Thủ tướng nhấn mạnh, năm nay nếu tỉnh nào giải ngân tốt thì Chính phủ sẽ xem xét bổ sung thêm vốn đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Thủ tướng nhấn mạnh, năm nay nếu tỉnh nào giải ngân tốt thì Chính phủ sẽ xem xét bổ sung thêm vốn đầu tư.
Sáng nay (1/8) tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là chuỗi chương trình làm việc của Thủ tướng với các vùng kinh tế cả nước, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo một số bộ, ngành. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu cả nước phát triển mà đồng bằng sông Cửu Long không phát triển hoặc chậm hơn thì đó là trách nhiệm rất lớn của chúng ta.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch quay trở lại ở miền Trung và diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới sụt giảm mạnh, trong đó có cả các đối tác quan trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, yêu cầu các địa phương không được chủ quan trong phòng, chống dịch, nhưng nỗ lực thực hiện mục tiêu kép càng phải đặt ra.
Cho biết hôm nay, 1/8, cũng là ngày Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, trên 85% dòng thuế đã được xóa bỏ, Thủ tướng cho rằng, đây chính là cơ hội, tác động tốt đến đồng bằng sông Cửu Long, một trung tâm lương thực và trái cây của cả nước. Do đó, lãnh đạo các tỉnh trong vùng phải phân tích được mặt thuận, mặt trái để thúc đẩy phát triển các địa phương và vùng.
Với tinh thần quyết tâm cao, Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn thì các địa phương càng phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện được hai mục tiêu đã đưa ra. Nhất là khi đồng bằng sông cửu Long với 13 tỉnh, trên 20 triệu dân, có vị trí chiến lược, có lợi thế lớn về phát triển kinh tế thì càng cần phải phấn đấu quyết liệt hành động để đóng góp cho cả nước và giải quyết đời sống cho người dân.
Thủ tướng cho rằng, đây không chỉ là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản mà còn là động lực khác, thúc đẩy phát triển kinh tế chung cả nước. Nếu cả nước phát triển mà đồng bằng sông Cửu Long không phát triển hoặc chậm hơn thì đó là trách nhiệm rất lớn.
Đánh giá về kinh tế - xã hội nửa đầu năm, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế khoảng 1,2%. Trong đó, công nghiệp giữ được tăng trưởng, tăng 6,15%, đứng thứ 2 trong 6 vùng, chỉ sau vùng đồng bằng sông Hồng. Nhưng nhìn khái quát, sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn lớn. Có 5/13 tỉnh, thành tăng trưởng âm là Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang. Một số địa phương ngân sách giảm sâu như Tiền Giang, Cần Thơ. Đặc biệt giải ngân vốn đầu tư công tốc độ chậm hơn các vùng khác, hiện mới đạt khoảng 34,5%, trong đó 2/3 số tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 30%, trong đó có Cần Thơ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương thảo luận thẳng thắn, tập trung nêu giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm nay, làm tiền đề cho các năm tiếp theo. Trong đó phải nêu khó khăn và đề xuất giải pháp về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại địa phương. Bên cạnh đó, cần đề xuất cơ chế đột phá về thủ tục đầu tư, tài chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đón các làn sóng dịch chuyển đầu tư vào nước ta; cơ chế huy động nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm, kinh tế số…
Thủ tướng nhấn mạnh, năm nay nếu tỉnh nào giải ngân tốt thì Chính phủ sẽ xem xét bổ sung thêm vốn đầu tư. Ngược lại tỉnh nào không tiêu hết tiền thì Thủ tướng sẽ thực hiện quyền Quốc hội giao, điều chuyển vốn cho các dự án cấp bách khác.
Trong trung và dài hạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ cam kết dành nguồn lực cho vùng thực hiện Nghị quyết 120 , nhưng điều quan trọng là nội tại, tái cơ cấu phải như thế nào để phát triển. Nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer pahri được quan tâm hơn, nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nửa đầu năm nay, kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ tăng 1,2%, chỉ cao hơn vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, nhưng thấp hơn 4 vùng còn lại. Trong đó, dịch vụ tăng trưởng âm 1,7%. Doanh thu từ các hoạt động du lịch giảm mạnh, đạt khoảng 8.150 tỷ đồng, bằng 35,6% kế hoạch năm, giảm 43,6% so với cùng kỳ.
Điểm sáng của vùng là thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 64.500 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán năm, tăng 3% so với cùng kỳ. Một số địa phương có tốc độ thu nội địa đạt khá so với dự toán như: An Giang, Cà Mau; Kiên Giang; Sóc Trăng.
Giải ngân vốn đầu tư công của vùng mới đạt tỷ lệ gần 35%.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, số vốn kế hoạch 2020 của Vùng đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 54.500 tỷ đồng, trong đó, tính đến ngày 30/6 vừa rồi, mức vốn giải ngân được là 19.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 35%.
Nguyên nhân khiến vốn đầu tư công giải ngân chưa như mong muốn, ngoài yếu tố dịch bệnh và vướng mắc về thủ tục, thì còn do năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thủ tục đầu tư trong đầu tư xây dựng cơ bản; chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; đặc biệt 40% số dự án chậm tiến độ là do công tác bồi thường giải tỏa. Bên cạnh đó, các địa phương đã phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020 được giao nhưng nhiều chủ đầu tư chỉ tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2019 kéo dài sang năm 2020. Một số địa phương, cơ quan chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao
Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long dự buổi làm việc. |
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 18% dân số cả nước, là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước ta.
Vùng có tiềm năng phát triển với 2,1 triệu ha có thể trồng trọt được trong đó 1,5 triệu ha đất trồng lúa; tiềm năng phát triển thủy sản và được mệnh danh là “vựa thủy sản” của cả nước, hàng năm chiếm khoảng 56% sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản. Vùng có tiềm năng phát triển kinh tế biển với hơn 700 km bờ biển, bằng 23% chiều dài bờ biển cả nước, có đến 7/13 địa phương tiếp giáp với biển, 360.000 km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế. Vùng còn có vị trí địa - chiến lược về an ninh quốc phòng với đường biên giới đất liền với Campuchia dài 329 km, đồng thời vị trí địa - kinh tế do nằm kề tuyến hàng hải Đông - Tây, là một cửa ngõ quan trọng, sôi động giao thương giữa Việt Nam với các nước ASEAN, các nước tiểu vùng sông Mekong./.
Theo Vũ Dũng/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin