Không thể để vùng sông nước phải thiếu nước cũng như giảm nhẹ rủi ro thiên tai nói chung, Vĩnh Long cần lồng ghép kế hoạch PCTT giai đoạn 2021- 2025 vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cùng đoàn công tác của BCĐ Trung ương về PCTT tham quan quy trình vận hành cống Vũng Liêm. |
Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai (PCTT) tại Vĩnh Long mới đây, ông Lê Tấn Dũng- Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nhấn mạnh nội dung trên khi vùng sông nước Cửu Long vừa trải qua cơn khát nghiêm trọng.
Không thể để vùng sông nước phải thiếu nước cũng như giảm nhẹ rủi ro thiên tai nói chung, Vĩnh Long cần lồng ghép kế hoạch PCTT giai đoạn 2021- 2025 vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Theo Ban Chỉ huy PCTT- tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, công tác PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thời gian qua đã mang lại kết quả khá tốt, giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp phải một số khó khăn, bị động.
Cụ thể, mùa khô năm 2019- 2020, mặn xuất hiện sớm, độ mặn lên cao mức lịch sử mới, xâm nhập sâu, kéo dài, diện ảnh hưởng rộng nên gặp nhiều khó khăn trong công tác ứng phó, nhất là về kinh phí, lực lượng và trang thiết bị.
Đối với lũ, triều cường, hệ thống thủy lợi, giao thông đã được đầu tư khá lớn, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, giao thông.
Tuy nhiên, hàng năm vẫn còn khoảng 200- 300km đê bao, bờ bao kém an toàn để ngăn lũ lớn, với khoảng 20.000- 30.000ha bị ngập úng nếu gặp triều cường, lũ lớn. Năng lực ứng phó với ngập lụt các đô thị còn hạn chế, nhất là ở TP Vĩnh Long, do các công trình chống ngập theo quy hoạch chậm được triển khai thực hiện.
Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, diện tích đất bị mất ngày càng tăng,... Số vị trí sạt lở xảy ra mỗi năm trên 100 vị trí, nhưng số vị trí được xử lý khắc phục chiếm chưa được 30%, lý do là thiếu kinh phí, thiếu giải pháp công nghệ mới nên chỉ xử lý theo phương pháp truyền thống, tuổi thọ thấp, mau hư hỏng.
Tỉnh Vĩnh Long cũng ứng phó rất khó khăn đối với giông, lốc do khó dự báo và nhà cửa chưa kiên cố trong dân còn nhiều, mỗi năm có trên 100 căn nhà bị hư hỏng do thiên tai này.
Hiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn của tỉnh nhìn chung cơ bản đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và công tác PCTT, BĐKH. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống chỉ dự báo ngắn hạn, phạm vi dự báo hẹp do trang thiết bị còn hạn chế.
Thực tế quá trình khắc phục hậu quả thiên tai cho thấy mức hỗ trợ thiệt hại còn thấp so với mặt bằng chung của địa phương và chưa đủ bù đắp tương đối chi phí sản xuất của người dân, do đó người dân còn gặp khó khăn trong việc khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, trong đề xuất định hướng cho giai đoạn 2021- 2025, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư lắp đặt trạm đo mặn, đo mưa, đo mực nước, cảnh báo giông sét tự động trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu chuyển giao các giải pháp công nghệ mới, bao gồm giải pháp công trình và phi công trình trong khắc phục thiên tai, xây dựng cơ chế đặc thù đối với công trình khắc phục sạt lở. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do BĐKH.
Tại buổi làm việc với BCĐ Trung ương về PCTT, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Vĩnh Long- cũng đã kiến nghị Trung ương xem xét, giải quyết hỗ trợ các dự án, giúp địa phương giải pháp lâu dài, bền vững về trữ nước ngọt, ứng phó thiên tai dưới tác động của BĐKH. Đồng thời, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong việc thành lập các ban chỉ huy, BCĐ của địa phương về BĐKH…
Qua kiểm tra tại Vĩnh Long, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị tỉnh cần rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai; trong điều kiện BĐKH cần xây dựng thêm phương án ứng phó với bão, lũ để chủ động phòng tránh.
Chú trọng xây dựng kế hoạch PCTT cho giai đoạn 2021- 2025 lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông và tập huấn để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống, ứng phó của người dân, đồng thời tăng cường rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo cũng như quan tâm xây dựng và đào tạo lực lượng quản lý, vận hành các công trình PCTT và thủy lợi trên địa bàn.
Vĩnh Long hiện còn khoảng 3.000 hộ dân vùng thiên tai, di dân cấp bách tại các khu vực sạt lở cần phải được xem xét, bố trí di dời tập trung hoặc ổn định tại chỗ nhằm ứng phó với BĐKH. Giai đoạn 2016- 2020, từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế do ngân sách trung ương hỗ trợ, tỉnh đã triển khai thực hiện bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai ứng phó với BĐKH với 97 hộ dân được bố trí vào cụm- tuyến dân cư tập trung, 114 hộ dân được bố trí ổn định tại chỗ. Tổng kinh phí hỗ trợ gần 3 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin