"Quả ngọt" từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng

05:07, 16/07/2020

Việc thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đã tạo bước đột phá lớn. Nhất là khi đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cam sành không chỉ nâng cao thu nhập, đời sống vật chất tinh thần người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

 

“Tỷ phú cam sành” Nguyễn Văn Bình.
“Tỷ phú cam sành” Nguyễn Văn Bình.

Đánh giá về những thành tựu nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ qua, đồng chí Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn- khẳng định: Việc thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đã tạo bước đột phá lớn.

Nhất là khi đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cam sành không chỉ nâng cao thu nhập, đời sống vật chất tinh thần người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

Những tỷ phú cam sành

Trở lại xã Thới Hòa những ngày này, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là những ngôi nhà tường khang trang giữa vườn cam sành trĩu quả, xanh mướt mắt.

Từ khi trồng cam sành, kinh tế gia đình anh Thành (trái) ngày càng đi lên.
Từ khi trồng cam sành, kinh tế gia đình anh Thành (trái) ngày càng đi lên.

Trong căn biệt thự “đẹp như mơ”, anh Nguyễn Văn Thành (ấp Tường Hưng) cho biết, từ khi mạnh dạn chuyển 2 công đất lúa và thuê thêm đất trồng cam sành thì gia đình “chuyển mình” đáng kể. Đến nay, vừa đất nhà vừa đất thuê, anh đã có đến 49 công cam.

Anh Thành nhẩm tính: “1ha cam sành cho khoảng cho 80 tấn trái, với giá trung bình 14.000 đ/kg thì thu nhập cũng khoảng 1,2 tỷ/năm. Nhờ trồng cam mà gia đình tui có “của ăn của để” rồi xây nhà mới, sắm xe hơi…”

Còn gia đình anh Bùi Thanh Nhàn (ấp Ninh Thuận) cũng thu về hàng tỷ đồng mỗi năm từ 20 công cam sành.

Theo anh, trước kia gia đình anh làm hoài cũng không khá nổi, nhưng giờ thì không chỉ vươn lên khá giàu mà còn xây dựng cho mình cơ ngơi khang trang, đẹp đẽ. Từ đó, anh cũng mạnh dạn thuê đất mở rộng diện tích trồng cam sành lên gấp đôi.

Bí thư Đảng ủy xã Thới Hòa- Huỳnh Phương Đông cho biết, nắm bắt được lợi thế địa phương cùng với hiệu quả của việc chuyển đổi từ ruộng sang trồng cam sành, nhiệm kỳ qua, Đảng ủy xã đã mạnh dạn đưa vào nghị quyết hàng năm thực hiện.

Hiện xã có trên 1.064ha cam sành, với mức thu nhập khá cao từ trồng cam sành mà kinh tế của người dân địa phương ngày càng đi lên.

Cam sành được xác định là thế mạnh của Trà Ôn.
Cam sành được xác định là thế mạnh của Trà Ôn.

Còn ở xã Thuận Thới (Trà Ôn), thời gian qua, Đảng ủy xã đã chỉ đạo thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kế hoạch cụ thể từng năm nên cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.

Diện tích lúa còn 210ha, tổng diện tích vườn cây lâu năm 974,98ha; trong đó 790ha cam sành cho năng suất bình quân 90 tấn/ha, lợi nhuận 500- 600 triệu đồng/ha.

Khi đến xã Thuận Thới, hỏi về anh Nguyễn Văn Bình “tỷ phú cam sành” thì dân ở đây ai cũng biết. Mấy năm nay, anh thuê 200 công đất trồng cam sành xen bưởi. “Sống chết với cam sành” nhiều năm qua nên anh thấy đây là loại cây trồng cho lợi nhuận cao, nếu biết kỹ thuật chăm sóc.

Tham quan vườn cam “đến mỏi chân vẫn chưa hết”, chúng tôi thật khâm phục kinh nghiệm làm ăn và giỏi tính toán của anh. “Hiện vườn cam xen bưởi đã thu hoạch được 2 vụ. Chỉ tính riêng mùa rồi vừa trúng mùa lại được giá, thu nhập gần 20 tỷ đồng”- anh Bình chia sẻ.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả và cải tạo vườn tạp sang giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, nhất là cam sành- là một trong những định hướng mà Đảng bộ xã Hựu Thành khuyến khích nông dân thực hiện.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hựu Thành- Nguyễn Văn Hai, hiện địa phương có tổng diện tích vườn cây ăn trái là 837,8ha, tăng 286,8ha so với năm 2015.

Trong đó, diện tích chuyên trồng cam sành là 538ha, năng suất bình quân 68,1 tấn/ha, lợi nhuận bình quân trên 300 triệu đồng/ha…

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Thanh Tâm (ấp Vĩnh Hòa) đúng lúc anh đang tất bật chuẩn bị khởi công xây nhà mới. Anh phấn khởi nói: “Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên tui mới tích lũy kha khá tiền để xây nhà. Gia đình tôi có 10 công ruộng. 

Nhờ địa phương tuyên truyền nên tôi đã quy hoạch lại đất, lên liếp trồng cam sành”. Đưa chúng tôi tham quan vườn cam sai oằn, anh cho biết năm ngoái, vườn cam cho năng suất và hiệu quả kinh tế khả quan. Với giá từ 14.000- 18.000 đồng/kg, tính ra mỗi công cam cho thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Tiếp tục phát huy thế mạnh từ cam sành

Xác định cam sành là lợi thế hàng đầu cho phát triển kinh tế, nên nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng ủy xã Thới Hòa tiếp tục thực hiện chuyển đổi 100% diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành.

Theo đó, “sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân chuyển sang trồng loại cây ăn trái này để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất”- Bí thư Đảng ủy xã Thới Hòa Huỳnh Phương Đông cho biết.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hựu Thành Nguyễn Văn Hai, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng ủy xã sẽ chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giảm diện tích lúa tăng diện tích trồng cây ăn trái, tập trung vào cam sành và một số cây có giá trị kinh tế cao.

Cùng với việc vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, phối hợp tìm đầu ra ổn định cho hàng hóa nông sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm hàng hóa sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Thanh Triều cho biết, 5 năm qua, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nổi bật là tập trung chỉ đạo các ngành, cấp ủy đảng chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, những vùng sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trọng tâm là thâm canh cây cam sành trên đất lúa.

5 năm qua, huyện đã chuyển đổi trên 3.500ha đất trồng lúa sang trồng cam sành, nâng diện tích cam sành lên 4.356,6ha, tập trung nhiều tại các xã Thới Hòa, Hựu Thành, Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Trà Côn và Tân Mỹ,… Cây cam sành phát triển rất tốt, mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Song song đó, Huyện ủy cũng tập trung chỉ đạo tổ chức liên doanh, liên kết tìm đầu ra sản phẩm nông sản cho nông dân bằng giải pháp củng cố phát triển các loại hình kinh tế tập thể, trọng tâm là kinh tế hợp tác xã gắn với các công ty, xí nghiệp ký kết bao tiêu hàng nông sản cho nông dân… Từ đó, kinh tế của người dân ngày càng khấm khá, đời sống ngày được nâng cao.

Bên cạnh, mời gọi doanh nghiệp đầu tư để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, tranh thủ nguồn vốn để đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng gắn với phòng chống xâm nhập mặn.

Cùng với đó, khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác để có hướng tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp đi đôi với khuyến khích phát triển mới các loại hình kinh tế hợp tác, nhằm tăng cường vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Thanh Triều

“Nhiệm kỳ 2020- 2025, Huyện ủy tiếp tục xác định kinh tế nông nghiệp là trọng điểm. Trong đó, trồng cam sành là thế mạnh cần được phát huy, nhân rộng. Theo đó, nhiệm kỳ 2020- 2025, Huyện ủy sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp tiềm năng lợi thế của địa bàn, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh