Xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, toàn diện

06:07, 15/07/2020

Đảng bộ huyện Tam Bình đã và đang tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM), ước đến cuối năm 2020, toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đưa Tam Bình trở thành một trong những đơn vị cấp huyện có số xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao nhiều nhất tỉnh.

 

Để nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất, Huyện ủy Tam Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, thành lập mới 15 HTX, 12 tổ hợp tác sản xuất. Trong ảnh: Cánh đồng lúa hữu cơ của HTX Tân Tiến.
Để nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất, Huyện ủy Tam Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, thành lập mới 15 HTX, 12 tổ hợp tác sản xuất. Trong ảnh: Cánh đồng lúa hữu cơ của HTX Tân Tiến.

Đảng bộ huyện Tam Bình đã và đang tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM), ước đến cuối năm 2020, toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đưa Tam Bình trở thành một trong những đơn vị cấp huyện có số xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao nhiều nhất tỉnh.

Nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ huyện Tam Bình tiếp tục đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM theo hướng nâng cao, toàn diện, tạo sự phát triển đồng bộ giữa các xã- thị trấn và đưa huyện Tam Bình đạt chuẩn huyện NTM.

Đời sống người dân ngày càng thay đổi

Chúng tôi trở về thăm xã Mỹ Lộc- xã NTM đầu tiên và cũng là xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện Tam Bình. Mỹ Lộc cũng là địa phương tiên phong trong phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ với sự tham gia của “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp), tạo thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc- Trần Công Khánh, mô hình trồng lúa hữu cơ xã Mỹ Lộc là một trong những mô hình tiêu biểu, được thực hiện đầu tiên ở vụ Hè Thu năm 2016.

Đến nay, đã trồng được 10 vụ lúa, cung cấp cho hệ thống phân phối của Saigon Co.op với giá thu mua cao hơn giá lúa thường 20- 30%.

Với 3ha đất trồng lúa, trong đó có 1ha trồng lúa hữu cơ ở ấp Mỹ Tân, ông Nguyễn Văn Đượm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc- phấn khởi cho biết: “Vụ Đông Xuân vừa rồi, tôi trồng giống lúa Jasmine 85, trong đó lúa ở cánh đồng hữu cơ thu hoạch được 9 tấn/ha, trong khi trồng ở nơi khác thì không trúng bằng.

Từ hồi tham gia HTX và trồng lúa hữu cơ, tôi thấy phấn khởi lắm vì an toàn cho sức khỏe, có lợi cho môi trường, nhất là được bao tiêu sản phẩm, khỏi bị thương lái ép giá”.

Ông Dương Văn Thành- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến- cho biết, toàn HTX hiện có 62 thành viên tham gia trồng lúa hữu cơ trên tổng diện tích 33,85ha. Những năm đầu khi mới trồng lúa hữu cơ, năng suất thấp hơn so với bên ngoài.

Song, nhờ xài phân hữu cơ lâu dài nên đất được cải thiện, cộng với thời tiết thuận lợi nên vụ Đông Xuân vừa rồi nông dân trồng lúa rất trúng, bình quân 8,7 tấn/ha; ước tính vụ Hè Thu có thể đạt 7 tấn/ha. Hiện, HTX đang đề xuất hỗ trợ làm nhà máy phơi sấy, xay xát lúa, đóng gói và làm nhãn hiệu.

Được Chi cục Thủy sản hỗ trợ vốn, kỹ thuật để nuôi lươn sinh sản, anh Lê Văn Thảo (ấp Mỹ Tân- xã Mỹ Lộc) đã thả nuôi thử nghiệm 20kg lươn giống.

Từ 1 bể nuôi lươn lúc đầu, đến nay đã mở rộng lên 50 bể/2.000 m2. Dự kiến năm nay sẽ cung cấp ra thị trường 600.000 con lươn bột. Lợi nhuận nuôi lươn gấp 5 lần trở lên so với cây lúa nên đời sống gia đình anh Thảo ngày càng khấm khá, tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập 200.000 đ/ngày.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tam Bình đạt 47 triệu đồng/năm, tăng 20,5 triệu đồng so năm 2015. Huyện phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng/năm.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Tam Bình đạt 47 triệu đồng/năm, tăng 20,5 triệu đồng so năm 2015. Huyện phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng/năm.

Theo anh Thảo, 5 năm qua, xã Mỹ Lộc đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, học hành, khám chữa bệnh, thụ hưởng văn hóa... Bên cạnh, đời sống, thu nhập người dân được nâng lên rõ rệt. So với thành thị thì cuộc sống ở đây chỉ có nét thôn quê hơn, chứ điện, nước, mạng Internet… giờ đã phủ khắp.

Phấn đấu huyện Tam Bình đạt chuẩn NTM

Cùng với xã Mỹ Lộc, nhiều địa phương trong huyện Tam Bình đã có sự nỗ lực rất lớn trong tiến trình xây dựng NTM nhiệm kỳ qua. Trong đó, Đảng bộ xã Tân Phú đã tạo nên bước đột phá lớn trong việc khơi sức dân xây dựng cầu đường thông thương giúp cho người dân không còn phải “lụy đò” qua sông.

Còn Đảng bộ xã Bình Ninh đã vượt qua khó khăn của một địa phương từng là vùng căn cứ kháng chiến cũ và là xã thuần nông, địa bàn rộng gấp đôi so với một số địa phương khác, hạ tầng chưa được đầu tư… nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân đã đưa xã về đích NTM.

Theo đồng chí Lê Tiến Dũng- Bí thư Huyện ủy Tam Bình, nhiệm kỳ qua, Huyện ủy đã tập trung nguồn lực rất cao để xây dựng NTM. Xây dựng NTM vừa là nhiệm vụ cũng vừa là mục tiêu để huyện Tam Bình chỉ đạo xuyên suốt trong nhiệm kỳ qua.

Nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện Tam Bình phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM, 5 xã (Phú Lộc, Tân Lộc, Hậu Lộc, Tân Phú, Ngãi Tứ) đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã (Hòa Hiệp, Mỹ Lộc) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xây dựng 16 ấp đạt NTM kiểu mẫu.

Đến nay, đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM ở 10 xã. Dự kiến đến cuối năm 2020, có thêm 2 xã Hòa Thạnh- Tường Lộc về đích NTM, nâng tổng số có 12 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 75%. Còn lại 4 xã (Long Phú, Phú Thịnh, Mỹ Thạnh Trung, Loan Mỹ) đã đạt 12/19 tiêu chí NTM trở lên.

Năm 2019, xã Mỹ Lộc là đơn vị đầu tiên của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Dự kiến trong năm 2020 có thêm xã Hòa Hiệp về đích NTM nâng cao.

Như vậy, đến cuối năm nay, huyện Tam Bình có 2 xã NTM nâng cao. Về phía huyện Tam Bình cũng đã xây dựng đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM. Huyện ủy phấn đấu đến 2023, sẽ có 100% xã đạt chuẩn NTM và huyện Tam Bình đạt chuẩn NTM.

Bí thư Huyện ủy Tam Bình cho biết thêm, nhiệm kỳ 2015- 2020, số xã đạt chuẩn NTM tăng gấp 3 lần so nhiệm kỳ trước. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ huyện Tam Bình, các ngành các cấp từ huyện đến xã.

Trong đó, hầu hết là những xã có địa bàn rộng, điều kiện hạ tầng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã đưa các xã về đích NTM theo lộ trình đề ra.

Huyện Tam Bình còn có 2 xã Phú Lộc và Tân Lộc, tuy không nằm trong kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh, nhưng đã xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM (xã Phú Lộc đã tự lực vươn lên và về đích NTM vào năm 2015; xã Tân Lộc đạt chuẩn NTM năm 2018). “Đây là thành quả rất đáng trân trọng và cần được tiếp tục phát huy”- Bí thư Huyện ủy Tam Bình phấn khởi nói.

Qua 5 năm nhìn lại, trong sản xuất, sinh hoạt, nếp ăn, nếp ở của người dân đã có sự thay đổi đáng kể, từ “ăn no, mặc ấm” chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp”, cùng với đó là phương tiện nghe, nhìn, đi lại… ngày càng hợp thời và hiện đại. “Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống người dân đã nâng lên đáng kể”- Bí thư Huyện ủy Tam Bình Lê Tiến Dũng phấn khởi nói.

Tổng nguồn lực xây dựng NTM trong 5 năm qua đạt gần 583 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước gần 421,4 tỷ đồng, còn lại là huy động từ doanh nghiệp, người dân đóng góp. Ngoài ra, nhân dân còn hiến trên 493.600m2 đất trồng hoa màu và cây ăn trái có giá trị để xây dựng hạ tầng nông thôn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh