Ươm hoài bão hướng về Tổ quốc

05:09, 12/09/2020

Cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, Giáo sư- Viện sĩ (GS.VS) Trần Đại Nghĩa dành hết tâm lực, trí lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo nhiều loại vũ khí góp phần mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nhà khoa học hàng đầu của cách mạng Việt Nam là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo, trong đó có hoài bão lớn luôn hướng về Tổ quốc.

 

Con trai thứ tư của GS.VS Trần Đại Nghĩa là TS. Trần Dũng Trình (thứ 2 từ trái sang) về thăm Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa (xã Tường Lộc- Tam Bình).
Con trai thứ tư của GS.VS Trần Đại Nghĩa là TS. Trần Dũng Trình (thứ 2 từ trái sang) về thăm Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa (xã Tường Lộc- Tam Bình).

Cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, Giáo sư- Viện sĩ (GS.VS) Trần Đại Nghĩa dành hết tâm lực, trí lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo nhiều loại vũ khí góp phần mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nhà khoa học hàng đầu của cách mạng Việt Nam là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo, trong đó có hoài bão lớn luôn hướng về Tổ quốc.

Hoài bão hướng về Tổ quốc và nhân dân

Về thăm Vĩnh Long, thắp nén hương nhân 107 năm ngày sinh của cha, TS. Trần Dũng Trình- con trai thứ tư của GS.VS Trần Đại Nghĩa- đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cảm động về “ông vua vũ khí” của Việt Nam.

Theo ông Trần Dũng Trình, trong nhiều đức tính mà ông cảm phục cha mình, có một điều phải học mãi là xây dựng cho mình một hoài bão.

Ông Trần Dũng Trình nói: “Cha tôi luôn có hoài bão rằng nếu mọi người cùng chung sức thì có thể vượt qua được khó khăn, nếu chỉ nghĩ đến mình thì đất nước không bao giờ phát triển được. Khi được giao nhiệm vụ, cha cương quyết hoàn thành, bất kể thời gian, giờ giấc”.

TS. Trần Dũng Trình nhớ lại: “Có một hôm nghe thông báo máy bay địch đến, các đồng chí bảo vệ gọi cha tôi xuống hầm trú ẩn thì ông bảo “Chưa!”

Theo kinh nghiệm của ông, máy bay vào cách 50km thì còi đã báo động rồi, còn bao nhiêu phút nữa, ông sẽ làm nốt công việc của mình rồi sẽ xuống hầm cũng kịp. Đấy là kinh nghiệm và hơn hết là tinh thần xả thân, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của cha”.

Từ thời còn đi học, cậu học trò Phạm Quang Lễ đã muốn học với hoài bão cứu nước, giúp dân. Ở Pháp, ông chỉ có thể tự mò mẫm và bí mật học hỏi, sưu tầm tài liệu về các loại vũ khí.

Hơn 10 năm ở Pháp học tập tốt nghiệp 3 bằng kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện, kỹ sư chế tạo máy bay, với 6 chứng chỉ về khoa học cơ bản, toán lý hóa, đó là chưa kể bí mật nghiên cứu vũ khí ở Pháp một cách tuyệt mật.

Năm 1946, rời Paris hoa lệ, Phạm Quang Lễ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc mang theo hoài bão phụng sự Tổ quốc. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gay go, ác liệt, ngày 5/12/1946, ông được Bác Hồ giao làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo ra vũ khí để bộ đội ta đánh giặc.

Bác nói: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa”. Từ đó cái tên Trần Đại Nghĩa đã gắn bó với ông trọn đời.

Được giao nhiệm vụ Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã cùng nhiều đồng chí xây dựng và phát triển ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật tư thiết bị, trong đó nổi bật nhất là súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ, góp phần quan trọng để Quân đội ta chiến thắng trên chiến trường.

Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, GS.VS Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh kiêm Cục trưởng Cục Quân giới, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Chuyên nghiệp Bách khoa.

Ông còn là VS. Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam… Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong bất cứ hoàn cảnh nào, GS.VS Trần Đại Nghĩa cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam một tấm gương sáng về người trí thức yêu nước không màng danh lợi, một nhà khoa học đầy ý chí và nghị lực, một chiến sĩ cộng sản cách mạng trên mặt trận khoa học- kỹ thuật sống chan hòa, gần gũi với đồng chí, đồng nghiệp và đồng bào.

Học bác Trần Đại Nghĩa- sống có hoài bão

Những kỷ vật, những câu chuyện kể về bác Trần Đại Nghĩa là bài học để bạn trẻ xây hoài bão cống hiến cho Tổ quốc.
Những kỷ vật, những câu chuyện kể về bác Trần Đại Nghĩa là bài học để bạn trẻ xây hoài bão cống hiến cho Tổ quốc.

TS. Trần Dũng Trình chia sẻ: “Mỗi lần về Vĩnh Long thăm khu lưu niệm, tôi rất bồi hồi xúc động. Tự hào về truyền thống gia đình, tự hào về sự đóng góp của cha tôi đối với sự nghiệp cách mạng và tôi mong khu lưu niệm sẽ góp phần để truyền thống cha ông đi trước thấm nhuần vào các thế hệ trẻ, góp sức xây dựng đất nước”.

Theo chị Nguyễn Thị Kim Hường- Trưởng Ban quản lý Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, từ khi khánh thành vào 2015 đến nay, toàn thể anh chị em ban quản lý di tích không ngừng nỗ lực rèn luyện trau dồi kiến thức, đặc biệt là nghiên cứu sâu về cuộc đời GS.VS Trần Đại Nghĩa để chuyển tải hết những bài học quý báu đến thế hệ trẻ.

“Di tích được xây dựng với mục đích tôn vinh, ghi nhớ công ơn của bác Trần Đại Nghĩa và hơn hết là giáo dục truyền thống cho thế hệ nối tiếp. Khu lưu niệm được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.

Ban quản lý khu lưu niệm mong muốn phối hợp với các cơ quan ban ngành như ngành giáo dục, Đoàn thanh niên… để thu hút nhiều hơn các em học sinh, lực lượng thanh niên, thế hệ trẻ sẽ đến để hiểu hơn và học theo gương bác Trần Đại Nghĩa”- chị Nguyễn Thị Kim Hường cho biết.

Bạn Trương Trần Gia Bảo- sinh viên năm 4 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tham gia trung tâm đào tạo ứng dụng, thực hành công nghệ kỹ thuật y sinh mang tên Trần Đại Nghĩa và được nhận học bổng Trần Đại Nghĩa, hỗ trợ sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực thực hành, đưa lý thuyết vào thực hành.

Đến thắp hương tại Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, Gia Bảo xúc động: “Em rất khâm phục lý tưởng, con người của bác Trần Đại Nghĩa khi sẵn sàng từ bỏ vật chất, danh vọng ở nước ngoài để trở về cống hiến cho Tổ quốc, cho nền khoa học kỹ thuật quân sự.

Đó cũng là lý tưởng em theo đuổi, cố gắng hết mình làm việc, có thể chia sẻ kiến thức cùng mọi người, đóng góp một phần nhỏ trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn”.

Một lần về khu lưu niệm, tận mắt thấy những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với một phần cuộc đời GS.VS Trần Đại Nghĩa, những hiện vật, tài liệu thầm lặng được đánh thức bằng những lời diễn giải, những câu chuyện kể xúc động trong không gian linh thiêng tác động mạnh mẽ tới tình cảm, tư tưởng, có sức giáo dục và cảm hóa sâu sắc.

Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng sáng tạo, hoài bão cống hiến cho Tổ quốc thấm vào thanh niên, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người trẻ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh