Nội dung mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 gồm việc mở rộng nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động, bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên...
Nội dung mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 gồm việc mở rộng nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động, bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên...
Sáng 12/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo giới thiệu những nội dung mới về lao động chưa thành niên trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019.
Đây là dịp để các sở, ngành, địa phương và các chuyên gia lao động ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiếp cận, tìm hiểu; đồng thời thảo luận, góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn việc sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc trước khi Bộ luật Lao động chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ luật Lao động năm 2019 thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành.
Bộ luật Lao động mới bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013; bảo đảm sự thống nhất với các luật mới ban hành sau Hiến pháp 2013; đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và nghĩa vụ thành viên Tổ chức lao động Quốc tế (ILO).
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, Bộ luật Lao động năm 2019 có những sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, trong đó mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động, ở các khu vực chính thức và khu vực phi chính thức.
Bộ luật đảm bảo phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.
Cụ thể, Bộ luật Lao động năm 2019 đã nâng đối tượng áp dụng từ gần 20 triệu người có quan hệ lao động lên toàn bộ lực lượng lao động xã hội là khoảng 55 triệu người; mở rộng việc nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động, đòi hỏi cần phải có hành lang pháp lý cụ thể hơn đối với hình thức sử dụng lao động này.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hương Giang, đại diện ILO cho rằng Bộ luật Lao động mới sẽ tăng cường sự linh hoạt trong việc giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng lao động; tôn trọng các nguyên tắc của hợp đồng trong kinh tế thị trường; tăng cường tính linh hoạt, tự chủ của các bên quan hệ lao động về tiền lương thông qua đối thoại, thương lượng.
Bộ luật Lao động mới còn có tính linh hoạt, hài hòa hơn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; bảo vệ lao động nữ trên cơ sở bảo đảm bình đẳng giới.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 còn chú trọng bảo vệ các nhóm lao động đặc thù, trao cho lao động là người khuyết tật quyền quyết định làm hoặc không làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên cơ sở được cung cấp thông tin đầy đủ và bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; quyết định việc làm thêm, làm đêm…
Đồng thời, Bộ luật cũng mở rộng áp dụng các quy định bảo vệ lao động chưa thành niên ở cả khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động nhằm tăng cường phòng, chống lao động trẻ em…
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết nội dung mới về lao động chưa thành niên trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 gồm việc mở rộng nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động (ở Điều 3, 143); bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên (Điều 144); bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải tuân theo khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc (Điều 145); quy định một điều mới về thời gian làm việc của người chưa thành niên (Điều 146); bổ sung quy định công việc, nơi làm việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên (Điều 147)...
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề là hiện nay nhiều lao động chưa thành niên tham gia quan hệ lao động nhưng chưa được ký hợp đồng; làm việc ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tại nơi làm việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên.
Nhiều cơ sở sử dụng lao động trong độ tuổi chưa thành niên không đăng ký với chính quyền địa phương nên gây khó khăn trong quản lý giám sát; hoặc nếu có ký kết hợp đồng lao động thì hầu hết các hợp đồng chưa quy định rõ thời gian làm việc, chế độ nghỉ ngơi.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Phòng Bảo vệ trẻ em thuộc Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết Dự thảo Thông tư quy định về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc đang trong tiến trình xây dựng.
Trong đó, dự thảo quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc; các hình thức giao kết hợp đồng, thời gian làm việc, điều kiện làm việc, an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ, bảo đảm học văn hóa...
Dự thảo cũng quy định thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi là không được quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm./.
Theo Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin