Đại biểu Quốc hội đề nghị cần giải pháp nhanh hơn, tích cực hơn để khống chế xâm nhập mặn

07:06, 16/06/2020

Trong phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp tại hội trường.

Trong phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp tại hội trường.

Đại biểu Lưu Thành Công: Đề nghị Chính phủ có các giải pháp nhanh hơn, tích cực hơn về xâm nhập mặn

Hiện nay, việc ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm nói chung, ở ĐBSCL nói riêng đã đến giai đoạn báo động. Năm 2020, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền hàng trăm kí lô mét gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất và đời sống người dân.

Các công trình ngăn mặn thời gian qua đã phát huy hiệu quả nhưng chỉ đáp ứng một nhu cầu rất nhỏ so với hệ thống sông ngòi chằng chịt ở đồng bằng.

Cử tri đề nghị Chính phủ có các giải pháp nhanh hơn, tích cực hơn, không chần chờ nữa để tiến dần đến khống chế hữu hiệu sự xâm nhập của nước mặn.

Việc trữ ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân là một nhu cầu cấp bách trong tình hình hạn hán, nhiễm mặn nhưng hiện ở ĐBSCL rất hiếm các công trình trữ nước ngọt vì từ trước đến nay ở đây nước ngọt quanh năm dư thừa nên chưa hề có khái niệm phải trữ nước ngọt.

Cử tri đề nghị Chính phủ ưu tiên triển khai thực hiện ngay các công trình trữ ngọt phục vụ nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân theo đúng mục tiêu phát triển bền vững.

Nếu không đáp ứng được mục tiêu này thì khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân đồng bằng sẽ ngày càng chồng chất.

Vì cần nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt nên các hộ gia đình tìm mọi cách để khai thác các mạch nước ngầm, một số hộ dân còn khai thác các mạch nước ngầm này để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, các mạch nước ngầm này đã cạn kiệt, đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún, sạt lở đất rất nghiêm trọng.

Tôi đề nghị Chính phủ lập quy hoạch, kế hoạch bảo quản, giữ gìn, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này một cách hợp lý, khoa học vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong tình hình hạn hán, nhiễm mặn như hiện nay vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên, môi trường chống sụt lún, sạt lở trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Cần quan tâm khả năng kết nối giữa cácđịa phương khi quy hoạch phát triển du lịch

Tôi đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi đánh giá về những khó khăn của ngành do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 và giải pháp trong thời gian tới để sớm phục hồi và đưa du lịch phát triển.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế hội nhập; định hình cho chiến lược phát triển mang tính toàn diện nhằm phát huy thế mạnh vốn có để đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, để phát triển du lịch trong thời gian tới theo chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tôi đề xuất trong quy hoạch phát triển du lịch của địa phương phải đảm bảo sự bền vững đặt trong quy hoạch tổng thể về kinh tế- xã hội của địa phương và sự liên kết vùng miền; đảm bảo sự hài hòa giữa kinh tế- xã hội và môi trường; sự ổn định của các ngành nghề truyền thống, đặc trưng, đặc sản của vùng miền.

Quy hoạch phát triển du lịch cần quan tâm tới quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng để du lịch có thể đến được mọi nơi, tăng khả năng kết nối giữa các địa phương.

Ngoài ra, phải khai thác lợi thế của địa phương một cách hợp lý, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, đặt lợi ích môi trường lên trên hết nhất là những mô hình du lịch cộng đồng.

Trân trọng sự đa dạng vốn có của thiên nhiên và các giá trị văn hóa, truyền thống để tính tới lợi ích trước mắt và lâu dài. Song song đó, cần nghiên cứu và khơi dậy các giá trị văn hóa của địa phương chưa được khai thác để đề xuất, đưa vào phát triển du lịch.

Phải xây dựng được thương hiệu du lịch riêng của từng vùng miền gắn với sản phẩm du lịch có chất lượng, phù hợp với nhiều đối tượng nhằm quảng bá, tạo ấn tượng riêng cho du lịch địa phương.

Song song đó, phải thu hút sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp gắn với quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên. Du lịch phải thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân nhưng phải giữ gìn được bản sắc văn hóa, ngành nghề truyền thống và đặt trong mối quan hệ trách nhiệm của các bên, không thể phát triển tự phát, riêng lẻ.

Cuối cùng cần quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp vững, ngoại ngữ tốt để phục vụ du lịch; cũng cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương.

TÂM HUỲNH (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh