Hành vi giao xe hoặc để xe (xe cơ giới) cho người không đủ điều kiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP; người điều khiển gây tai nạn thì chủ phương tiện sẽ liên đới chịu trách nhiệm hình sự và dân sự.
Các điểm du lịch, du khách thuê xe tự điều khiển tham quan, nhưng hầu hết người cho thuê không hỏi giấy phép lái xe, hoặc nồng độ cồn, chất kích thích. |
Hành vi giao xe hoặc để xe (xe cơ giới) cho người không đủ điều kiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP; người điều khiển gây tai nạn thì chủ phương tiện sẽ liên đới chịu trách nhiệm hình sự và dân sự.
Giao xe cho người không đủ điều kiện
Giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông là hành vi chủ phương tiện biết rõ người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn cho người này mượn, thuê, điều động... để trực tiếp điều khiển xe tham gia giao thông.
Chị Duyên (ở Trà Ôn) điện thoại qua đường dây nóng Báo Vĩnh Long phản ánh: Con trai chị đang học trường THCS ở trung tâm xã nên hàng ngày đi học bằng xe đạp.
Chuẩn bị cho con trai năm sau khi lên lớp 10 phải ra thị trấn học trường THPT nên chị mua chiếc xe gắn máy do chị đứng tên chủ sở hữu. Để con ra trường huyện chạy xe đi học vững tay lái, nên những tháng cuối năm lớp 9 (cháu 15 tuổi), chị giao xe cho con đi học, đồng thời tập chạy cho vững tay lái.
Tuy nhiên, sau đó chị Duyên bị công an gửi giấy mời và xử phạt vi phạm hành chính với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông đường bộ.
Chị Duyên hỏi: “Con tôi điều khiển phương tiện, nhưng công an xử phạt vi phạm hành chính đối với tôi là đúng không?”
Luật Giao thông đường bộ quy định: Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm ô tô; máy kéo; rơ- moóc hoặc sơmi rơ- moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo; mô tô 2 bánh; mô tô 3 bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái mô tô 2-3 bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (phải có giấy phép lái xe).
Nghị định 100 quy định, người có nồng độ cồn, có chất kích thích trong máu (ma túy) điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện bao gồm: người không đủ tuổi theo luật định, người không giấy phép lái xe (bao gồm cả trường hợp người điểu khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng), người có nồng độ cồn trong máu và người có chất ma túy trong máu.
Như vậy, chị Duyên bị xử phạt vi phạm hành chính với lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100.
Trong trường hợp khác, hiện nay ở những điểm tham quan, du lịch các chủ khách sạn, nhà trọ có dịch vụ cho thuê xe khách tự lái, nhưng không hỏi khách có giấy phép lái xe hay không. Như vậy, khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng, thì người cho thuê cũng gặp không ít rắc rối.
Để xe cho người không đủ điều kiện điều khiển
Để xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông là hành vi chủ phương tiện biết người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện quy định mà không ngăn cản, để mặc... cho họ trực tiếp điều khiển xe tham gia giao thông.
Có nhiều trường hợp, cha mẹ để xe máy, xe mô tô trong nhà và con chưa đủ tuổi điều khiển, không có giấy phép lái xe, nhưng lấy xe đi chơi.
Tuy cha mẹ biết nhưng không ngăn cản vì nghĩ con mình đã lớn, điều khiển xe cũng được… Tuy nhiên, khi bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc cao hơn khi con mình gây tai nạn giao thông mới biết là hậu quả không nhỏ.
Trong nhiều trường hợp khác, thường là bạn nhậu, khi đang nhậu, bạn lấy xe của mình đi việc riêng trong thời gian ngắn, nhưng vẫn để bạn điều khiển, không ngăn cản.
Đây cũng là hành vi chủ phương tiện biết người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà không ngăn cản. Và nhiều trường hợp khác, vì vị nể là người thân, bạn bè tự ý lấy xe đi nhưng không lường được trước hậu quả xấu đến với mình…
Trong các mối quan hệ xã hội, có mối quan hệ cho, tặng, thừa kế, cho mượn, giao quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản; thiết nghĩ đó là mối quan hệ bình thường và tốt đẹp giữa những người thân, quen, bạn bè…
Tuy nhiên, đối với phương tiện xe cơ giới- một tài sản, phương tiện sử dụng được đặt định là nguồn nguy hiểm cao độ- thì khi cho mượn, giao xe đều phải cần đến điều kiện theo luật định để tránh gặp phải rắc rối cho bản thân.
Các điểm du lịch, du khách thuê xe tự điều khiển tham quan, nhưng hầu hết người cho thuê không hỏi giấy phép lái xe, hoặc nồng độ cồn, chất kích thích. Điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 800.000- 2.000.000đ đối với cá nhân, từ 1.600.000- 4.000.000đ đối với tổ chức là chủ mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng). Về trách nhiệm hình sự, Điều 264 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, trường hợp làm chết người bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, chủ phương tiện còn phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự, tùy theo mức thiệt hại của người bị thiệt hại. |
Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin