Cần chủ động trong mọi tình huống

05:07, 22/07/2020

Sau hạn- mặn, thì sạt lở bờ sông, mưa lớn, giông, lốc như nối dài chuỗi thiệt hại do thiên tai trong 6 tháng đầu năm nay. Để giảm nhẹ thiệt hại thì việc chủ động trong mọi tình huống thiên tai đang là đòi hỏi cấp thiết, làm được điều này cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

 

Sạt lở bờ sông luôn là mối lo ngại rất lớn khi bước vào mùa mưa.
Sạt lở bờ sông luôn là mối lo ngại rất lớn khi bước vào mùa mưa.

Sau hạn- mặn, thì sạt lở bờ sông, mưa lớn, giông, lốc như nối dài chuỗi thiệt hại do thiên tai trong 6 tháng đầu năm nay. Để giảm nhẹ thiệt hại thì việc chủ động trong mọi tình huống thiên tai đang là đòi hỏi cấp thiết, làm được điều này cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Thiên tai vẫn gây nhiều thiệt hại

Theo ông Lê Chiến Thắng- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, từ đầu năm đến nay, thiệt hại do thiên tai hạn, mặn toàn huyện là 959ha cây trồng, trong đó 416ha lúa và 543ha cây ăn trái.

Nếu như 2 xã cù lao của huyện khá mẫn cảm với hạn, mặn thì bước vào mùa mưa bão năm nay khu vực này cũng đang đứng trước nguy cơ sạt lở. Hiện các đoạn đê bao sạt dọc sông Cổ Chiên và sông Bang Tra (thuộc xã Thanh Bình) xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, mất an toàn trong mùa mưa lũ này.

Năm nay, huyện Trà Ôn tuy không thiệt hại do hạn mặn nhưng lại xảy ra sạt lở nghiêm trọng vào đầu mùa mưa.

Ông Nguyễn Minh Thuấn- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, cho biết sạt lở bờ sông xảy ra nhiều nơi nhất là tại những tuyến sông lớn như: Tân Dinh, Kinh Xáng, Trà Ngoa với tổng số 25 điểm. Đến nay, huyện đã khắc phục được 8 điểm, 5 điểm đang triển khai gia cố.

Cái khó hiện nay là sạt lở xâm lấn sâu vào trong đất liền, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình kiên cố của người dân. Mặc dù được tư vấn gia cố bằng việc thả rọ đá giữ chân đê, ổn định được một thời gian thì lại có dấu hiệu sạt lở tiếp.

Bước vào đầu mùa mưa, bên cạnh chịu ảnh hưởng của mưa lớn, giông lốc khiến cho trên 1.000ha lúa Hè Thu đổ ngã ảnh hưởng năng suất, thì sạt lở cũng là điều đáng lo ngại xảy ra ở huyện Tam Bình.

Đến nay huyện này xảy ra 45 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 1km, trong đó 10 điểm đã được gia cố khắc phục.

Ông Nguyễn Quốc Thái- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình- kiến nghị sớm có cơ chế bổ sung cụm tuyến dân cư để bố trí dân chịu ảnh hưởng sạt lở.

Bởi hiện 11 cụm tuyến dân cư của huyện Tam Bình (chương trình do Chính phủ hỗ trợ) đã bố trí hết chỗ nên sẽ rất khó khăn khi phát sinh nhu cầu bố trí dân cư.

Còn theo ông Lê Thanh Thuận- Phó Phòng Kinh tế TX Bình Minh, trong số 14 điểm sạt lở đã xảy ra thì có những đoạn vượt quá khả năng đầu tư gia cố của địa phương.

Thời gian qua, TX Bình Minh được tỉnh hỗ trợ kinh phí gia cố 1 đoạn (ở Khóm 4 thuộc phường Thành Phước) nhưng công trình này cũng gặp khó khăn khâu giải phóng mặt bằng nên địa phương tạm thời lập cầu tạm để đảm bảo lưu thông.

Địa phương kiến nghị chuyển vốn này để gia cố sạt lở đoạn khác gần đó, đồng thời sớm triển khai gia cố 3 đoạn sạt lở trên tuyến đê bao sông Đông Thành cũng như quan tâm hỗ trợ địa phương những đoạn sạt lở nghiêm trọng bờ kinh Hai Quý.

Bà Võ Ngọc Thơ- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân cũng cho biết, sạt lở bờ sông ở Bình Tân đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Bình Tân đã xảy ra 13 điểm. Đáng kể nhất là có 7 điểm sạt lở mới nguy hiểm cần được hỗ trợ di dời.

Trước mắt, các điểm sạt lở nguy hiểm được cắm biển cảnh báo. Ngoài sạt lở, trong tháng 7 này, giông lốc đã làm sập, tốc mái 55 căn nhà tại Bình Tân, chiếm gần một nửa tổng số nhà bị hư hại do giông lốc trong toàn tỉnh.

Cần chủ động trong mọi tình huống

Mưa lớn, giông lốc gây nhiều thiệt hại cho sản xuất.
Mưa lớn, giông lốc gây nhiều thiệt hại cho sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, hạn, mặn tạm qua đi thì bão, lũ, sạt lở bờ sông, mưa lớn, giông lốc sẽ là yếu tố cần quan tâm phòng chống ứng phó.

Theo đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết hơn, chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai để giảm bớt thiệt hại. Mùa lũ năm nay có khả năng thấp hơn năm 2019 nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ từ yếu tố thượng nguồn.

Sạt lở cũng là tình huống thiên tai khá phổ biến và cũng là vấn đề khó khăn nên các địa phương đã và đang có nguy cơ sạt lở cần có giải pháp thiết thực.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai mới đây, ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh- nêu vấn đề: qua thực tế triển khai công tác diễn tập phòng chống thiên tai các cấp, thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ghi nhận phản ánh của một số địa phương về công tác diễn tập cấp xã chưa phát huy hiệu quả cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- lưu ý tinh thần chung trong phòng chống thiên tai là không được chủ quan, vì chủ quan là thiệt hại lớn và cần chủ động trong mọi tình huống thiên tai.

Theo đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền giúp nâng cao ý thức tự phòng để giảm nhẹ thiệt hại ở cả người dân và chính quyền địa phương, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm cần được chú trọng, phương án ứng phó thiên tai cần đưa ra giải pháp công trình, phi công trình, chuyển đổi thích nghi cũng như có biện pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án phục vụ sản xuất, ứng phó thiên tai.

Riêng về công tác diễn tập phòng chống thiên tai cấp xã cần được duy trì vì đây là lực lượng xung kích tuyến đầu thực thi phương châm “4 tại chỗ” nhanh chóng, kịp thời, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh