Cần giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, bền vững

05:07, 17/07/2020

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Trà Ôn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020- 2025), các đại biểu đã có nhiều ý đóng góp cho dự thảo văn kiện, cũng như đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để góp phần thực hiện Nghị quyết đại hội đã đề ra.

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Trà Ôn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020- 2025), các đại biểu đã có nhiều ý đóng góp cho dự thảo văn kiện, cũng như đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để góp phần thực hiện Nghị quyết đại hội đã đề ra.

Đồng chí Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện

Đồng chí Nguyễn Văn Tám.
Đồng chí Nguyễn Văn Tám.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh, đúng định hướng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, có chất lượng cao. Ngoài việc vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, Huyện ủy- UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp như tăng cường cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; quy hoạch sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ đảm bảo số lượng và chất lượng dần sang phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện và bền vững.

Tuy nhiên, để phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, phòng chống hạn mặn, xâm nhập mặn giai đoạn 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể.

Đó là tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung phát huy lợi thế từng vùng, bố trí lịch thời vụ sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, cơ cấu lại cây trồng thích ứng tình hình hạn, xâm nhập mặn. Bên cạnh, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất; thực hiện đa dạng các hình thức đầu tư và cung ứng giống chất lượng.

Củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như trang trại, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, phát triển kinh tế trang trại các ngành trồng rau màu, cây ăn trái đặc sản; phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã- thị trấn xây dựng mô hình có một sản phẩm chủ lực gắn với nhãn hiệu hàng hóa theo chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trang thiết bị máy móc, khuyến cáo ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển mô hình sản xuất có liên kết khai thác chuỗi giá trị hàng hóa nông sản và đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ kinh tế nông nghiệp và đời sống nhân dân theo các tiêu chí nông thôn mới…

Đồng chí Nguyễn Văn Hai- Bí thư Đảng ủy xã Hựu Thành

Đồng chí Nguyễn Văn Hai.
Đồng chí Nguyễn Văn Hai.

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, tôi cơ bản thống nhất cao dự thảo báo cáo.

Tuy nhiên, tôi cũng đóng góp một số giải pháp để thúc đẩy, tạo sự chuyển biến trong phát triển nông nghiệp thời gian tới. Theo đó, cần chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất và giá trị gia tăng, có chất lượng hiệu quả.

Trong đó, cần tập trung chỉ đạo chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành, nhất là ở những vùng từ xã Vĩnh Xuân đến Hòa Bình.

Bên cạnh, cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng đề xuất phương án giải quyết khi cần thiết, kỹ năng chuyển giao kiến thức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật đến với nông dân cho cán bộ nông nghiệp ở các địa phương.

Đồng thời, mạnh dạn nhân giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng để cung ứng phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân.

Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, đối với Hựu Thành cần sớm thực hiện tốt công tác quy hoạch cụm công nghiệp xã nhằm thu hút, mời gọi doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn đầu tư phát triển chế biến các sản phẩm thế mạnh địa phương như cam, bưởi… để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người dân ở địa phương và các xã lân cận, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Thị Thưởng- Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành

Đồng chí Nguyễn Thị Thưởng.
Đồng chí Nguyễn Thị Thưởng.

Phú Thành là xã cù lao với đa dạng các mô hình vườn cây ăn quả, các loại rau màu phong phú. Đặc biệt, người dân có truyền thống đoàn kết, gắn bó, ân cần, hiếu khách... lợi thế đó giúp xã trở thành vùng đất tiềm năng trong phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.

Đến nay, địa phương có 3 điểm phục vụ hàng ngàn khách du lịch mỗi năm, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên thời gian qua, xã vẫn chưa được đầu tư, khai thác đúng mức; chưa có sự liên kết giữa các điểm du lịch và làng nghề để đa dạng hóa loại hình tham quan, giải trí…

Để góp phần thực hiện hiệu quả các khâu đột phá Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, xã sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách phát triển du lịch cũng như chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước để nhân dân có điều kiện mạnh dạn đầu tư phát triển.

Song song đó, tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông đến khu du lịch, xây dựng cơ sở vật chất khu mua quà lưu niệm; đào tạo kiến thức du lịch cho cán bộ, công chức để tăng cường công tác quản lý ngành du lịch.

Cùng với đó là xây dựng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng- xanh- sạch- đẹp, đảm bảo nguồn nước sạch; đồng thời tạo các mô hình du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp bền vững…

Tôi cũng đề xuất cấp trên cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái của địa phương như hỗ trợ vốn vay cho các hộ kinh doanh các điểm du lịch để mở rộng các loại hình dịch vụ du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí; có chính sách đãi ngộ thu hút nhà đầu tư đến đầu tư và phát triển du lịch…

CẨM HUỆ (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh