Thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn

08:09, 25/09/2020

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020) các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, chủ trương cụ thể, góp phần thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020) các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, chủ trương cụ thể, góp phần thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Đồng chí Nguyễn Hiếu Nghĩa- Bí thư Thị ủy Bình Minh

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX Bình Minh nhiệm kỳ 2015- 2020 và Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cấp, phát triển TP Vĩnh Long đạt đô thị loại II và TX Bình Minh đạt đô thị loại III vào năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Bình Minh đã phát huy lợi thế, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra. Đến nay, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thị xã được đầu tư đồng bộ từ các nguồn vốn Trung ương, địa phương.

Cùng với mục tiêu xây dựng Bình Minh đạt đô thị loại III, thị xã chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo các công trình ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành.

Thị xã còn lắp đặt hệ thống truy cập wifi tại nơi công cộng; nâng cấp, cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn led và hệ thống hẹn giờ tự động, sử dụng điện năng lượng mặt trời; mô hình tuyến đường kiểu mẫu, đường hoa tự quản “sáng- xanh- sạch- đẹp”, khu dân cư kiểu mẫu không rác ở Khóm 5 (phường Cái vồn), mô hình phân loại rác nơi công cộng tại Quảng trường Trung tâm Hành chính.

Để xây dựng và phát triển TX Bình Minh trong tương lai xứng tầm là đô thị loại III theo hướng “sáng- xanh- sạch- đẹp” thông minh và thân thiện, thị xã sẽ hoàn chỉnh công tác lập quy hoạch, thiết kế đô thị hợp lý, hài hòa, thân thiện, thông minh và hiện đại làm cơ sở để quản lý không gian kiến trúc, quản lý hoạt động xây dựng.

Ngoài ra, tăng cường đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến vào công việc, trong đời sống sản xuất của người dân, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo bước đột phá trong quy trình sản xuất, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản, nhất là các sản phẩm có thế mạnh của thị xã như bưởi Năm Roi, cải xà lách xoong,...

Huy động các nguồn lực để hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Khai thác có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cho các công trình, dự án phát triển đô thị, khu dân cư và kết cấu hạ tầng.

Tích cực phối hợp mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các công trình về hạ tầng kỹ thuật đô thị và kinh tế- xã hội. Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và kết hợp với vốn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm tạo động lực phát triển đô thị.

Đồng chí Lê Tiến Dũng- Bí thư Huyện ủy Tam Bình

Quán triệt thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về tăng cường đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, qua 5 năm, kinh tế tập thể của huyện ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng.

Trong nhiệm kỳ, xây dựng được 3 làng nghề, đến nay toàn huyện có 14 làng nghề, với sản phẩm chủ lực là đan thảm lục bình và làm bánh tráng giấy, thu hút trên 11.000 lao động nhàn rỗi, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 1,5- 3 triệu đồng. Bên cạnh, toàn huyện có 20 hợp tác xã (tăng 10 hợp tác xã so cuối năm 2015).

Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, với 210 tổ sản xuất nông nghiệp, 14 hợp tác xã thu hút giải quyết việc làm trên 23.210 lao động địa phương.

Ngoài ra, còn liên kết với các doanh nghiệp, công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, góp phần tăng năng suất lúa trung bình đạt 7,19 tấn/ha, giá trị sản xuất trên cùng 1 đơn vị diện tích đạt 133,2 triệu đồng/ha/năm… Hiệu quả từ thực tế của kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa- xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, kinh tế tập thể vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Do đó, để phát triển mạnh và bền vững cần có chủ trương, chính sách phù hợp với xu thế phát triển, giúp hợp tác xã đủ điều kiện, đủ năng lực để tham gia sâu rộng hơn.

Bên cạnh, Nhà nước nên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là chính sách về cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, chính sách đất đai, tài chính- tín dụng, khoa học- công nghệ và thị trường.

Cần thực hiện chính sách miễn, giảm thuế kết hợp lồng ghép các dự án, chương trình phát triển, hoặc vay vốn với nhiều ưu đãi, ưu tiên đối với hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hướng tới ứng dụng công nghệ cao, bền vững.

Riêng đối với tỉnh, cần có chính sách, quy định thông thoáng hơn trong việc tiếp cận quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã để tiếp cận nguồn vốn, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Hàng năm ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ hợp tác xã trong xây dựng mô hình, chuyển đổi công nghệ, mở rộng quy mô hoạt động, tạo điều kiện để hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để nâng giá trị sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận thị trường trong thời kỳ hội nhập.

THỊNH- HUỆ (ghi)

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh