Lũ thượng nguồn đang ở mức thấp và ít có khả năng xuất hiện lũ sớm. Đỉnh lũ năm nay thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2- 0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9. Mức lũ thượng nguồn trong thời gian tới có tăng lên nhưng cường suất lũ tăng không lớn.
Mặc dù lũ đang ở mức thấp nhưng dưới tác động của bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn có thể diễn biến khó lường. |
Lũ thượng nguồn đang ở mức thấp và ít có khả năng xuất hiện lũ sớm. Đỉnh lũ năm nay thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2- 0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9. Mức lũ thượng nguồn trong thời gian tới có tăng lên nhưng cường suất lũ tăng không lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi- Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, tháng 9, 10/2020 có tổng lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 15- 30%.
Tuy nhiên, đầu nguồn sông Cửu Long ít có khả năng xuất hiện lũ sớm. Đỉnh lũ năm nay trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2- 0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9.
Trong những tháng cuối năm 2020, mực nước sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường mạnh. Mực nước cao nhất năm trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận có khả năng 1,95- 2,05m (trên báo động 3 từ 0,15- 0,25m, thấp hơn so với đỉnh lũ năm 2019 là 7cm). Thời gian xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Riêng mực nước tại các trạm nội đồng trên các sông, rạch trong tỉnh đều trên mức báo động 3 từ 15- 40cm.
Thông tin từ Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, lũ thượng nguồn sông Mekong đang ở mức thấp. Lũ trên ĐBSCL vẫn đang ở mức thấp, thấp hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn cả cùng kỳ năm 2015. Mực nước đang biến đổi mạnh theo xu thế triều cường.
Dự báo mưa trên vùng ĐBSCL ở mức thấp và ít biến đổi, nhiều nơi không xuất hiện mưa trong tuần này. Mực nước các trạm vùng giữa ĐBSCL tăng đến ngày 21/8 với cường suất trung bình 3,8 cm/ngày, sau đó giảm trở lại với cường suất trung bình 3,5 cm/ngày và biến đổi theo triều.
Trong tuần qua, thời tiết chủ đạo ảnh hưởng đến lưu vực sông Mekong chủ yếu là gió mùa Tây Nam gây mưa lớn trên lưu vực. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc tăng với cường suất trung bình từ 5,5- 7 cm/ngày.
Mực nước nội đồng đều có xu thế tăng với cường suất trung bình từ 4- 5,2 cm/ngày và biến đổi theo triều. Dự báo trong những ngày tới, mực nước lớn nhất tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng. Mưa trên lưu vực hạ lưu sông Mekong và ĐBSCL ở mức thấp và có xu thế giảm. Thủy triều ở mức cao nhưng cũng có xu thế giảm.
Thực thi phương châm “4 tại chỗ”, nguyên tắc “3 sẵn sàng” nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó thiên tai. Trong ảnh: Người dân đã có bước chủ động trong bảo vệ sản xuất, phòng chống thiên tai. |
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cũng đưa ra dự báo mức lũ thượng nguồn trong thời gian tới có tăng lên nhưng cường suất lũ tăng lên là không lớn. Tuy mực nước đang ở mức thấp nhưng hiện nay đã và đang bắt đầu xuất hiện các trận bão, áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mekong.
Vì vậy, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo để xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh chóng, kịp thời.
Tính đến trung tuần tháng 8/2020, trà lúa sớm vụ Hè Thu toàn tỉnh đã thu hoạch gần như dứt điểm với 47.676ha, năng suất trung bình 5,9 tấn/ha, với sản lượng đạt 281.814 tấn, trà lúa chính vụ còn lại trên đồng chủ yếu giai đoạn chắc xanh đến chín. Bên cạnh đó, đã xuống giống là 35.421ha lúa Thu Đông, đạt hơn 75% so với kế hoạch. |
Vừa qua, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- ký công văn chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chỉ thị của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, công văn yêu cầu phải đặt nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở vị trí quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đơn vị.
Điều chỉnh, lồng ghép nội dung trên theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc phát triển kinh tế- xã hội, phát triển ngành làm gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là các huyện phía Nam sông Mang Thít, các khu vực trũng thấp ven sông Tiền và sông Hậu, khu vực đông dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đối với các cấp chính quyền phải thực thi hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, nguyên tắc “3 sẵn sàng”, nâng cao năng lực xử lý tình huống sự cố, chỉ huy điều hành để phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đối với ngành nông nghiệp (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh), trong số những nhiệm vụ cụ thể của ngành là chủ trì đề xuất các nội dung định hướng ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, nâng cao năng lực dự báo khí tượng, thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, đảm bảo an toàn nguồn nước và giảm thiểu tác động của lũ thượng nguồn và triều cường, xâm nhập mặn trên các hệ thống sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên, Hàm Luông.
Bên cạnh là việc huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư công trình phòng chống thiên tai, nhất là đầu tư xử lý cấp bách đảm bảo an toàn cho hệ thống đê bao, thủy lợi, khắc phục sạt lở bờ sông ở khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nặng,…
Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với xác suất xảy ra khoảng 60%, nhưng có cường độ yếu và ít có khả năng kéo dài. Dự báo từ nay cho đến hết năm 2020, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 7- 9 cơn, trong đó có khoảng 4- 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam. Tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa tháng 10 và tháng 11. Đề phòng giông, lốc xoáy, gió giật, sét đánh và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ngập ở các đô thị. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin