TP Vĩnh Long đang trên đà hướng đến trở thành đô thị văn minh, đô thị thông minh với nhiều công trình xây dựng tất bật mọc lên. Bên cạnh khai thác những khu đất vườn, đất còn hoang hóa thì những dòng kinh, con rạch trở thành "điểm ngắm" để tạo diện tích xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc kinh, rạch bị lấn, lấp, chặn dòng diễn ra ngày càng nhiều hơn…
Kinh Cụt (Phường 1- Phường 4, TP Vĩnh Long) bị lấn dòng cần được khôi phục, nạo vét để tăng khả năng thoát nước, chống ngập và tạo mỹ quan đô thị TP Vĩnh Long. |
TP Vĩnh Long đang trên đà hướng đến trở thành đô thị văn minh, đô thị thông minh với nhiều công trình xây dựng tất bật mọc lên. Bên cạnh khai thác những khu đất vườn, đất còn hoang hóa thì những dòng kinh, con rạch trở thành “điểm ngắm” để tạo diện tích xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc kinh, rạch bị lấn, lấp, chặn dòng diễn ra ngày càng nhiều hơn…
Hệ thống kinh, rạch dày đặc ở TP Vĩnh Long với trên 160 tuyến kinh, rạch dài hơn 120.000m đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều tiết dòng chảy trên địa bàn thành phố, dẫn nước tưới tiêu cho vùng ngoại thành và cải thiện môi trường nước cho vùng nội thành.
Hiện không rõ trên địa bàn thành phố có bao nhiêu kinh, rạch bị xóa sổ nhưng có thể thấy rằng hầu hết các kinh, rạch nằm trong mặt bằng những khu đô thị, khu nhà ở, tuyến dân cư vùng lũ, khu thương mại, khu hành chính, các tuyến đường giao thông (tập trung ở vùng nội thành)… đều bị lấp, bị lấn, bị chặn dòng diễn ra ngày càng nhiều, thay vào đó là tôn cao mặt đất bằng cát sông làm nền công trình và đặt ống cống thoát nước.
Việc làm này có thể giúp thành phố “mở rộng” mặt bằng xây dựng, thoát nước ngập do lũ, do triều cường dâng cao từ sông Tiền, sông Cổ Chiên, nhưng thành phố sẽ mắc phải ngập bởi mưa lớn và đẩy ngập từ hướng khu đất cao đến khu đất thấp, từ vùng nội thành sang ngoại thành.
Vì khi dùng hàng trăm ngàn, hàng triệu mét khối đất, cát san lấp các khu đô thị, khu đô thị nhà ở… nêu trên thì số đất, cát này đã “vô tình” chiếm chỗ của hàng triệu mét khối nước và đẩy lượng nước này về khu thấp.
Cứ đà này thì những khu đất thấp của TP Vĩnh Long chắc chắn sẽ ngập nặng hơn. Hệ quả từ việc diện tích kinh, rạch bị suy giảm đã, đang và sẽ tác động trầm trọng hơn đến cuộc sống của người dân ở khu đất thấp, gây ra những hậu quả nặng nề về môi trường sống. Hễ có những cơn mưa lớn trên 50mm là nhiều tuyến đường trong các khu dân cư, trong nội ô thành phố bị ngập…
Nếu không được ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ thì hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra cảnh ngập lụt, ô nhiễm môi trường, nhất là trong mùa mưa, lũ và đời sống người dân của thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong tương lai.
Bài học từ ngập lụt ở TP Hồ Chí Minh đã cho thấy, 60% kinh rạch thành phố đã bị xóa sổ, đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngập thành phố, khi con người đã tự ý phá hoại thiên nhiên.
Nhiều năm qua, thành phố này đã có quy hoạch, kế hoạch và đầu tư khôi phục hiện trạng cũng như duy tu, nạo vét kinh rạch tự nhiên, có làm kè kiên cố đôi bờ để cho dân không lấn, lấp dòng kinh; khôi phục lại các khu vực trũng thấp, ao hồ tự nhiên trong đô thị, nơi có chức năng lưu chứa nước mưa, lưu giữ nước khi có triều cường lớn nhằm giảm nguy cơ gây ngập lụt;
đồng thời cải tạo, xây dựng thêm các hồ chứa nước để cân bằng lượng nước so với lượng đất, cát đã san lấp làm nền, xây dựng hồ điều hòa ở các vùng đất thấp, xây dựng các hồ sinh thái- điều hòa ở nơi thường xuyên bị ngập…
Hiện tại TP Cần Thơ cũng đã giữ gìn để lại những dòng kinh, rạch tự nhiên bằng cách xây kè, lát mái bờ kiên cố như ở TP Hồ Chí Minh.
Để tránh cảnh TP Vĩnh Long bị ngập nặng hơn trong tương lai, trên cơ sở các quy hoạch phát triển đô thị của thành phố đã được phê duyệt, thành phố nên phối hợp với các sở, ngành tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, của các tổ chức trong và ngoài tỉnh để triển khai đầu tư các công trình chống ngập cho thành phố theo quy hoạch (về việc này, thành phố đã có các dự án kè bảo vệ bờ sông chính: sông Cổ Chiên, sông Cái Cá).
Thành phố cần tăng cường kiểm tra để có hướng xử lý nghiêm đối với các trường hợp lấn chiếm đất công, kinh rạch; tổ chức duy tu, nạo vét kinh rạch, hệ thống thoát nước; điều chỉnh chính sách sử dụng đất đô thị; xác định đúng đắn, hợp lý các mục đích sử dụng đất đô thị.
Các khu vực được quy hoạch là khu dân cư, công trình công cộng đều phải được giám sát chặt chẽ việc để lại những dòng kinh, rạch tự nhiên.
Ở những khu xa sông Cổ Chiên như Phường 4, Phường 5 (khu giáp xã Thanh Đức- Long Hồ), Phường 8, Phường 9 cần giữ gìn, để lại các khu vực trũng thấp, ao hồ tự nhiên, nơi có chức năng lưu chứa nước mưa, lưu giữ nước khi có triều cường lớn nhằm giảm nguy cơ gây ngập lụt.
Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia cùng cơ quan nhà nước vào việc hoạch định, phát triển đô thị cũng như giám sát việc bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo những dòng kinh trong thành phố; đồng thời vận động, tuyên truyền nhân dân, tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp không xả chất thải xuống dòng kinh, rạch, nhất là chất thải rắn, rác thải sinh hoạt; có kế hoạch, dự án xử lý nước thải theo hướng tập trung… để làm giảm ô nhiễm nguồn nước trong kinh, rạch.
Với vị trí nằm sát sông Cổ Chiên, địa hình tương đối cao, TP Vĩnh Long rất thuận lợi trong giải quyết vấn đề ngập do mưa, do lũ và thoát nước cải thiện môi trường bằng hệ thống kinh, rạch tự nhiên. Cần gìn giữ, tôn tạo những dòng kinh này để thành phố ngày càng thêm sạch, đẹp!
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin