Bước vào giai đoạn nước rút giải ngân vốn đầu tư công

05:07, 22/07/2020

Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư (ĐT) công mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là giai đoạn nước rút giải ngân vốn ĐT công và yêu cầu các bộ, lãnh đạo ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm; thảo luận, đưa ra chế tài áp dụng cho người đứng đầu trong chậm giải ngân vốn ĐT công. 

 

Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đang được tăng cường triển khai.
Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đang được tăng cường triển khai.

Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư (ĐT) công mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là giai đoạn nước rút giải ngân vốn ĐT công và yêu cầu các bộ, lãnh đạo ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm; thảo luận, đưa ra chế tài áp dụng cho người đứng đầu trong chậm giải ngân vốn ĐT công.

Đồng thời cho biết, kết quả thực hiện năm nay là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân liên quan…

ĐT công là “cứu cánh” vượt khó khăn

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế đất nước tăng trưởng thấp so những năm trước, nhân dân đang khó khăn về thu nhập do hậu quả dịch COVID-19. Nguyên nhân chính do các dòng vốn ĐT, kể cả ĐT xã hội, ĐT nhà nước đều chậm và thấp do nhiệm vụ, kế hoạch được giao.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, ĐT công là một trong những “cứu cánh” quan trọng để giúp chúng ta vượt qua khó khăn, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập, góp phần tăng trưởng.

Dù ĐT công năm nay có tiến bộ hơn trong giải ngân nhưng vẫn là rất thấp, còn số vốn lớn chưa được giải ngân ở các cấp, ngành. Theo kế hoạch năm nay phải tập trung giải ngân gần 28 tỷ USD, tương đương 633 ngàn tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch- ĐT, cho thấy tỷ lệ giải ngân vốn ĐT công thấp so với yêu cầu, khi đến hết tháng 6/2020, cả nước mới giải ngân được trên 159.397/470.600 tỷ đồng và 225.200 tỷ chuyển tiếp từ năm 2019, đạt 33,9% kế hoạch.

Một số dự án lớn, quan trọng quốc gia như: cao tốc Bắc- Nam phía Đông, theo Bộ Giao thông- Vận tải, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ cũng được Bộ Giao thông- Vận tải giao kế hoạch ĐT vốn ngân sách trung ương năm 2020 là 932 tỷ đồng.

Hiện nay đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến đến 20/8/2020 sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, hội nghị phải tìm nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, kém cỏi trong giải ngân vốn ĐT công, kể cả vốn ODA.

Đặc biệt giải quyết “3 đọng”: không được để vốn đọng; không được để nợ đọng, thi công xong không quyết toán và không được để nợ đọng thủ tục dự án- phổ biến hiện nay. “Phải có biện pháp, chế tài mạnh để điều hành, xử lý, giải quyết vấn đề giải ngân vốn ĐT công.

Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng 6 tháng cuối năm của các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã phải tích cực, có trách nhiệm trong vấn đề này”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời cho biết năm nay Chính phủ sẽ đưa ra chế tài cần thiết, ngoài biện pháp mà Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ là điều chuyển vốn ĐT công của Nhà nước từ địa phương này qua địa phương khác, từ ngành này qua ngành khác, từ công trình này qua công trình khác, kết quả giải ngân vốn ĐT công sẽ được coi là một trong các căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân liên quan.

Công khai, minh bạch thực hiện

Đẩy mạnh đầu tư công là cứu cánh khôi phục nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong ảnh: QL30 An Thái Trung về TP Cao Lãnh- Đồng Tháp đang được nâng cấp.
Đẩy mạnh đầu tư công là cứu cánh khôi phục nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong ảnh: QL30 An Thái Trung về TP Cao Lãnh- Đồng Tháp đang được nâng cấp.

Đánh giá của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, cho thấy bên cạnh những nguyên nhân khó khăn cố hữu như: giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, thì những tháng đầu năm thêm một số nguyên nhân khác, đó là dịch COVID-19 và là năm cuối của kế hoạch ĐT công trung hạn; các bộ, ngành vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021- 2025.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn ĐT công tương tự như các năm trước, khi tỷ lệ những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc giải ngân chậm không thể đổ tại khách quan; phải nhận thức ý nghĩa để có quyết tâm chính trị cao hơn nữa của mọi cấp ủy, chính quyền các địa phương; từ đó thấy rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tỉnh- thành để có hành động quyết liệt.

Thủ tướng đề nghị, bên cạnh tháo gỡ khó khăn thì phải tập trung hỗ trợ cho ĐT xã hội, vốn ĐT tư nhân, FDI- không được phân biệt ĐT công với ĐT tư nhân.

Chỉ đạo thời gian tới, Thủ tướng đề nghị từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước trong giải ngân ĐT công bằng chương trình hành động cụ thể.

“Chỉ còn 25 đến 26 tuần nữa là kết thúc năm 2020, do đó các ngành, địa phương báo cáo 2 tuần/lần về tình hình giải ngân”- Thủ tướng yêu cầu đồng thời giao Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn với công trình chậm thực hiện.

Công khai, minh bạch, biểu dương những ngành, đơn vị, địa phương làm tốt; phê bình, lên án công khai trên báo chí, truyền hình những ngành, địa phương không làm tốt.

Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thuyết phục dân bàn giao mặt bằng bởi đây là khâu yếu, chậm hiện nay. Các bộ, ngành Trung ương tạo mọi điều kiện thủ tục cho địa phương thực hiện giải ngân; tiếp tục phân cấp, phân quyền công khai, minh bạch, không được để tình trạng “ngâm” hồ sơ quá lâu.

Trong thực hiện, Thủ tướng đề nghị phải tích cực chống tham nhũng, tiêu cực. Chính phủ, các bộ, ngành sẽ kiểm tra địa phương thúc đẩy quá trình thực hiện, xem đây là giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề khó khăn của đất nước hiện nay.

Đánh giá của BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh Vĩnh Long, giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn hạn chế và chậm so kế hoạch. Cụ thể, tổng vốn ĐT năm 2020 là hơn 3.500 tỷ đồng, tính đến 30/6 thực hiện hơn 960 tỷ, đạt 26,7% giải ngân hơn 919 tỷ, đạt 25,57% kế hoạch. 

Trong đó, ngân sách tỉnh là hơn 2.600 tỷ đồng, thực hiện gần 700 tỷ; giải ngân trên 661 tỷ, đạt 25,44%; Trung ương hơn 994 tỷ, thực hiện 264 tỷ, đạt 26,57%, giải ngân đạt gần 26%.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh