Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65/2020/TT- BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) (có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2020, thay thế cho Thông tư 01/2016/TT- BCA).
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65/2020/TT- BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) (có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2020, thay thế cho Thông tư 01/2016/TT- BCA).
Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Hồ Văn Út Anh- Phó Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh Vĩnh Long), thông tin đến bạn đọc những điểm mới đáng chú ý của quy định trên.
* Ông có thể cho biết một số điểm mới nổi bật của Thông tư 65 vừa có hiệu lực thi hành?
- Điểm mới đầu tiên quy định tại Thông tư 65 đó là CSGT phải công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát, nhằm thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, hình thức công khai kế hoạch gồm: niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc Cổng thông tin điện tử của công an tỉnh, phòng CSGT; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Nội dung công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát gồm: đơn vị; tuyến đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện kế hoạch.
Bên cạnh đó, Thông tư 65 còn quy định nhiều điểm mới khác như: CSGT chỉ được dừng phương tiện trong 4 trường hợp; CSGT không nhất thiết phải giơ tay chào người vi phạm; CSGT được huy động phương tiện khác trong trường hợp cấp bách; CSGT được sử dụng cả súng trường, súng tiểu liên khi làm nhiệm vụ; CSGT được sử dụng cả xe đạp để tuần tra kiểm soát; xử lý vi phạm thông qua hình ảnh trên mạng xã hội; CSGT cấp huyện có thể được phân cấp tuyến tuần tra trên quốc lộ đi qua địa phương quản lý.
* Trong những điểm mới ông vừa đề cập, có nhắc đến quy định CSGT được dừng phương tiện trong 4 trường hợp. Xin ông cho biết cụ thể hơn?
- Theo quy định tại Thông tư 65, CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong 4 trường hợp sau:
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
* Một quy định mới đáng chú ý của Thông tư 65 đó là công an cấp huyện được tuần tra, xử phạt trên quốc lộ. Quy định này được hiểu và thực thi ra sao, thưa ông?
- Nhằm đảm bảo tuần tra khép kín trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm người tham gia giao thông vi phạm, Thông tư số 65 đã phân tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT cho các đơn vị từ trung ương đến địa phương.
Riêng công an cấp huyện- thị- thành được bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính, gồm: các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị; phối hợp với phòng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của giám đốc công an cấp tỉnh, trưởng phòng CSGT.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương mà giám đốc công an cấp tỉnh ban hành quyết định phân công, bố trí lực lượng của phòng CSGT và công an cấp huyện thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn cho phù hợp việc đảm bảo tuần tra khép kín trên địa bàn, góp phần đảm bảo giao thông an toàn thông suốt.
* Xin cảm ơn ông!
TẤN PHONG (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin