Lũ về trễ, mưa kết thúc muộn

05:07, 16/07/2020

Ngay từ cuối năm 2019, các cơ quan chuyên môn trong nước dự báo: trạng thái ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở pha trung tính, nghiêng về pha nóng ở hầu hết các tháng của năm 2020, còn kéo dài đến những tháng đầu năm 2021. 

Ngay từ cuối năm 2019, các cơ quan chuyên môn trong nước dự báo: trạng thái ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở pha trung tính, nghiêng về pha nóng ở hầu hết các tháng của năm 2020, còn kéo dài đến những tháng đầu năm 2021.

Đây là nguyên nhân gây diễn biến khí tượng thủy văn rất bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân trong vùng ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) vào mùa khô năm 2019- 2020 và được dự báo còn phức tạp hơn trong các tháng còn lại của năm nay…

Tích cực tu bổ các tuyến đê bao để chuẩn bị ứng phó với lũ, triều cường năm 2020.
Tích cực tu bổ các tuyến đê bao để chuẩn bị ứng phó với lũ, triều cường năm 2020.

Đầu năm: Lượng mưa thiếu hụt, xâm nhập mặn lên cao mức kỷ lục

Trong các tháng đầu năm 2020, Vĩnh Long chịu nắng nóng xuất hiện trong 48 ngày, tập trung cao điểm vào tháng 4 và tháng 5 với nhiệt độ cao nhất là 37°C (ngày 19/5/2020).

Trên địa bàn tỉnh hầu như rất ít mưa, có nơi hầu như không mưa. Mưa trái mùa xảy ra cục bộ trong một vài ngày.

Tổng lượng mưa tại trạm Khí tượng Vĩnh Long chỉ đạt 94mm, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (CKNN) khoảng 66mm (hụt 40%) và thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ khoảng 120mm (hụt 55%).

Từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, mưa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, nhưng cũng chỉ vài nơi. Mưa chuyển mùa xảy ra vào giữa tháng 5.

Đến tuần cuối tháng 5, tỉnh Vĩnh Long chính thức bước vào mùa mưa. Trong nửa đầu tháng 6, có nhiều ngày xảy ra mưa vừa, mưa to trên diện rộng, trong đó vào ngày 14- 15/6 do chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn. Lượng mưa đo được tại các nơi trong tỉnh từ 44- 87mm.

Mực nước sông, rạch trong tỉnh giảm mạnh. Trong tháng 1, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận chỉ đạt 1,57m, thấp hơn so với CKNN 0,2m, thấp mức lịch sử năm 2019 là 0,55m; mực nước thấp nhất ở mức rất thấp -1.44m, thấp hơn so với CKNN 0,45m.

Trong tháng 2, tháng 3, mực nước sông, rạch tiếp tục giảm; vào những đợt triều, đỉnh triều tại trạm Mỹ Thuận lên mức cao nhất là 1,67m (thấp hơn mức báo động II là 0,03m; thấp hơn so với mực nước cao nhất là 0,1m), mực nước thấp nhất là -1,61m (cao hơn so mực nước thấp nhất là 0,02m).

Xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay bất thường hơn so với các năm trước: Mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu, độ mặn lên cao mức lịch sử ở các tháng đầu mùa khô và kéo dài đến tận tháng 3, tháng 4. Ngay từ những ngày 8, 9/12/2019, độ mặn trên 5‰ đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh, sớm hơn mùa khô năm 2018- 2019 một tháng và sớm hơn các năm về trước.

Xâm nhập mặn cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 1 (trên sông Cổ Chiên), đầu tháng 2/2020 (trên sông Hậu) và đầu tháng 3 (trên sông Tiền).

Đỉnh mặn tại các điểm đo cố định phía sông Cổ Chiên (địa bàn huyện Vũng Liêm, Mang Thít) lên cao từ 6,2-10‰ và sông Hậu (địa bàn huyện Trà Ôn) lên mức từ 2,2- 7,8‰ đều vượt đỉnh mặn lịch sử mùa khô năm 2015- 2016 từ 0,4- 2,9‰.

Phía sông Tiền, lần đầu tiên ghi nhận độ mặn giáp tỉnh Tiền Giang khá cao: từ 4,1- 4,5‰. Ranh giới mặn 4‰ lấn sâu vào khoảng 60- 70km (sâu hơn năm 2016 từ 6- 7km), đặc biệt phía sông Tiền, ranh giới mặn trên 4‰ xuất hiện tại xã Bình Hòa Phước, Đồng Phú (Long Hồ) cách cửa biển khoảng 90km.

Lũ về trễ, mưa kết thúc muộn ở các tháng cuối năm

Dự báo của các cơ quan khí tượng- thủy văn trong nước cho thấy, từ tháng 7- 12/2020, nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng giảm dần, nhưng hiện tượng ENSO vẫn có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính (không El Nino, cũng không La Nina) và nghiêng về pha lạnh trong những tháng cuối năm.

Hệ quả, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm là mùa bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm.

Các phân tích và dự báo mới nhất còn cho thấy, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng 12- 13 cơn/năm).

Cụ thể, sẽ có khoảng 11- 13 cơn bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông, trong đó có từ 5- 6 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.

Trong 3 tháng tới, có khoảng 4- 7 cơn bão hoặc ATNĐ hoạt động trên Biển Đông nhưng ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Nam Bộ.

Cần đề phòng những cơn bão, ATNĐ hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11, 12) ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Về lũ, các cơ quan chuyên môn trong nước đều dự báo lũ năm 2020 ít có khả năng đến sớm ở ĐBSCL. Trong đó, theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT), từ tháng 7 trở đi khả năng mưa trên lưu vực sông Mekong ở mức TBNN và trên TBNN.

Lũ đầu vụ cuối tháng 7, mực nước dự báo đạt từ 2- 2,5m tại Tân Châu (sông Tiền) và đạt đỉnh ở mức từ 2,5- 3,2m vào khoảng ngày 20/8. Khả năng lũ chính vụ (đỉnh lũ năm) trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động I- báo động II, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2- 0,4m, thời gian đạt đỉnh lũ chính vụ vào khoảng nửa cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Tuy nhiên, dự báo triều cường năm 2020 ở mức cao (cao hơn TBNN, xấp xỉ năm 2018 và thấp hơn đỉnh triều năm 2019) nên khả năng ảnh hưởng đến các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL là không tránh khỏi.

Tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, mực nước cao nhất năm trên sông Tiền tại Mỹ Thuận có thể đạt từ 1,95- 2,05m (trên báo động III từ 0,15- 0,25m và ở mức xấp xỉ CKNN). Tuy nhiên cần đề phòng những đợt triều cường cuối năm.

Còn nhớ năm 2019, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc cao hơn mức báo động I, nhưng tại Vĩnh Long, mực nước trên các sông, rạch lên rất cao vào những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Trên sông Tiền tại trạm Mỹ Thuận, đỉnh triều lên mức 2,12m; trên sông Hậu tại trạm Cần Thơ lên mức 2,25m... trên báo động III từ 0,27- 0,48m, hầu hết vượt mức lịch sử năm 2018 từ 0,02- 0,05m.

Sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và dân cư tại các vùng trũng, vùng ven các sông, kinh, rạch, các cù lao trên sông lớn bị đe dọa và thiệt hại đáng kể. Các đô thị nằm ven sông lớn như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, thị trấn Cái Nhum bị ngập nặng.

Về mưa, theo nhận định của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, trong 6 tháng cuối năm 2020, có khoảng 3- 4 đợt mưa lớn trên diện rộng xảy ra trong tháng 7, tháng 9; có thể xảy ra 1 đợt giảm mưa trong tháng 7 và 1- 2 đợt giảm mưa trong tháng 8; lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 15- 40%, tập trung vào các tháng 7, 8, 9.

Tổng lượng mưa năm khoảng từ 1.100- 1.300mm, ở mức thấp hơn so với TBNN và đạt xấp xỉ so với năm 2019. Thời kỳ kết thúc mùa mưa vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11, muộn hơn TBNN và xấp xỉ so với năm 2019.

Thời tiết, khí tượng thủy văn những tháng cuối năm 2020 còn diễn biến phức tạp, là thời kỳ cao điểm của mùa mưa. Các thiên tai như bão, ATNĐ, triều cường, mưa lớn kèm theo lốc xoáy, sét, gió giật mạnh còn xảy ra.

Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó những tình huống bất thường có thể xảy ra và tổ chức khắc phục có hiệu quả.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh