TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL. Thời gian qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) và tai biến thiên nhiên đã tạo nên nhiều tác động tiêu cực, đe dọa phát triển bền vững của thành phố. Do đó, cần thiết có những giải pháp để thành phố gia tăng sức chống chịu, phát triển bền vững, thịnh vượng nhằm lan tỏa phát triển các đô thị khác và của vùng ĐBSCL.
Một góc nội ô TP Cần Thơ bị ngập vào mùa mưa lũ năm 2018. |
TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL. Thời gian qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) và tai biến thiên nhiên đã tạo nên nhiều tác động tiêu cực, đe dọa phát triển bền vững của thành phố. Do đó, cần thiết có những giải pháp để thành phố gia tăng sức chống chịu, phát triển bền vững, thịnh vượng nhằm lan tỏa phát triển các đô thị khác và của vùng ĐBSCL.
Chuyện ngập ở Tây Đô
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào mùa mưa bão hàng năm, một số tuyến đường nội ô TP Cần Thơ ngập sâu khi có mưa lớn, triều cường.
Còn nhớ triều cường cuối tháng 8, đầu tháng 9 âl năm 2018, trong khi các ĐT của Vĩnh Long bị ngập ở nhiều nơi chưa từng ngập thì TP Cần Thơ- đô thị loại I- cũng được ghi nhận “ngập lịch sử”.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, nhiều tuyến đường, hẻm và nhà dân có cao trình thấp trong nội ô bị ngập.
Đặc biệt là quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy. Các tuyến ngập sâu như: đường Mậu Thân, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Nguyễn Thị Minh Khai,...
Nhận định về tình hình trên, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ) cho hay: Trong khi lũ thượng nguồn đổ về chỉ cao hơn trung bình- không cao hơn nhiều năm trước thì việc ghi nhận mực nước tại Cần Thơ cao lịch sử là bất thường và còn lặp lại.
Theo tham luận của ĐH Quốc gia Hà Nội tại hội thảo “Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 23/5/2020, TP Cần Thơ ở trung tâm của ĐBSCL, mặc dù có nhiều lợi thế về điều kiện địa lý và tài nguyên thiên nhiên nhưng đã và đang phải đối mặt với tác động của BĐKH và tai biến thiên nhiên.
Cụ thể, nhiệt độ không khí tăng, lượng mưa giảm; hạn hán và xâm nhập mặn; ngập lụt; giông lốc; sạt lở bờ sông và lún mặt đất. Từ đó, tác động đến tài nguyên nước, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư và cơ sở hạ tầng và đặc biệt là có thể âm thầm gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Do vậy, TP Cần Thơ cần xây dựng các giải pháp để thích ứng, giảm nhẹ trước tác động của BĐKH và tai biến thiên nhiên, hướng đến phát triển bền vững.
Cụ thể, nâng cao độ tin cậy, chính xác của dự báo, giám sát và cảnh báo BĐKH, tai biến thiên nhiên thông qua việc phát triển trung tâm dự báo liên ngành về diễn biến và tác động của BĐKH, các tai biến liên quan. Trong đó, ưu tiên thích ứng với tai biến hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở đất, lún mặt đất và giảm phát thải khí nhà kính.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế trên cơ sở phát huy lợi thế của TP Cần Thơ về vị trí ở trung tâm ĐBSCL, kết nối tốt với TP Hồ Chí Minh.
Từ đó, nâng cao năng lực của tất cả các bên liên quan về nhận thức, trách nhiệm, hành động thực hiện tích hợp bằng nhiều giải pháp phù hợp.
Trong đó có thông qua trung tâm dự báo liên ngành, coi Cần Thơ là một trung tâm về ứng phó với BĐKH cho vùng nội thủy mới bị ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm của thế giới, từ đó lan tỏa cộng đồng và các địa phương trong toàn vùng.
Đồng thời, kiến nghị Nhà nước cần hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, quy hoạch và điều phối, hợp tác vùng- liên vùng, triển khai thí điểm mô hình xây dựng đô thị sông nước ứng phó BĐKH, phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn…
Phát triển thịnh vượng để lan tỏa
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL- ĐH Cần Thơ), từ năm 2015, TP Cần Thơ đã nối kết và là thành viên mạng lưới hoạt động của 100 thành phố thông minh trên thế giới.
Theo đó, sự phát triển của mạng lưới không chỉ giúp TP Cần Thơ phát triển kinh tế- xã hội theo hướng thuận thiên và bền vững mà còn lan tỏa và tương tác trong tiến trình nâng cao năng lực liên kết phát triển các đô thị khác trong vùng ĐBSCL trong tương lai.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Văn Sánh, kết quả chỉ số thịnh vượng chung 67/100 là tiến trình tốt để nâng tầm TP Cần Thơ so với khu vực và quốc tế.
Kỳ vọng trong tương lai, nếu năng lực phát triển chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), thành phố thông minh và chống chịu… tiếp tục nâng cao thì TP Cần Thơ sẽ đứng thẳng vào đẳng cấp đô thị kiểu mẫu, hiện đại trên thế giới.
Qua đó, tạo thương hiệu TP Cần Thơ là nơi đáng sống- lực hút quan trọng và động lực mới trong phát triển TP Cần Thơ thịnh vượng và lan tỏa trong vùng theo nguyên lý trung tâm- ngoại vi và lan tỏa liên kết trong vùng. Như thế, lực hút và lực đẩy qua liên kết TP Cần Thơ và các địa phương trong vùng sẽ tiến xa hơn.
Tại hội thảo “Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, đại diện các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, các chuyên gia đã cùng nhau phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp, cơ chế các chính sách, nguồn lực nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn để giúp thành phố phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới đúng như tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là thành phố trung tâm động lực của vùng Tây Nam Bộ.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, muốn phát triển TP Cần Thơ, cần phải gắn chặt với cả vùng ĐBSCL, đồng thời phải có giải pháp thích ứng với BĐKH đang diễn ra nhanh và phức tạp hơn so với dự kiến.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, 2 yếu tố quan trọng đối với Cần Thơ trong giai đoạn hiện nay là lựa chọn công nghiệp để phát triển phù hợp với lợi thế là trung tâm của vùng ĐBSCL. Thứ hai là phát triển dịch vụ, nhưng là dịch vụ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo để làm sao Cần Thơ trở thành trung tâm cung cấp các giải pháp về khoa học, công nghệ trong tất cả lĩnh vực cho vùng ĐBSCL. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin