Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020. Cũng từ thời điểm này, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020. Cũng từ thời điểm này, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.
Để hiểu rõ hơn về quy định trên, phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Sơn- Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long.
* Xin ông cho biết cụ thể quy định về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN và những đối tượng nào được xem là người phụ thuộc?
- Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế. Theo quy định hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNCN là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng (kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng).
Theo quy định tại Luật Thuế TNCN, người phụ thuộc là người mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:
- Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ hoặc chồng. Cụ thể gồm: con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng); con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động; con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi ĐH từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm không vượt quá 1 triệu đồng.
- Vợ hoặc chồng của người nộp thuế, cha mẹ đẻ; cha mẹ vợ (hoặc chồng); cha dượng, mẹ kế; cha mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế, các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng (anh, chị, em ruột, ông, bà nội ngoại; cô, dì, cậu, chú, bác ruột, cháu ruột của người nộp thuế; người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật) đáp ứng các điều kiện sau:
+ Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện: bị khuyết tật, không có khả năng lao động thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,...); không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm không vượt quá 1 triệu đồng.
+ Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm không vượt quá 1 triệu đồng.
* Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh nhằm mục đích, ý nghĩa gì, nhất là đối với người nộp thuế, thưa ông?
- Trước hết, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh nhằm đảm bảo đúng quy định của Luật Thuế TNCN, khi chỉ số CPI biến động trên 20% thì phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (đến cuối tháng 12/2019 chỉ số CPI của nước ta đã tăng 23%). Tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng là hình thức gián tiếp kích cầu, tăng sức mua từ người nộp thuế.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh theo quy định mới là hoàn toàn cần thiết, kịp thời vì sẽ góp phần đảm bảo cuộc sống cơ bản nhất cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc, giảm bớt khó khăn trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc cao. Một bộ phận lớn những người đang nộp thuế TNCN ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế.
* Thưa ông, trường hợp người nộp thuế đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ thì sẽ xử lý thế nào?
- Người nộp thuế thực hiện kê khai thuế và tạm nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh mới kể từ kỳ khai thuế TNCN tạm tính tháng 7/2020 (hoặc kỳ khai thuế tạm tính quý III- đối với trường hợp khai theo quý).
Trường hợp các tháng/quý thuộc kỳ tính thuế năm 2020 người nộp thuế đã tạm nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh cũ, cơ quan thuế sẽ hướng dẫn tính lại theo mức giảm trừ gia cảnh mới nêu trên khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.
* Như vậy, đến nay việc hướng dẫn người nộp thuế kê khai thuế và tạm nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh mới đã được Cục Thuế tỉnh thực hiện ra sao, thưa ông?
- Từ khi Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ra đời, Cục Thuế tỉnh đã tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện kê khai thuế và tạm nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh mới trên trang thông tin điện tử của ngành và thông qua phương tiện truyền thông... Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đã chủ động gửi email hướng dẫn người nộp thuế thực hiện khai thuế và tạm nộp thuế TNCN theo quy định mới. Đồng thời, chỉ đạo phân công theo dõi để kịp thời hỗ trợ kỳ khai thuế tạm tính của tháng 7/2020 và quý III/2020, nhằm kịp thời uốn nắn những sai sót trong việc thực hiện Nghị quyết 954.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
TẤN PHONG (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin