Vĩnh Long chủ yếu lấy nước mặt ở các sông lớn phục vụ cấp nước cho sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, nguồn nước mặt ngày càng bị đe dọa bởi xâm nhập mặn; nước thải sinh hoạt chưa được xử lý thải thẳng ra môi trường… Do đó, cần thắt chặt các giải pháp đảm bảo cung cấp nước an toàn, ổn định và chất lượng.
Vĩnh Long chủ yếu lấy nước mặt ở các sông lớn phục vụ cấp nước cho sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, nguồn nước mặt ngày càng bị đe dọa bởi xâm nhập mặn; nước thải sinh hoạt chưa được xử lý thải thẳng ra môi trường… Do đó, cần thắt chặt các giải pháp đảm bảo cung cấp nước an toàn, ổn định và chất lượng.
Nguồn nước ô nhiễm
Toàn tỉnh hiện có 10 hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp với tổng công suất thiết kế 69.500 m3/ngày đêm (Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long quản lý 6 hệ thống).
Tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch từ hệ thống nước máy tập trung là 98,65%. Bên cạnh, tỉnh hiện có 112 trạm cấp nước nông thôn (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý khai thác 97 trạm, 15 trạm do tư nhân quản lý), công suất thiết kế mỗi trạm từ 60- 1.600 m3/ngày đêm.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống nước máy tập trung đến cuối năm 2019 khoảng 87,4%.
Đại diện Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long cho hay, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, lần đầu tiên tại TP Vĩnh Long có “cảm giác mặn”- cho thấy mặn vượt lên rất cao.
Do đó, đơn vị đã hết sức nỗ lực vận hành, lấy nước hợp lý để đảm bảo trong thời gian xâm nhập mặn xảy ra vẫn đảm bảo nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt.
Về lâu dài, đổi mới công nghệ là cần thiết, tuy nhiên, các doanh nghiệp cấp nước gặp khó vì cần kinh phí khá lớn nhưng điều kiện tài chính lại hạn hẹp.
Mùa khô năm 2019- 2020, toàn tỉnh có 6 huyện- thị (trừ Bình Tân và TP Vĩnh Long) đã bị ảnh hưởng biên mặn từ 1-10‰, hàng chục ngàn hộ có thời đoạn sử dụng nước bị nhiễm mặn.
Số nhà máy nước bị nhiễm mặn là 49 nhà máy. Theo báo cáo của Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long, tại Nhà máy nước Trường An độ mặn 696 mg/l- cao hơn so với bình thường gấp 30 lần; cao hơn so với QCVN01:2009/BYT 2,8 lần,…
Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2019, chất lượng nước mặt tại các sông, rạch chính trên địa bàn tỉnh ô nhiễm chủ yếu 5 thông số (Phosphat, Amoni, TSS, E.Coli, Coliform); 3 thông số DO, BOD5, COD ô nhiễm nhẹ.
Nước dưới đất có dấu hiệu bị ô nhiễm Coliform, nên cần có biện pháp kiểm soát, xử lý trước khi cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Còn theo thông báo kết quả giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2020 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thuộc Sở Y tế), có 5/15 trạm cấp nước tư nhân (khu vực nông thôn) không đạt một số chỉ tiêu đã được kiểm nghiệm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.
Theo đó, trung tâm gửi công văn đề nghị các trạm cấp nước tăng cường xử lý nhằm khắc phục, thường xuyên vệ sinh và kiểm tra các bể xử lý.
Để đảm bảo “an ninh nguồn nước”
Đến nay, TP Vĩnh Long, TX Bình Minh và UBND các huyện đã phân vùng cấp nước, ký kết thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với các đơn vị cấp nước.
Cùng với đó, một số đơn vị cấp nước đã lập và triển khai hành lang bảo vệ nguồn nước: xây dựng lưới chắn rác, vớt rác; thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng nước nguồn (1 lần/tháng).
Đồng thời, thực hiện công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước: lập phương án xử lý nước dự phòng để kịp thời ứng phó sự cố xảy ra; xây dựng hồ lắng...
Tuy nhiên, nguồn nước mặt sử dụng ngày càng ô nhiễm hơn do hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa được xử lý thải thẳng ra môi trường, một số nguồn nước có hàm lượng vi sinh cao vượt quy chuẩn cho phép 2- 40 lần, đặc biệt tại các con sông, kinh có lưu lượng nhỏ.
Bên cạnh đó, hàm lượng chất hữu cơ thường tăng đột biến khi vào đầu vụ sản suất lúa, lúc thủy triều kiệt và do ảnh hưởng của nước thải từ các khu công nghiệp.
Bên cạnh, các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng đe dọa các nguồn nước sử dụng, gây khó khăn cho công tác xử lý nước cấp.
Trong khi nguồn nước ngầm phân bố trên địa bàn tỉnh chất lượng kém và không đồng đều. Đáng nói là ý thức người dân về bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ công trình cấp nước còn chưa cao.
Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn nước theo quy định hàng năm, ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT đề nghị sớm ban hành nghị định về nước sạch nông thôn.
Đồng thời, đề nghị bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông về nước sạch và môi trường nông thôn để hỗ trợ tăng cường công tác đào tạo tập huấn.
Xâm nhập mặn đe dọa an ninh nguồn nước. Trong ảnh: Nhà vườn ở Bình Hòa Phước (Long Hồ) mua, trữ nước ngọt tưới vườn trong mùa hạn mặn. |
Theo Sở Xây dựng, việc quản lý và kiểm soát, bảo vệ tài nguyên nước cần được quan tâm từ cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng dân cư.
Theo đó, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ các đơn vị cấp nước nhằm tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi về đầu tư để thực hiện cấp nước an toàn đạt hiệu quả cao hơn.
Ông Đoàn Thanh Bình- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng- kiến nghị Bộ Xây dựng cần sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế mạng lưới đường ống và công trình cấp nước (do tiêu chuẩn ban hành từ năm 2006 đã cũ, một số nội dung không còn phù hợp).
Bên cạnh, Trung ương cần có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể trong việc quản lý, bảo vệ nguồn nước hệ thống lưu vực sông.
Đồng thời, hỗ trợ tỉnh tiếp cận nhanh chóng và kịp thời các nguồn vốn ưu đãi đầu tư từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước và quốc tế, để đầu tư các công trình cấp nước, các công trình ứng phó với tình hình xâm nhập mặn nhằm thực hiện cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch đạt hiệu quả cao hơn.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin