Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế- thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững

03:07, 10/07/2020

Nhiệm kỳ 2020- 2025, với phương châm "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, phát triển", Đảng bộ huyện Mang Thít tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế nhằm thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững và chuyển dịch cơ cấu theo hướng "Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp- nông nghiệp, thủy sản- thương mại, dịch vụ và du lịch"

Làng nghề gạch, gốm được quy hoạch, bảo tồn, gắn với phát triển du lịch, tạo thế mạnh riêng của huyện Mang Thít. Ảnh: VINH HIỂN
Làng nghề gạch, gốm được quy hoạch, bảo tồn, gắn với phát triển du lịch, tạo thế mạnh riêng của huyện Mang Thít. Ảnh: VINH HIỂN

Nhiệm kỳ 2020- 2025, với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, phát triển”, Đảng bộ huyện Mang Thít tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế nhằm thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững và chuyển dịch cơ cấu theo hướng “Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp- nông nghiệp, thủy sản- thương mại, dịch vụ và du lịch”; đồng thời là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; nâng cao vai trò tập hợp quần chúng của MTTQ và các đoàn thể, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ huyện Mang Thít đề ra 3 khâu đột phá là những nội dung quan trọng để tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Thít, sau đại hội này, huyện sẽ tổ chức triển khai, quán triệt nghị quyết đến từng tổ chức cơ sở đảng, mỗi đảng viên.

Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sẽ đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp ra sức thực hiện các khâu đột phá theo từng giải pháp cụ thể để đạt được kết quả tích cực.

Theo đó, đối với khâu đột phá “Quy hoạch, bảo tồn làng nghề gạch, gốm gắn với phát triển khu, điểm du lịch chuyên đề và sản phẩm du lịch đặc thù có giá trị, hướng đến hình thành di sản đương đại của huyện Mang Thít”, đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, huyện hiện có 663 lò gạch, gốm hoạt động, 4 điểm dừng chân du lịch thu hút khoảng 2.600 lượt khách quốc tế đến địa phương.

Từ thực tế đó, huyện triển khai quy hoạch bảo tồn các làng nghề gạch, gốm dọc tuyến sông Cổ Chiên, với vùng lõi là kinh Thầy Cai (xã Mỹ Phước và Nhơn Phú) với khoảng 589 lò gạch, gốm cần được bảo tồn phát triển di sản đương đại thu hút khách tham quan du lịch; đồng thời vận động nhân dân trong vùng tham gia bảo tồn lò gạch, gốm, hưởng lợi từ đề án theo hướng phát triển du lịch, dịch vụ bền vững.

Bên cạnh, khuyến khích các thành phần kinh tế có điều kiện kinh doanh trên lĩnh vực xây dựng các điểm, khu trưng bày và bán sản phẩm lưu niệm ngành nghề gạch, gốm; các công trình dịch vụ du lịch bổ trợ (dịch vụ lưu trú, nhà hàng); bảo tàng/triển lãm gốm…, tạo cảm giác thoải mái khi du khách đến tham quan.

Huyện sẽ có cơ chế chính sách khuyến khích các cơ sở đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ chất lượng cao; gắn kết các điểm, tuyến du lịch tạo khối liên hoàn. Mặt khác, tôn tạo các di tích văn hóa- lịch sử phục vụ du lịch; đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch đồng thời liên doanh, liên kết các tỉnh trong khu vực...

Gốm đỏ- sản phẩm độc đáo của huyện Mang Thít.
Gốm đỏ- sản phẩm độc đáo của huyện Mang Thít.

Việc phát triển đồng bộ công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ gắn với khu- cụm- tuyến công nghiệp trên địa bàn huyện cũng được xác định là khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới.

Để phát triển đồng bộ công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ gắn với khu- cụm- tuyến công nghiệp trên địa bàn, huyện tập trung hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ lò gạch nung thủ công truyền thống.

Cụ thể, đẩy mạnh công tác kêu gọi đổi mới công nghệ sản xuất gạch nung theo công nghệ lò nung liên hoàn, lò nung Hoffman, lò Tuynen và các công nghệ lò nung tiên tiến khác đảm bảo các quy chuẩn Việt Nam về môi trường; xúc tiến kêu gọi đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn huyện; có chính sách ưu đãi miễn giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các tuyến quy hoạch; quan tâm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa của huyện, tham gia kết nối cung cầu tìm kiếm thị trường cho tiêu thụ sản phẩm…   

Bên cạnh đó, huyện tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đây là những lĩnh vực không kém phần quan trọng của huyện trong thời gian tới.

Theo đó, nhiệm kỳ tới, huyện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với thực hiện tốt quy trình công tác cán bộ, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, cán bộ, công chức ở cơ sở.

Trong đó, các cấp ủy đảng xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng và phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả nhất.

 

Bí thư Huyện ủy- Nguyễn Thị Minh Trang xác định, việc quy hoạch, bố trí cán bộ phải thực hiện công tâm, khách quan, đúng quy trình, công khai minh bạch; quan tâm xây dựng lực lượng cán bộ để kế thừa đủ chuẩn, theo từng chức danh. Từ đó đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh