Nhiệm kỳ 2015- 2020, Huyện ủy Trà Ôn đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, đặc biệt là quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer.
Được hỗ trợ nhà mới lại có thêm điều kiện phát triển kinh tế nên chị Nen Kim Đẹp đã tự nguyện xin thoát nghèo. |
Nhiệm kỳ 2015- 2020, Huyện ủy Trà Ôn đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, đặc biệt là quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer. Bằng nhiều nguồn vốn, giải pháp đúng, có trọng tâm, trọng điểm, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer đã kéo giảm đáng kể, từ 45,5% còn 15,5%...
Phum sóc ngày thêm đổi mới
Về xã Tân Mỹ (Trà Ôn) hôm nay mới thấy được sự đổi thay từ những phum sóc. Nhiều nhà tường kiên cố được xây dựng. Người dân chí thú vươn lên phát triển kinh tế. Đời sống của đồng bào Khmer ngày càng sung túc hơn.
Trong căn nhà vững chắc vừa được địa phương và nhà hảo tâm hỗ trợ, chị Thạch Thị Diễm (ấp Trà Mòn) không chỉ mừng vì có nơi “che mưa, che nắng”, mà còn vui khi được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình.
Với số vốn vay 50 triệu đồng, chị xây chuồng trại và mua 2 con bò con về nuôi. Có nơi “an cư”, chồng chị cũng an tâm đi lao động ở Khu công nghiệp Bình Dương để có thêm thu nhập.
“Chính sự quan tâm của địa phương mà vợ chồng tui mới có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo vào năm 2019”- chị nói.
Cũng như gia đình chị Diễm, gia đình cô Thạch Thị Dươl (ấp Trà Mòn) cũng thoát nghèo nhờ được hỗ trợ xây nhà mới và vốn vay ưu đãi để nuôi bò. Trước đây, gia đình cô chỉ có hơn 2 công ruộng vườn trồng lúa và cây tạp nên thu nhập chẳng bao nhiêu, nhà cửa thì xụp xệ, xuống cấp.
Nhưng từ khi có nhà ở ổn định, cô cũng chuyển đổi đất lúa sang trồng cỏ nuôi bò, chuyển vườn trồng dừa. Những lúc rảnh rỗi, “ai kêu gì tui làm nấy. Giờ tui chỉ tập trung làm ăn, nâng cao đời sống”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ Nguyễn Thị Tuyền, nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm của cấp trên cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân địa phương mà đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer từng bước được nâng lên rõ rệt.
5 năm, địa phương đã hỗ trợ cất 510 căn nhà; mở lớp dạy nghề cho trên 920 lao động; vận động xuất khẩu lao động nước ngoài 76 người; thông qua các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Qua đó, đã giảm 562 hộ nghèo, trong đó có 293 hộ dân tộc Khmer.
Chị Thạch Thị Diễm phấn khởi vì kinh tế gia đình ngày càng ổn định, phát triển. |
Đến xã Trà Côn, chúng tôi bất ngờ trước những đổi thay trong đời sống của đồng bào Khmer. Từ khi được hỗ trợ cất nhà, được vay vốn ưu đãi, nhiều gia đình đã chủ động đầu tư phát triển sản xuất, thoát cảnh nghèo túng, cuộc sống khấm khá hơn.
Điển hình như gia đình anh Thạch Phớ (ấp Ngãi Lộ A). Trước đây gia đình anh là hộ nghèo, anh thì bệnh não “lúc nhớ lúc quên”, 2 đứa con thì đi học nên cuộc sống gia đình rất khó khăn.
Rồi khi được hỗ trợ vốn vay, gia đình anh đã mở tiệm tạp hóa tại nhà để buôn bán, còn vợ anh- chị Thạch Thị Rum- nhận giữ trẻ để kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy, “gia đình tui đã thoát nghèo, điều kiện kinh tế cũng ổn hơn”- theo lời chị Thạch Thị Rum.
Còn chị Nen Kim Đẹp (ấp Ngãi Lộ A) vui mừng vì “thu nhập ổn định, cuộc sống đã cải thiện rất nhiều”. Mấy năm trước chị cũng được hỗ trợ xây nhà rồi vay vốn nuôi heo, bò, gà, vịt. Hàng ngày, chị đi làm hồ hay làm công ở các vườn cam. Chị cười tươi: “Năm ngoái, tui trả hết nợ rồi viết đơn xin
thoát nghèo”.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trà Côn Trần Trọng Thanh cho biết, nhiệm kỳ qua, xã Trà Côn đã vận động xây cất 413 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó hỗ trợ xây cất trên 380 căn nhà cho hộ nghèo đồng bào Khmer. Đến nay, nhà ở cho hộ nghèo, điện chiếu sáng, nước sạch cơ bản hoàn chỉnh.
Công tác giảm nghèo trong đồng bào Khmer luôn được Đảng ủy xã Trà Côn quan tâm. Từ đó, đã tăng cường vận động nhân dân khai thác hết tiềm năng đất đai, chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Như ở ấp Ngãi Lộ A và Thôn Rôn có đông đồng bào Khmer đã mạnh dạn chuyển từ cây lúa sang trồng cam sành mang lại hiệu quả cao. 5 năm qua, đã có 533 hộ thoát nghèo, trong đó 417 hộ Khmer.
Đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững
Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ- Nguyễn Thị Tuyền cho biết: Thời gian qua, địa phương đã dồn sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hộ nghèo của xã còn 366 hộ, chiếm 10,6%, trong đó hộ dân tộc Khmer là 226 hộ.
Nhiệm kỳ 2020- 2025, xã phấn đấu mục tiêu giảm hộ nghèo còn dưới 4%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer còn dưới 8%.
“Đảng ủy xã sẽ tiếp tục chỉ đạo, phân công các ngành, đoàn thể rà soát những đối tượng trong độ tuổi lao động để vận động lao động ở các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động.
Tuyên truyền đồng bào Khmer phát huy lợi thế về văn hóa xã hội đặc trưng như sinh hoạt cộng đồng, Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sen Dolta cùng thế mạnh kinh tế nông nghiệp đặc trưng từ cây thốt nốt, cây sen để cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng kết hợp nông nghiệp đặc trưng với phát triển du lịch văn hóa tín ngưỡng chùa Khmer”- Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ cho biết.
Nhờ sự quan tâm của địa phương mà gia đình chị Thạch Thị Rum vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình cũng ổn hơn. |
Còn theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trà Côn, Đảng ủy xã sẽ thực hiện tốt các giải pháp để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đạt chỉ tiêu trên giao, đến năm 2025 còn dưới 2%, trong đồng bào Khmer dưới 5% và hạn chế thấp nhất không để xảy ra tái nghèo.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào tự lực vươn lên. Thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ trong đồng bào dân tộc Khmer nhất là chương trình 135, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg…
Đồng chí Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn- cho biết: Nhiệm kỳ 2015- 2020, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer.
Trong đó, ưu tiên hỗ trợ nhà ở ban đầu để đồng bào có chỗ ở an tâm chăm lo sản xuất, song song với tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bên cạnh, thông qua các nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội giao cho Mặt trận, các đoàn thể xây dựng đề án, dự án để triển khai hỗ trợ cho đồng bào dân tộc có điều kiện chăm lo phát triển kinh tế gia đình tự vươn lên thoát nghèo.
Đồng thời, đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục, nâng cao ý thức học để làm người, làm việc, để tự lực vươn lên.
Từ đó, đại đa số đồng bào dân tộc Khmer đã thay đổi rõ nét trong nhận thức vươn lên thoát nghèo thông qua con đường học tập, học nghề, hợp tác lao động…
Nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xem đây là một trong những khâu đột phá. Theo đó, Huyện ủy sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Cùng với đó là quản lý chặt chẽ các nguồn vốn, các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ hộ nghèo; khuyến khích động viên hộ nghèo, hộ cận nghèo phát huy nội lực, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào Khmer…
5 năm, huyện đã xây dựng, sửa chữa gần 1.800 căn nhà cho hộ nghèo; đào tạo gần 4.700 lao động, vượt 47% so chỉ tiêu nghị quyết; tạo việc làm mới cho trên 6.150 lao động vượt 23% nghị quyết; đưa gần 1.300 người lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt 30% nghị quyết. Kết quả, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 11,5% xuống còn 3,38%, vượt 62% nghị quyết; hộ cận nghèo gần 5%. Trong đó riêng hộ nghèo trong đồng bào Khmer từ 45,5% đầu nhiệm kỳ giảm còn 15,5%, vượt 100% nghị quyết. |
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin