Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X với xuất phát điểm là một tỉnh trung bình khá trong vùng ĐBSCL.
Kết cấu hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư nhằm chủ động tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản. Trong ảnh: Lãnh đạo Trung ương và tỉnh khảo sát công trình ngăn mặn ở Vũng Liêm. |
Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X với xuất phát điểm là một tỉnh trung bình khá trong vùng ĐBSCL. Để đạt mục tiêu trở thành tỉnh khá vào năm 2020, theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón, BCH Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, trong đó quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong nhiệm kỳ qua là tập trung xây dựng Đảng vững mạnh, phát triển kinh tế xã hội, thực hiện quyết liệt các khâu đột phá. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, Vĩnh Long đã hoàn thành mục tiêu đề ra và trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL.
Xây dựng Đảng là then chốt
Nhiệm kỳ 2015- 2020 được đánh giá là một nhiệm kỳ hết sức đặc biệt do có nhiều sự kiện tiêu biểu, nhiều dấu mốc quan trọng về phát triển kinh tế- xã hội diễn ra trong điều kiện có không ít những khó khăn, thách thức.
Qua 5 năm thực hiện nghị quyết, kinh tế tiếp tục phát triển và tăng trưởng tốt. Ảnh: Vinh Hiển |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản trong giai đoạn 5 năm là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại dịch vụ”, quyết tâm đưa Vĩnh Long thành tỉnh khá trong khu vực.
Từ đó, BCH Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Bởi lẽ, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải phát huy tổng lực của cả hệ thống chính trị, với sự đồng thuận và quyết tâm cao.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Bùi Văn Nghiêm, nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy chế… về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Công tác xây dựng về chính trị được đặc biệt chú trọng; trong đó, đã kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của Ban Thường vụ và người đứng đầu cấp ủy.
Ngoài ra, Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương.
Việc thực hiện kiểm điểm sâu được thực hiện đối với những tập thể- cá nhân có đặc thù nhiệm vụ nhạy cảm, hoạt động trong môi trường có thể phát sinh tiêu cực, hoặc có dư luận không tốt, kéo dài...
Biện pháp và lộ trình khắc phục hạn chế được kiểm tra giám sát, đánh giá chặt chẽ, đặc biệt về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng đoàn kết nội bộ.
Song song đó, Tỉnh ủy hoàn thành Đề án vị trí việc làm, sắp xếp, hợp nhất, tinh gọn và nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý một số cơ quan, đơn vị. Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động.
Trong nhiệm kỳ, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện xuyên suốt mục tiêu xây dựng chính quyền minh bạch, dân chủ, phục vụ nhân dân hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời, UBND các cấp chủ động tổ chức các buổi đối thoại, tiếp dân để giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc phát sinh.
Trong nhiệm kỳ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ tiếp tục được xác định là khâu đột phá trong xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện các mục tiêu phát triển.
Theo đó, đã đưa đi đào tạo 37 thạc sĩ, 9 tiến sĩ, nâng tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ là 65/116 người, chiếm 56%; đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị đạt 100%.
Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND nâng cao hiệu quả các hoạt động khảo sát, giám sát... phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của cử tri. |
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm, từ những chỉ đạo tập trung và toàn diện về công tác xây dựng Đảng, hàng năm, có gần 99% cơ sở đảng hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 109% chỉ tiêu nghị quyết; trên 94% tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh, đạt 104%; kết nạp 7.850 đảng viên, đạt 112% chỉ tiêu nghị quyết.
Ngành nông nghiệp dần phá thế độc canh cây lúa, tiến hành thâm canh, tăng vụ, rải vụ; đa dạng hóa các loại cây trồng. Hình thành nhiều vùng chuyên canh đặc sản có diện tích lớn, năng suất và chất lượng cao. |
Ngoài ra, HĐND các cấp được kiện toàn, phát huy tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả các hoạt động khảo sát, giám sát...
Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát tối cao, giám sát các vấn đề được cử tri quan tâm... Nhiều ý kiến của đoàn đã được Quốc hội ghi nhận, đưa vào các chính sách kinh tế- xã hội, phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của cử tri.
Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ và đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, giúp khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy và mở rộng.
Theo đồng chí Bùi Văn Nghiêm, những kết quả trên đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng bộ đoàn kết hơn, vững mạnh hơn, trong sạch hơn.
Niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh, tạo nền tảng vững chắc đưa tỉnh Vĩnh Long phát triển bền vững.
Kinh tế tăng trưởng, xã hội phát triển
Lĩnh vực du lịch được đầu tư hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ảnh: Vinh Hiển |
Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, BCH Đảng bộ tỉnh xác định việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. BCH Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đi lên.
Đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản trong giai đoạn 5 năm 2015- 2020 là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”.
Theo đó, tỉnh tập trung thu hút vốn đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để mời gọi đầu tư. Triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Với sự quyết tâm cao trong chỉ đạo và điều hành, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức thực hiện nghị quyết và đạt được những kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản chuyển biến tích cực, thích ứng dần với biến đổi khí hậu.
Công nghiệp, thương mại, xuất khẩu, dịch vụ phát triển khá. Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn được duy trì trong nhóm tốt của cả nước. Thu hút được nhiều dự án có quy mô ngày càng lớn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long đã về đích trước 2 năm so với nghị quyết. |
Một sự kiện để lại dấu ấn là Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018 với nhiều thành tựu về đầu tư. Từ đây, các khu- tuyến công nghiệp tiếp tục được triển khai và mở rộng. Góp phần tăng trưởng công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dấu son trong 5 năm qua là tỉnh đã triển khai quyết liệt các đề án, chương trình về cơ cấu lại ngành công thương, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị.
Kết quả, tỉnh đã hoàn thành trước 2 năm mục tiêu xây dựng nông thôn mới: có 54/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62% tổng số xã, TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. TP Vĩnh Long đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, TX Bình Minh đạt tiêu chuẩn đô thị loại III.
Vĩnh Long cũng luôn ưu tiên giải quyết tốt các vấn đề về văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và giảm nghèo bền vững.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,76%; trong giai đoạn 2016- 2020, đã đầu tư trên 3.765 tỷ đồng để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội quan trọng như: giao thông, thủy lợi, nước sạch, y tế, giáo dục...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, kinh tế tỉnh tiếp tục phát triển và tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước; ước tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016- 2020 tăng bình quân 4,9 %/năm. GRDP bình quân đầu người ước đạt 55,5 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so năm 2015.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kết quả quan trọng nhất là đã đạt tiêu chí tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL.
Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng chính quyền minh bạch, dân chủ, phục vụ nhân dân hiệu lực, hiệu quả. |
Chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực, đổi mới, sáng tạo, đưa tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững”.
Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, 6 chương trình hành động, 8 nhiệm vụ và giải pháp với 7 trọng điểm làm động lực cho sự phát triển đã được xác định trong Văn kiện Đại hội.
Song song đó, tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thực sự là hạt nhân chính trị trong thực hiện nghị quyết.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; chú trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành công thương gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Song song đó, tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng; nâng cấp, cải tạo hệ thống các tuyến đường quan trọng nội tỉnh và hệ thống giao thông liên vùng nhằm tăng cường kết nối với các thành phố lớn; xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng con người Vĩnh Long làm nền tảng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cho tỉnh và cho đất nước.
Hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng và từng bước hoàn chỉnh, bảo đảm kết nối các đô thị, trung tâm thương mại- dịch vụ, các vùng và khu vực sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp tập trung, các đầu mối giao thông của địa phương. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 96,8% xã có đường ô tô liên ấp (tăng 35,5% so với năm 2015), 55,06% xã đạt tiêu chí giao thông xây dựng nông thôn mới (tăng 19 xã). |
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin