Xây dựng thương hiệu THVL bằng niềm tin khán giả

06:06, 20/06/2020

Từ vài chương trình thời sự, văn nghệ phát thanh hàng ngày, đến nay, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) đã thật sự là địa chỉ tin cậy "bạn của mọi nhà" trong cả nước. Chương trình của THVL ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng. 

Từ vài chương trình thời sự, văn nghệ phát thanh hàng ngày, đến nay, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) đã thật sự là địa chỉ tin cậy “bạn của mọi nhà” trong cả nước. Chương trình của THVL ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng.

Qua đó, góp phần định hướng tư tưởng, văn hóa, mang cái hay cái đẹp của quê hương Vĩnh Long, con người Việt Nam giới thiệu đến khắp nơi. Cổ vũ, nhân rộng các điển hình tiên tiến và kịp thời phát hiện, phê phán những quan điểm sai trái, góp phần củng cố niềm tin của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. THVL còn là nhịp cầu nối các nhà hảo tâm đến với biết bao hoàn cảnh khó khăn trong hàng chục năm qua.

Nhà báo Đăng Khoa (đội nón) tác nghiệp trên biển đảo Tây Nam. Ảnh: Dương Thu
Nhà báo Đăng Khoa (đội nón) tác nghiệp trên biển đảo Tây Nam. Ảnh: Dương Thu

“Ăn để sống, sống để làm nghề”

33 năm gắn bó với THVL, nhà báo Huỳnh Tấn Phát- Phó Giám đốc Đài THVL- tự hào với sự phát triển của nơi này. Những năm đầu gian khó, nhà báo sống với nghề bằng tình yêu: “Những năm 1987- 1990, tôi chưa từng biết… lương là gì”- nhà báo cười, bởi lương và nhuận bút “thấp lè tè” nên nhà báo thường “ăn trước trả sau”.

Đời sống khó khăn, công việc vất vả nhưng tình cảm của bao người đã níu chân nhà báo yêu nghề, say nghiệp.

Đài THVL tổ chức sản xuất và phát sóng 8 chương trình từ thiện xã hội. Qua đó, mỗi năm THVL hỗ trợ chi phí điều trị bệnh cho 144 bệnh nhân nghèo; xây và sửa chữa 247 căn nhà cho bà con nghèo; hỗ trợ vốn sản xuất cho 161 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Tổng số tiền thực hiện bình quân mỗi năm là 18 tỷ đồng.

Mấy chục năm rồi, nhà báo Tấn Phát vẫn không quên: “Anh Bé Cần- Bí thư Huyện ủy Trà Cú (tỉnh Cửu Long cũ) ban ngày bận rộn không trả lời tôi được, tối lại anh nấu nồi chè rủ qua ăn. Vừa ăn vừa phỏng vấn anh luôn”. 

Khó khăn không thui chột tinh thần người làm báo, dường như lúc đó “chúng tôi ăn để sống và sống để làm nghề”- nhà báo Huỳnh Tấn Phát nói.

Vất vả là vậy nhưng nhà báo kỹ lắm, mỗi bài báo là những trải nghiệm, cảm xúc thật sự nên bài lúc nào cũng giàu hơi thở cuộc sống. “Có lần đi làm bài điều tra về vụ việc tiêu cực ở huyện, sau một tuần ở huyện về, tôi lật sổ ra viết liền thì phát hiện có vài thông tin chưa chắc chắn.

Vậy là sáng hôm sau tiếp tục đón xe đò xuống huyện đó để hỏi lại cho rõ”- nhà báo Huỳnh Tấn Phát chia sẻ. Nhà báo phải đi nhiều, nghe nhiều để hiểu, để cảm nhận và có thêm nhiều đề tài hay. Đặc biệt là phải cẩn trọng vì khi thông tin sai sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Giờ đây, công nghệ hỗ trợ nhà báo nhiều hơn nhưng nhà báo Huỳnh Tấn Phát luôn nhắc nhở anh em nhà báo, phóng viên cơ quan mình phải gần cơ sở vì chỉ có đi nhiều thì bài viết mới mang hơi thở cuộc sống và đây cũng là tiêu chí để chấm nhuận bút của Ban Giám đốc THVL.

Nhà báo Phạm Hoàng Thy- người được nhận Giải C- Giải Báo chí quốc gia năm nay với tác phẩm truyền hình “Về với Đảng- trọn niềm tin”, chia sẻ: “Tác phẩm này là một quá trình tác nghiệp lâu dài, bền bỉ của tôi cùng đồng nghiệp ở cơ sở”.

Vào nghề 17 năm, nhiều năm gắn bó với lĩnh vực xây dựng Đảng- một lĩnh vực được cho là khó viết, nhà báo Phạm Hoàng Thy luôn xem khó khăn là cơ hội rèn luyện cho mình bản lĩnh hơn.

Đổi mới để đáp ứng nhu cầu khán giả

Chương trình Địa chỉ nhân đạo THVL phát sóng hàng tuần, mỗi hoàn cảnh được trao từ 60- 70 triệu đồng.
Chương trình Địa chỉ nhân đạo THVL phát sóng hàng tuần, mỗi hoàn cảnh được trao từ 60- 70 triệu đồng.

Trong xu thế phát triển của báo chí hiện nay, bạn đọc không còn là người bị động mà họ chủ động tìm kiếm thông tin. Do đó, THVL luôn khảo sát nhu cầu, đổi mới nội dung lẫn hình thức từng chương trình theo nhu cầu bạn nghe- xem đài.

Có doanh nghiệp kể vui rằng: Có khách hàng khi đi mua ti vi thì hỏi ti vi có thu được đài Vĩnh Long không. Có thì bà con mới mua. Còn ở Bến Tre, có quán cà phê ghi thông báo: “Hôm nay có chiếu phim của Đài Truyền hình Vĩnh Long”…

Theo Phó Giám đốc THVL Huỳnh Tấn Phát, thương hiệu THVL còn được xây dựng qua những chương trình nhân đạo, những chương trình đáp ứng đúng nhu cầu bạn xem đài.

Đó là kết quả của “các thế hệ ban giám đốc đài trước đây đã dày công xây dựng và lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ” mà thành. Còn nhà báo là phải đi, không thể lười được. Nếu không bạn sẽ bị chậm lại.

Chương trình giải trí, gameshow của THVL thường xuyên được đổi mới, thu hút khán giả.
Chương trình giải trí, gameshow của THVL thường xuyên được đổi mới, thu hút khán giả.

Bất cứ khi làm nghề gì cũng cần học hỏi và nghề báo càng phải học hỏi nhiều hơn, phải không ngừng học hỏi để bổ sung khiếm khuyết trong nghề và có cách tiếp cận mới.

Nhà báo Huỳnh Tấn Phát cho biết: “Bản thân tôi cũng không ngừng học hỏi từ mọi người, người trẻ cũng có cái hay cho mình học, đó là sự nhạy bén, năng động. Mỗi thế hệ đều có cái hay riêng”.

Để đáp ứng nhu cầu làm báo hiện đại, đa phương tiện thì nhà báo còn phải đa năng. Và Lê Hữu Đăng Khoa là một nhà báo đa năng như vậy. Anh không chỉ biên tập mà còn quay phim.

Do đó, những chuyến công tác “chỉ được 1 người” thì anh là lựa chọn trước nhất. Nhà báo Đăng Khoa chia sẻ: “Hơn chục năm trước, Ban Giám đốc THVL đã nhìn thấy xu hướng này và cho anh em biên tập chúng tôi học quay phim. Tôi thích quay phim nên ra sức tìm hiểu, học hỏi”.

Theo nhà báo Đăng Khoa thì “cái lợi của người vừa biên tập vừa quay phim là tự định hình trong đầu nội dung và hình ảnh, do đó lúc nào cũng rất logic”.

Nhờ “đa năng” nên nhà báo Đăng Khoa đã được đi công tác biển đảo hơn chục lần, trong đó, có 3 lần đến với biển đảo Trường Sa. Và phần thưởng của anh chính là giải nhất Giải Báo chí ĐBSCL với tác phẩm về biển đảo thân thương.

Theo nhà báo Huỳnh Tấn Phát, THVL luôn xác định nhiệm vụ chính trị là hàng đầu. Chất lượng chương trình chính luận và cả chương trình giải trí sẽ ngày càng được nâng cao.

Song song, còn quan tâm thực hiện tốt các chương trình nhân đạo, an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc qua việc phát triển dòng phim Việt Nam.

Phạm vi khai thác đề tài cũng rộng hơn vì “đài phát sóng đến đâu phải phục vụ công chúng đến đó, không bó hẹp thông tin trong tỉnh, trong khu vực”.

* Nhà báo Huỳnh Tấn Phát- Phó Giám đốc Đài THVL

Chỉ có đến tận nơi, nhìn tận mặt mới tạo được lòng tin với khán giả, mới có chi tiết hay. Mỗi nhà báo phải tạo được “thương hiệu” cho mình, đó chính là tạo dấu ấn trong lòng bạn đọc, bạn xem- nghe đài. Khi nhà báo tạo được lòng tin thì chỉ cần nhìn thấy tên tác giả, họ đã tin tưởng nội dung bài hơn 50% rồi. Lòng tin ấy sẽ góp phần tạo nên dấu ấn cho bản thân nhà báo và cả cơ quan báo chí.

* Nhà báo Phạm Hoàng Thy

Được phân công viết về xây dựng Đảng, tôi vừa mừng vừa lo. Vì lĩnh vực này đòi hỏi nhà báo phải thật am hiểu, thật bản lĩnh. Áp lực đó khiến tôi càng phải cố gắng rèn luyện, học hỏi, lăn xả vào thực tế nhiều hơn… nhằm xứng đáng với sự kỳ vọng của mọi người.

* Nhà báo Đăng Khoa

Tôi cho rằng người quay phim giống như những người đi chợ mua rau vậy. Người biết lựa sẽ mua rau tươi non, đầu bếp không tốn nhiều công sức để chế biến. Người không biết lựa chọn, mua rau không tươi non thì dù mua nhiều nhưng ăn không được bao nhiêu và cũng kém ngon. Người quay phim là một nhà báo- nên phải học hỏi tìm góc quay mới và cách quay phim chất lượng. Tôi đang học hỏi thêm để làm được tốt hơn.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh