Khơi sức dân xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn

05:06, 25/06/2020

"Giao thông đến đâu thì bộ mặt nông thôn và đời sống người dân thay đổi đến đó"- xác định được tầm quan trọng đó nên hàng năm, các xã- thị trấn vận động thực hiện được bao nhiêu kí lô mét đường cấp C (liên xóm) thì huyện đối ứng tương đương. Đó là cách làm được Đảng bộ huyện Long Hồ thực hiện từ nhiều năm nay và kể từ năm 2016.

 

Đường tới đâu, đèn tới đó đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.
Đường tới đâu, đèn tới đó đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.

“Giao thông đến đâu thì bộ mặt nông thôn và đời sống người dân thay đổi đến đó”- xác định được tầm quan trọng đó nên hàng năm, các xã- thị trấn vận động thực hiện được bao nhiêu kí lô mét đường cấp C (liên xóm) thì huyện đối ứng tương đương.

Đó là cách làm được Đảng bộ huyện Long Hồ thực hiện từ nhiều năm nay và kể từ năm 2016, Huyện ủy đưa vào nghị quyết hàng năm để giao chỉ tiêu mỗi xã- thị trấn thực hiện mới 1km và duy tu, sửa chữa 1km trở lên để huyện đối ứng. Sau đó tiếp tục thực hiện phương châm “giao thông nông thôn phát triển đến đâu thì hệ thống đèn đường đến đó”.

Qua đó, đã khơi sức dân xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho đời sống dân sinh.

Xe tới tận cửa, đèn sáng tận ngõ

Những năm trước đây, việc đi lại ở nhiều nơi trong huyện Long Hồ đầy khó khăn, vất vả, có nơi không có đường đi hoặc xe không đi được.

Tại xã Bình Hòa Phước, nếu tính 2 đầu của ấp Phước Định 2- từ ấp Phước Định 1 đến xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách- Bến Tre) chỉ khoảng 2,5km mà có trên 20 cây cầu bắc qua kinh mương và 32 cây cầu qua sông. Còn ở Tổ 26 của ấp Bình Hòa 2, đoạn đường chỉ 300m mà có đến 9
cây cầu khỉ.

Tại xã Thạnh Quới, từ nhà ông Nguyễn Văn Láng (ấp Hòa Thạnh 2) đến ngã ba Cái Muồng (UBND xã ngày nay) dài chỉ hơn 2km mà có đến 72 cây cầu khỉ và cầu chạy- muốn qua cầu phải chạy nhanh nếu không bị té. “Học trò đi học thì té lên, té xuống, tập vở ướt tèm lem…”- ông Láng kể.

Cũng từ nhà ông Láng, muốn tới chợ Bà Lang (nay là chợ Phú Quới) chỉ khoảng 7km nhưng phải lần rau mác bơi từ 4 giờ khuya đến 9 giờ sáng mới đến nơi…

Đó là những khó khăn vất vả của người dân huyện Long Hồ khi giao thông nông thôn chưa phát triển. Song, nhờ làm tốt công tác huy động sức dân, vận động hỗ trợ và được huyện đối ứng làm đường mà đến nay các cây cầu bắc ngang rạch đã dần được thay thế bằng tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn giúp bà con an tâm sản xuất, đi lại thoải mái.

Đồng chí Trần Minh Cảnh- Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Phước- nhận định: So với trước đây, giao thông của xã giờ được xem là “tuyệt vời” vì từ đường lớn đến đường nhỏ đều được đầu tư ngon lành. Hồi trước, một số tuyến đường có bề rộng chỉ 2m, giờ dần được mở rộng ra 3m cho xe 4 bánh chạy thoải mái.

Những năm gần đây, Đảng ủy xã đã đưa việc vận động làm đèn vào nghị quyết và đã được các ấp hưởng ứng tích cực. Giờ có việc về trễ cũng không lo trời tối vì đường sá đi lại ngon lành mà đèn thì sáng trưng, cuộc sống nơi thôn quê giờ không khác thành thị bao nhiêu.

Giao thông thuận tiện, tạo điều kiện cho học sinh đi lại dễ dàng.
Giao thông thuận tiện, tạo điều kiện cho học sinh đi lại dễ dàng.

Trải qua chiến tranh đầy gian khó và những năm đầu sau giải phóng đầy vất vả. Giờ nhìn lại “cuộc sống của mình sướng như tiên”- ông Láng cười móm mém và nói- “Xe 4 bánh giờ đến tận nhà, đèn thắp sáng trước ngõ, muốn đi đâu lúc nào cũng được, đi chợ chỉ mất vài mươi phút là đến nơi chứ không phải mất nửa ngày trời như trước…”

Để có được thành quả đó, ông Láng đã cùng với bà con trong xã hiến đất, góp của để cùng Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Trong đó, tuyến đường ĐH 24 (trước nhà ông Láng) và tuyến đường Cườm Nga- cống hở Long Công (bên hông nhà ông Láng) đều đã được nhựa hóa. Sau khi hiến 2,3 công đất để thực hiện 2 tuyến đường trên, thì sắp tới tuyến đường bên hông nhà ông Láng sẽ được mở rộng thêm nữa.

Tuy sẽ mất thêm đất nhưng với ông Láng thì “được Nhà nước đầu tư đường sá rộng rãi đi lại thoải mái là tui mừng dữ lắm”.

Đối ứng hơn 6 tỷ đồng/năm làm đường giao thông

Theo đồng chí Nguyễn Đăng Khoa- Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, từ khi Huyện ủy Long Hồ có chủ trương “xã vận động xây dựng bao nhiêu kí lô mét đường liên xóm thì huyện đối ứng bấy nhiêu”, đã tạo nên “cú hích” cho các địa phương trong việc khơi sức dân làm đường giao thông nông thôn, nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thì phong trào này càng được triển khai rầm rộ hơn.

Tổng nguồn lực đầu tư xây dựng NTM toàn huyện Long Hồ gần 536 tỷ đồng, trong đó huy động sức dân 87 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp, nhà tài trợ gần 26,8 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 110km đường cấp C (liên xóm).

Hàng năm, xã Thạnh Quới đều xây dựng kế hoạch huy động nhân dân đóng góp và thu được từ 700 triệu đồng trở lên để làm đường liên xóm.

Trước khi huy động sức dân xã đều tổ chức họp dân, lấy ý kiến của dân, trên cơ sở thống nhất thì tiến hành huy động ngay đợt chiến dịch mùa khô và đóng theo đầu công. 

Theo đó, nếu năm nào xây đường ngang qua nhà hộ thụ hưởng thì góp 100.000 đ/công, còn lại góp 50.000 đ/công.

So với mặt bằng chung của huyện, đời sống người dân xã Thạnh Quới còn nhiều khó khăn nhưng người dân rất đồng tình hưởng ứng.

Nhờ vậy, đến nay đã xây trên 29,5km đường liên xóm, trong đó, 18km đường có đèn thắp sáng. Hiện, xã cần đầu tư xây tiếp 5km. Dự kiến, năm 2020 sẽ thực hiện thêm 4km, phần còn lại sẽ đầu tư dứt điểm trong năm 2021.

Đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ cho biết: Việc huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn được Huyện ủy cho chủ trương từ trước khi có chương trình xây dựng NTM và chính thức đưa vào nghị quyết hàng năm bắt đầu từ năm 2016 đến nay.

Huyện ủy cũng chỉ đạo cấp ủy các xã- thị trấn đưa vào nghị quyết để thực hiện; HĐND huyện, xã cũng ra nghị quyết, trên cơ sở đó mỗi địa phương sẽ có kế hoạch cụ thể để huy động sức dân.

Để xã đạt chuẩn NTM hay NTM nâng cao về giao thông thì có chỉ tiêu quy định 100% đường xóm và liên xóm phải sạch và không lầy lội, trong đó 100% đường liên xóm phải được cứng hóa đạt cấp C trở lên (nền 3m trở lên, mặt 2m trở lên).

Đây là chỉ tiêu do xã thực hiện. Song, nếu xã vận động xây được 1km thì huyện đối ứng 1km (trị giá hơn 400 triệu đồng) để làm đường liên xóm. 

Trong đó, Phú Quới, Tân Hạnh… là những địa phương huy động sức dân rất tốt, có những năm huyện đối ứng hơn 1 tỷ đồng cho mỗi xã.

Bình quân, mỗi năm huyện đối ứng khoảng 15km đường giao thông cho các xã tương đương hơn 6 tỷ đồng/năm từ ngân sách của huyện và vận động các tổ chức, cá nhân. Và trước khi thực hiện, các xã đều tổ chức họp dân xin ý kiến dân về lộ trình, địa điểm đầu tư theo thứ tự ưu tiên, công trình nào bức xúc nhất thì làm trước.

Thực hiện phương châm “giao thông nông thôn phát triển đến đâu thì hệ thống đèn đường đến đó”, chỉ qua 2 năm thực hiện, toàn huyện đã có trên 160km đường có đèn thắp sáng, chưa kể các công trình chào mừng đại hội Đảng gần đây.

Theo Bí thư Huyện ủy- Hồ Văn Minh, huy động sức dân là giải pháp 2 mặt của vấn đề trong thực hiện chủ trương về xây dựng NTM và phát huy vai trò chủ thể của người dân.

Ngoài nguồn vốn đầu tư thực hiện tiêu chí, việc huy động sức dân còn tạo ý thức, trách nhiệm người dân trong xây dựng NTM, để người dân hiểu đây là phần việc của mình, có trách nhiệm tham gia xây dựng và thụ hưởng.

Đồng chí Hồ Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Hồ: Để làm tốt công tác huy động sức dân phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, ngay từ ban đầu phải công khai, minh bạch kế hoạch, xây dựng lộ trình, xin ý kiến của dân về công trình đầu tư, mức đóng góp, khi thi công công trình thì dân tham gia giám sát, kết thúc thì công khai tài chính cho dân biết, chỗ nào làm được các bước này thì dân rất tin tưởng, mức ủng hộ hàng năm cao hơn, nhà tài trợ thấy vậy cũng sẽ tham gia đóng góp nhiều hơn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh