Kỳ 3: Tăng tốc đầu tư cho giao thông đồng bằng

01:07, 15/07/2020

15 năm qua chúng ta đầu tư cho hạ tầng giao thông (GT) của miền Tây và TP Hồ Chí Minh thấp so với yêu cầu và chậm so với cả nước. 10 năm tới cần là giai đoạn  đầu tư cao hơn mới khắc phục được sự tụt hậu để đóng góp chung cho cả nước

[links(left)]

Đầu tư cho giao thông để đồng bằng phát triển, đóng góp cùng cả nước
Đầu tư cho giao thông để đồng bằng phát triển, đóng góp cùng cả nước

“15 năm qua chúng ta đầu tư cho hạ tầng giao thông (GT) của miền Tây và TP Hồ Chí Minh thấp so với yêu cầu và chậm so với cả nước. 10 năm tới cần là giai đoạn  đầu tư cao hơn mới khắc phục được sự tụt hậu để đóng góp chung cho cả nước”- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh- Nguyễn Thiện Nhân đề xuất việc này tại hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chưa tương xứng

Thời gian qua, ĐBSCL được tập trung đầu tư, đã gắn kết GT liên tỉnh, nội vùng và liên vùng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế và đi lại của người dân.

Song, 3 điểm nghẽn nổi lên chậm được khắc phục đó là: lúng túng trước bài toán vốn đầu tư; phương thức đầu tư, tiến độ thi công, chất lượng công trình GT chưa tốt; GT liên vùng, các tiểu vùng kinh tế và kết nối các phương thức GT còn nhiều hạn chế.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh- Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, quy hoạch GT của vùng Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh đã có nhưng triển khai còn chậm. Đây là “vật cản” lớn nhất với phát triển kinh tế không chỉ của ĐBSCL và cả TP Hồ Chí Minh.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh- Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, về mặt địa lý TP Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên hoạt động kinh tế của thành phố lại gắn với Tây Nam Bộ nhiều hơn.

Việc triển khai chậm về hạ tầng giao thông là trở lực lớn nhất cho sự phát triển kinh tế không chỉ ở ĐBSCL mà cả ở thành phố. Thời gian qua, ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 42% GDP nhưng việc đầu tư hạ tầng giao thông chỉ khoảng 20- 25%.

Vĩnh Long- ngoài tuyến QL1 độc đạo, thì các tuyến QL53, 54 qua địa bàn đã xuống cấp và nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu
Vĩnh Long- ngoài tuyến QL1 độc đạo, thì các tuyến QL53, 54 qua địa bàn đã xuống cấp và nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu

Bên cạnh, tỷ lệ xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng GT còn thấp, khi 10 năm qua chưa tới 4%. Trong khi đó, 96% vốn còn lại cho GT vùng Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh là ngân sách Nhà nước.

“Những số liệu này mất cân đối và phải được điều chỉnh lại”- Bí thư Thành ủy- Nguyễn Thiện Nhân đồng thời đề xuất: “15 năm qua chúng ta đầu tư cho hạ tầng GT của miền Tây và TP Hồ Chí Minh thấp so với yêu cầu và chậm so với cả nước.

10 năm tới cần là giai đoạn tăng tốc đầu tư, bù lại cho thời gian chậm, phải đầu tư cao hơn mới khắc phục được sự tụt hậu để đóng góp chung cho cả nước”.

Giao thông khơi thông phát triển

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn ĐBSCL phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng thì hạ tầng GT cần phải được quan tâm “đi trước một bước”, đầu tư đồng bộ, kết nối giữa các loại hình GT, giữa nội bộ vùng, liên vùng. Vì vậy, việc bố trí vốn cho phát triển là vô cùng cấp bách. 

Cầu Mỹ Thuận sau hơn 20 năm khai thác đã trở nên quá tải.
Cầu Mỹ Thuận sau hơn 20 năm khai thác đã trở nên quá tải.

Thực tế đã chứng minh, một khi khu vực, địa phương nào được đầu tư hệ thống GT hoàn thiện, kết nối sẽ thúc đẩy rất lớn trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Điều này được Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh Cần Thơ- ông Nguyễn Phương Lam dẫn chứng: Năm 2000, khi cầu Mỹ Thuận hoàn thành cùng với cải tạo QL1, các tỉnh Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long đã tăng trưởng cao hơn các địa phương còn lại.

Bên cạnh điều kiện khác, Long An và Tiền Giang thu hút đầu tư lớn và giá trị sản xuất công nghiệp tăng vượt trội và trở thành 2 tỉnh xuất khẩu lớn nhất vùng ĐBSCL.

Đến khi cầu Rạch Miễu đưa vào khai thác đã kết nối “ốc đảo” Bến Tre với TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2010- 2015, Bến Tre tăng trưởng trên dưới 6%; đến nay tăng trưởng cao hơn.

Cầu Cần Thơ hoàn thành đã thúc đẩy Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng tốt hơn, tăng trưởng trên 7,5%.

Đến lượt cầu Cao Lãnh và Vàm Cống đưa vào khai thác, khai thông thế độc đạo QL1, thúc đẩy các tỉnh khu vực phía Tây (Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) phát triển, không chỉ kinh tế mà cả về du lịch.

“Điều này cho thấy hạ tầng rất quan trọng đối với phát triển”- ông Nguyễn Phương Lam nói và cho biết những kỳ vọng tới đây, các tuyến cao tốc được đầu tư, hoàn thiện để kết nối tốt hơn, chắc chắc miền Tây sẽ tăng trưởng cao hơn.

Bộ trưởng GT- Vận tải Nguyễn Văn Thể tại hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 vừa qua đã cam kết sẽ kết nối tốt ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh thông qua 5 dự án lớn gồm: dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ đang triển khai; nâng cấp QL60 với trọng tâm là xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi để hình thành tuyến phía Đông kết nối; Dự án đường N2 xuyên Đồng Tháp Mười kết nối với tứ giác Long Xuyên đang quá tải.

Và 2 dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 tại TP Hồ Chí Minh giúp kết nối Đông- Tây khu vực này, góp phần kéo giảm ùn tắc GT.

Bộ GT- Vận tải cho biết, về hàng không, đang tìm giải pháp tăng cường phát triển cho sân bay Cần Thơ khi chỉ mới khai thác khoảng 30% và nâng cao năng lực sân bay Phú Quốc. Hiện đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, Bộ đã làm việc với các địa phương và tư vấn để tìm ra giải pháp tốt nhất, báo cáo với Chính phủ. Tuyến đường sắt này sẽ góp phần “chia lửa” cho đường bộ, thúc đẩy kinh tế vùng với TP Hồ Chí Minh.

Kỳ cuối: Những “đường băng” cho ĐBSCL cất cánh

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh