao thông nông thôn. |
Trong chiến tranh, nông dân (ND) là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ND cũng có vai trò hết sức quan trọng- đưa nông thôn nước nhà tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với cả nước, Hội ND các cấp trong tỉnh đã cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, ND ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm trong phát triển “nông nghiệp thịnh vượng, ND giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại” góp phần đáng kể vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Vĩnh Long.
3 năm hiến gần 521.600m2 đất
Với 80,5% dân số sống ở nông thôn, ND tỉnh Vĩnh Long là lực lượng đông đảo và nòng cốt trong tiến trình xây dựng NTM.
Thời gian qua, các cấp hội đã vận động và tham gia thực hiện tốt các chương trình xã hội hóa về giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Dân làm Nhà nước hỗ trợ”, “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân thực hiện, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi”.
Giai đoạn 2018- 2020, hội viên, ND hiến gần 521.600m2 đất trị giá trên 50 tỷ đồng, đóng góp hàng chục tỷ đồng và trên 20.000 ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; làm mới và sửa chữa 8.000m đường giao thông nông thôn; trồng và chăm sóc trên 250km đường hoa, cây kiểng.
Hưởng ứng Tết Quân dân tỉnh Vĩnh Long tại xã Tân Hạnh (Long Hồ), Hội ND tỉnh còn phối hợp thực hiện công trình trồng “Tuyến đường hoa” dài 1,8km, kinh phí hơn 15 triệu đồng; phối hợp hỗ trợ xây cầu giao thông nông thôn tại xã Mỹ Phước (Mang Thít) với kinh phí 80 triệu đồng…
Gia đình ông Lưu Văn Hai (ấp Cái Chanh, xã Mỹ Phước- Mang Thít) hiến nửa công đất trồng sầu riêng và dừa làm lộ Hàng Thôn và kinh thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn.
“Một công đất cho huê lợi 40- 50 triệu đồng/năm “khỏe re”, nhưng bù lại khi làm lộ thì mọi người được đi lại, thông thương hàng hóa dễ dàng nên gia đình tôi sẵn sàng hiến đất”- ông Hai vui vẻ nói một cách “nhẹ tênh”.
Đi trên con đường nhựa nhỏ trước nhà, ông Nguyễn Văn Mịnh (82 tuổi, ở ấp Mỹ Thanh, xã Mỹ Phước) xúc động nói: “Có đường đi như vầy là “huy hoàng” rồi, không còn đường đất lông chông, sình lầy, ngập như trước nữa. Bà con xóm giềng tới lui được sạch sẽ, còn mấy đứa nhỏ học hành dễ dàng”.
Đó là đường liên xóm rộng 2m- công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm mà ông Mịnh đã hiến một phần đất vườn “ông bà trao truyền lại”.
Ngoài ra, ông còn hiến đất vườn, ruộng làm đường giao thông nông thôn kết hợp thủy lợi ở 2 điểm khác với tổng cộng hơn 1.200m2.
Nói về mảnh đất trước đây trồng nhãn và dừa đã hiến làm đê bao Bà Bổn, anh Nguyễn Ngọc Cẩn- con trai ông Mịnh- vui vẻ nói: “Làm đê bao, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi thì đi lại dễ dàng, thương lái đến tận nơi thu mua lúa tươi, mua trái cây nên bà con đỡ vất vả mà chuyên chở cũng thuận tiện…”.
Do đó, theo anh Cẩn, không chỉ gia đình mà đa số bà con quanh đây cũng rất đồng tình hiến đất. Nhờ vậy, vài năm gần đây, bộ mặt nông thôn thay đổi nhiều.
Nếu trước đây vẫn còn đường đan nhỏ xíu thì nhờ được đầu tư, địa phương vận động, người dân nhiệt tình hưởng ứng nên đường nối liền đường, xe cộ chạy tới tận nhà.
Anh Nguyễn Thanh Hải- Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Phước- cho hay: Đê bao Bà Bổn dài 2.700m, là đường giao thông nông thôn kết hợp thủy lợi nhằm tạo thuận tiện cho bà con đi lại, thu hoạch nông sản và chủ động nước tưới tiêu làm vườn. Tuyến đê bao này qua 3 ấp: Mỹ Thạnh, Mỹ Phú và Cái Kè. Các ấp này chủ yếu trồng sầu riêng, bưởi, nhãn và chôm chôm.
Công trình góp phần hoàn thiện tuyến đê bao dự án lúa- cá qua xã An Phước và Mỹ Phước. Cũng theo anh Hải, hiện xã đang vận động làm đèn đường, cột cờ cho tuyến đường liên xóm dài 1.700m và dự kiến sẽ thi công và sẽ sớm hoàn thành để bà con vui tết.
Nhiều mô hình mới trong nông nghiệp- nông thôn
Để góp phần nâng chất các tiêu chí trong xây dựng NTM, các cấp hội còn vận động thành lập trên 150 tổ thu gom rác thải sinh hoạt, với trên 2.216 thành viên; xây dựng 343 mô hình ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn với 5.800 thành viên, trên 21.000 hố rác gia đình; vận động ND tham gia 178 mô hình ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất với số tiền 3,64 tỷ đồng.
Đồng thời, xây dựng một số mô hình tiêu biểu như: mô hình trồng cây xanh, ngày thứ 7 xanh, ngày thứ 7 thân thiện với môi trường, tuyến đường hoa, thu gom rác sinh hoạt, bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; mô hình biogas bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Các cấp hội còn tuyên truyền cho hội viên, ND chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái thích nghi theo quy hoạch; phối hợp với các ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng thực hiện mô hình điểm để nhân rộng.
Ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh- nhận định: “Đây là những việc làm có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là động lực để phát triển kinh tế- xã hội bền vững, là mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp- nông dân- nông thôn mà ND là chủ thể trong quá trình phát triển, xây dựng NTM, gắn với kết cấu hạ tầng nông thôn”.
Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh- Trần Văn Trạch, từ những việc làm thiết thực, đã tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả lan tỏa đối với tổ chức hội và hội viên, ND, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo của ND trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM- về đích trước 2 năm so nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X. Hiện, toàn tỉnh có 49/87 xã NTM và TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- cho rằng: Thông qua các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội ND các cấp ngày càng được quan tâm; đội ngũ cán bộ ND các cấp từng bước trưởng thành và tiến bộ.
Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, những mô hình mới trong nông nghiệp, nông thôn với những sáng kiến, cách làm hay, năng động sáng tạo, ngày càng có nhiều hộ ND biết cách vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm cũng lưu ý các cấp hội, thời gian tới cần nâng cao nhận thức rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ của giai cấp ND và Hội ND thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; trong đó đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; khuyến khích khởi nghiệp nông nghiệp phù hợp với trình độ dân trí của người dân và của từng địa phương.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, ND tham gia giải quyết các nhiệm vụ quan trọng trong nông nghiệp, nông thôn, như: giữ gìn an ninh nông thôn, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…
ND hiến nhiều đất để xây NTM trong những năm gần đây là: ông Nguyễn Văn Bé Tám (xã Tích Thiện- Trà Ôn) hiến 1.500m2 đất; ông Nguyễn Minh Quang (xã Tân Long Hội- Mang Thít) hiến 1.000m2 đất; ông Bùi Văn Tám (xã Tân An Hội- Mang Thít) hiến 1.100m2 đất; ông Nguyễn Văn Hai (xã Hòa Thạnh-Tam Bình) hiến 500m2 đất; ông Nguyễn Văn Tiên (xã Đồng Phú- Long Hồ) hiến 500m2 đất để xây dựng nhà máy nước... |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin