Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các cơn bão đi kèm mưa lũ lớn, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề cho khu vực miền Trung. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các cơn bão đi kèm mưa lũ lớn, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề cho khu vực miền Trung. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới.
Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về nguyên nhân thiệt hại do thiên tai
Theo ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đợt thiên tai vừa qua khốc liệt hơn năm 1999 với 4 trận bão liên tiếp; trong đó bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm vừa qua. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân nên thiệt hại chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999.
"Về hoạt động của con người có tác động đến thiên tai hay không, chúng tôi phân tích như sau: Nguyên nhân chính của lũ ống, lũ quét, sạt lở là do các khu vực đồi núi cao có phân cách mạnh, đặc điểm địa chất dễ gây ra sạt lở. Còn các hoạt động nhân sinh chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường, như phải mở đường, phải san ủi, xây dựng mặt bằng, cơ sở hạ tầng trong đó có nhà máy thủy điện... Đây là những hoạt động tạo ra các ta luy, làm mất chân, mất ổn định của của sườn dốc. Đây là những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến sạt lở đất khi thiên tai xảy ra. Còn mất rừng có phải nguyên nhân khiến sạt lở đất hay không thì chúng ta phải đánh giá trong từng sự kiện" - Thứ trưởng lý giải.
Theo Thứ trưởng Thành, vụ sạt lở đất ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 là do công trình này đang trong quá trình xây dựng. Thực tế là vừa qua mưa lũ đều lớn hơn năm 1999, song chính quyền, địa phương đã vận hành tốt liên hồ chứa, cắt được lượng nước tràn về, nếu không hạ du sẽ ngập hơn năm 1999. Chỉ một số điểm trên mức lũ lịch sử; còn phần lớn thấp hơn đáng kể so với năm 1999.
Về tác động của xây dựng các thủy điện nhỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn đánh giá, thẩm định các yếu tố ảnh hưởng về độ phủ của rừng, ảnh hưởng đa dạng sinh học... Đồng thời, Luật Lâm nghiệp đã quy định chặt chẽ về việc chuyển đổi đất rừng đối với tất cả các dự án, không riêng gì thủy điện.
"Trong thời gian qua, chúng ta đã loại bỏ 472 quy hoạch thủy điện nhỏ, nhiều thủy điện cần phải xem xét kỹ lưỡng để bền vững, tránh rủi ro thiên tai" - Thứ trưởng cho biết.
Cần lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, trang thiết bị phù hợp
Cũng liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Đợt thiên tai vừa rồi rất dị thường, bất thường, chưa bao giờ 4 cơn bão liên tiếp đổ vào miền Trung. Ngay trong tháng 1/2020, cơ quan chức năng đã cảnh báo năm nay sẽ có 4 - 5 cơn bão đổ về miền Trung; cảnh báo trước 15 ngày về nguy cơ lũ lụt ở miền Trung, Thừa Thiên - Huế...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
"Chúng tôi đang cho kiểm tra lại xem có "điểm nghẽn" thông tin cảnh báo không, nghẽn ở khâu nào trong cảnh báo" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lực lượng công an, quân đội thời gian qua đã tham gia rất tích cực, nhưng điều chúng ta cần hơn là một lực lượng chuyên nghiệp, trang thiết bị phù hợp với mọi điều kiện cần thiết. Trong thời gian ừa rồi đã xảy ra những trường hợp là chúng ta không có phương tiện nào để vào hiện trường ứng cứu. Các bộ, ngành chức năng đã báo cáo Thủ tướng về vấn đề này để có giải pháp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Hiệp cho biết, hạ tầng của chúng ta có sức chịu đựng thiên tai ở một mức độ nào đó, đê biển hiện được xây dựng để chịu được bão cấp 9, cấp 10; nếu bão lên cấp 15 thì kinh phí xây dựng phải lớn gấp đôi, chúng ta chưa đủ điều kiện. Các nơi neo đậu tàu tránh trú bão mới đáp ứng khoảng 46% nhu cầu, chưa nói đến việc một bộ phận ngư dân chưa chấp hành tốt các quy định về ứng phó thiên tai.
Điều đáng quan tâm là các vụ sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người, phức tạp và không theo quy luật. Vừa qua nhiều vụ lở đất xảy ra tại những nơi ổn định về địa chất, không có trong bản đồ cảnh báo, nên chúng ta phải có ứng dụng khoa học công nghệ tốt và nhanh hơn.
"Hiện mới có trên 10 tỉnh có bản đồ về nguy cơ sạt lở, tuy nhiên đó mới là bản đồ tỷ lệ 1/5.000; muốn triển khai cụ thể phải có bản đồ 1/500. Nếu theo bản đồ 1/5.000 thì một lúc phải sơ tán cả vài xã, nên không thể triển khai được" - Thứ trưởng Hiệp nêu vấn đề. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có nhiều chỉ đạo, phải có đầu tư cho công tác này.
Theo Xuân Tùng (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin