Vĩnh Long chuyển mạnh từ tư duy hành chính "xin- cho" sang tư duy "phục vụ"

07:06, 09/06/2020

Đánh giá quá trình nỗ lực, quyết tâm tạo nên "những bước tiến mạnh mẽ" đó, trao đổi với PV Báo Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- cho rằng

 

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời. Ảnh: TL
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời. Ảnh: TL

Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, Vĩnh Long đã có sự bứt phá lên vị trí thứ 3 với 71,30 điểm.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế VCCI- nhận định: “Vĩnh Long đạt vị trí thứ 3 nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính (CCHC) tại địa phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường”.

Đánh giá quá trình nỗ lực, quyết tâm tạo nên “những bước tiến mạnh mẽ” đó, trao đổi với PV Báo Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- cho rằng:

- Theo kết quả PCI 2019 vừa được VCCI công bố, ghi nhận sự vươn lên của Vĩnh Long khi từ vị trí thứ 8 năm 2018 (với 65,53 điểm) thăng hạng thứ 3 với 71,30 điểm, thuộc nhóm điều hành “Rất tốt” của cả nước và đứng thứ nhì trong khu vực ĐBSCL.

PCI năm 2019 ghi nhận và đánh giá quá trình nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Vĩnh Long trong chỉ đạo điều hành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN. Kết quả này càng có ý nghĩa hơn khi tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, cũng như thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020.

Đây là sự ghi nhận những nỗ lực trong CCHC, môi trường đầu tư, kinh doanh, khẳng định quyết tâm cao của bộ máy chính quyền các cấp. Cũng là tiền đề để tỉnh xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2021- 2025) và Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025).

* Khi so sánh kết quả PCI 5 năm gần đây, có thể thấy hầu hết các chỉ số thành phần PCI 2019 của tỉnh Vĩnh Long đều có sự cải thiện và có những chỉ số thành phần rất cao. Điều gì đã giúp cho Vĩnh Long đạt được “những bước tiến mạnh mẽ” như vậy, thưa ông?

- Lần đầu tiên trong 5 năm qua, Vĩnh Long đạt tổng trên 70 điểm và có 9/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, trong đó có những chỉ số thành phần rất cao như: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian… Theo đánh giá của VCCI, Vĩnh Long đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng CCHC tại địa phương, kết hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó trọng tâm thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, chỉ đạo quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các buổi đối thoại định kỳ (4 kỳ/năm) và đột xuất, các kiến nghị của DN được “đeo bám” giải quyết trên tinh thần đồng hành, chia sẻ. Nhờ vậy mà thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã tháo gỡ hầu hết các kiến nghị, khó khăn của DN; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tổng thể các hoạt động hỗ trợ DN.

Thứ hai, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN đơn giản hóa, giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính... Trong đó, PCI liên tục trong 2 năm 2016 và 2017 đều xếp hạng 6; năm 2018 xếp hạng 8/63 tỉnh- thành.

Tỉnh Vĩnh Long thời gian qua đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc tiếp cận thông tin và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, giúp DN nhanh chóng triển khai thực hiện dự án…

* Trên những bước tiến đó, có những khó khăn, rào cản nào hay không, thưa ông?

- Ngoài những nguồn lực mà địa phương có được trong quá trình thực hiện, tỉnh Vĩnh Long cũng gặp nhiều rào cản nhất định như: một số cơ quan, đơn vị còn thụ động, chưa mạnh dạn nghiên cứu đề xuất các giải pháp đột phá, sáng tạo để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực, ngành, địa phương quản lý. Vẫn còn tồn tại số ít trường hợp cán bộ gây khó khăn cho DN, tạo ra các giấy phép và điều kiện “con” làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh chung.

Cơ chế chính sách hỗ trợ DN được ban hành khá đầy đủ, kịp thời nhưng nguồn lực còn hạn chế nên chưa đủ sức tạo nên sự đột phá. Các dịch vụ hỗ trợ DN tuy đã được triển khai nhưng kết quả chưa cao; các dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ đào tạo về kế toán, tài chính; dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh… chưa đáp ứng nhu cầu của DN.

* Từ những rào cản đó, trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Long rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn giỏi và phải thay đổi tư duy trong quản lý điều hành, chuyển từ hành chính sang phục vụ. Vì sao Vĩnh Long đòi hỏi, chú trọng đến việc xây dựng con người phục vụ như vậy, thưa ông?

- Vĩnh Long tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chuyển mạnh từ tư duy hành chính “xin- cho” sang tư duy “phục vụ” trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng chỉ đạo và điều hành công tác cải cách hành chính, hướng đến xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó tỉnh xác định nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng, là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phục vụ người dân, DN… Đầu năm 2020 này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đào tạo, thu hút nguồn nhân lực vừa có năng lực chuyên môn, vừa có tư duy phục vụ xã hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể đối với thủ trưởng từng đơn vị, địa phương.

Cụ thể là, quyết liệt chỉ đạo làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi quản lý để làm thay đổi tư duy, cách làm từ hành chính sang phục vụ; thay đổi tầm nhìn của mỗi cá nhân để có sự chủ động, có những đề xuất sáng tạo, đột phá trong quản lý điều hành.

Phải thực sự sâu sát, cầu thị trước các phản hồi và chân thành lắng nghe cảm nhận từ người dân, cộng đồng DN đối với các hạn chế của cơ quan, ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách. Thực hiện theo phương châm “Cung cấp cái người dân cần chứ không phải cái mình có”.

Vĩnh Long luôn phấn đấu để trở thành “người phục vụ” tận tụy của Nhân dân!

* Xin cảm ơn ông!

* Những kết quả CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Vĩnh Long đã tác động thế nào đến công tác thu hút đầu tư, phát triển DN trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

- Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời: Cùng với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Vĩnh Long luôn quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng hỗ trợ DN dựa trên cơ sở xác định rõ ràng, chính xác các định hướng, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và dựa trên nền tảng chất lượng các quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trọng tâm trong từng thời điểm.

Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển DN theo Nghị quyết của Chính phủ tiếp tục mang lại những kết quả khá tích cực. Riêng trong năm 2019, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư; số lượng dự án được cấp chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư tăng lên so với năm trước; một số dự án triển khai nhanh, có vốn đầu tư lớn và nhà đầu tư có thương hiệu, uy tín. Cộng đồng DN tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của DN đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các DN được nâng cao.

Ngoài những giải pháp cụ thể, nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, thời gian tới Vĩnh Long cũng sẽ chú trọng công tác thông tin truyền thông tạo hiệu ứng lan truyền về một Vĩnh Long- “vùng đất mở”, điểm đến đầu tư hiệu quả, an toàn.

 

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh