Báo Vĩnh Long "bao nhiêu năm ấy biết bao ân tình"

06:06, 19/06/2020

Từ những bản in thô sơ đầu tiên của tờ báo Công Nông Binh, rồi báo Lao Khổ được Chi bộ Ba Chùa (xã Tường Lộc- Tam Bình, nay là xã Nhơn Bình- Trà Ôn) phụ trách, Báo Vĩnh Long đã có lịch sử hơn 90 năm gắn liền với lịch sử của Đảng bộ tỉnh nhà.

 

 Đồng chí Trần Văn Rón (hàng sau, thứ 3 từ phải sang)- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- cùng các đồng chí lãnh đạo chụp hình lưu niệm cùng các phóng viên nữ Báo Vĩnh Long, nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) năm 2018.
Đồng chí Trần Văn Rón (hàng sau, thứ 3 từ phải sang)- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- cùng các đồng chí lãnh đạo chụp hình lưu niệm cùng các phóng viên nữ Báo Vĩnh Long, nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) năm 2018.

Từ những bản in thô sơ đầu tiên của tờ báo Công Nông Binh, rồi báo Lao Khổ được Chi bộ Ba Chùa (xã Tường Lộc- Tam Bình, nay là xã Nhơn Bình- Trà Ôn) phụ trách, Báo Vĩnh Long đã có lịch sử hơn 90 năm gắn liền với lịch sử của Đảng bộ tỉnh nhà.

Thế hệ trẻ làm báo hôm nay luôn mong mỏi hiểu được phần nào việc làm báo của lớp người đi trước trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của chiến tranh ác liệt, để làm dày thêm tình cảm và trách nhiệm của mình trên từng trang viết. Một sự soi rọi cần thiết để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo cách mạng Việt Nam.

Những tờ báo ra đời như huyền thoại

Quyển sách “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Vĩnh Long” do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long thực hiện đã tái hiện lại lịch sử báo chí tỉnh nhà trong suốt tiến trình lịch sử từ năm 1930 cho đến năm 2000.

Những câu chuyện làm báo của thời kỳ đầu mà lớp hậu bối chúng tôi nghe như huyền thoại, với sự gian nan, vất vả và phải đổ cả máu để tờ báo đến được tay người đọc.

Ngay khâu mua nguyên liệu, tổ chức in ấn cho đến phát hành… đều hoàn toàn bí mật, được tổ chức thực hiện chặt chẽ, sáng tạo và mưu trí, dũng cảm.

Hỏi thử mấy nhà báo trẻ “in xu xoa” là gì, chẳng ai biết. Một kiểu in cần phải có người viết chữ khéo để khỏi bị nhòa, được in từ những khuôn nấu từ nguyên liệu rau câu, mực in, giấy…

Lãnh đạo Báo Vĩnh Long qua các thời kỳ, chụp hình lưu niệm cùng các phóng viên.Ảnh: DƯƠNG THU
Lãnh đạo Báo Vĩnh Long qua các thời kỳ, chụp hình lưu niệm cùng các phóng viên.Ảnh: DƯƠNG THU

Mà những thứ này, kể cả vải tây đỏ, nếu ai ra tiệm tạp hóa mua nhiều và thường xuyên thì dễ bị địch theo dõi, phát hiện. Do đó, phải được thực hiện qua nhiều giai đoạn, thông qua một người Hoa là ông Ban Kiền- chủ tiệm tạp hóa lớn ở Thầy Hạnh.

Ông đi tỉnh lỵ Vĩnh Long bổ hàng thì mua kèm theo một cách hợp thức, mới giao hàng lại cho người chị của bà Trần Thị Liên có cửa hàng tạp hóa ở Tam Bình. Sau đó, bà Liên mới gửi hàng theo đò rước khách đưa về Ba Chùa.

Những tờ báo cách mạng đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long đã được ra đời như thế đó. Từ những ngày đầu gian khó, những tờ báo đã trở thành công cụ đắc lực của Đảng, của cách mạng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, tuyên truyền giáo dục đảng viên, giác ngộ quần chúng về cách mạng, về chủ nghĩa Mác- Lênin, tập hợp quần chúng đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng cũng đã góp phần tích cực cho cuộc vận động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Phóng viên Báo Vĩnh Long đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: NGỌC TRẢNG
Phóng viên Báo Vĩnh Long đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: NGỌC TRẢNG

Còn những người làm báo, những phóng viên, họ cũng là những chiến sĩ, “vai súng, tay bút”, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có biết bao nhiêu người làm báo tỉnh nhà đã ngã xuống. Đến cả khâu phát hành cũng là sự đánh đổi bằng mạng sống, tù đày bất cứ lúc nào.

Cho đến sau khi tách tỉnh Vĩnh Trà, Ban Tuyên huấn tỉnh Vĩnh Long chủ trương ra tờ báo Hòa Bình Thống Nhất, tòa soạn báo đóng tại nhà ông Bảy Tấn, ông Tư Nhậm ở ấp Tân Phong II (xã Tân Long Hội- Cái Nhum, nay là huyện Mang Thít). Lúc này báo Hòa Bình Thống Nhất đã được in bằng tăng- xin, có 8 trang, mỗi kỳ phát hành đến 2.000 số, bình thường thì mỗi tháng ra 1 kỳ.

Thế hệ làm báo hôm nay không thể hình dung được sự gian khổ, hiểm nguy của công việc làm báo giữa lúc chiến tranh ác liệt. Ban biên tập có lúc không đánh máy được mà phải viết tăng- xin bằng tay ở hầm bí mật, ở buồng kín trong sự chở che đùm bọc của nhân dân.

Các gia đình ông Bảy Tấn, ông Tư Nhậm, ông Năm Xứ, ông Út Phố đã nuôi chứa Ban biên tập như thế trong suốt 4 năm trời…

Những năm tháng không quên

Khó lòng mà đo đếm bao nhiêu công sức, trí tuệ, mồ hôi và xương máu dày công gầy dựng mới có được tờ báo Vĩnh Long như ngày nay. Một gia tài chung của bao thế hệ làm báo, sự đóng góp của quần chúng nhân dân, đặc biệt, sự lãnh đạo của Đảng trong mỗi bước đi của Báo Vĩnh Long trong hơn 9 thập kỷ qua.

Phóng viên Báo Vĩnh Long trong chuyến sáng tác ảnh. Ảnh: THẢO LY
Phóng viên Báo Vĩnh Long trong chuyến sáng tác ảnh. Ảnh: THẢO LY

Chỉ riêng cuộc trò chuyện ngắn ngủi thông qua những mẩu chuyện nhỏ, những kỷ niệm buồn vui, cả những câu chuyện tiếu lâm của nghề báo trong kháng chiến, nhà báo lão thành Đoàn Hải Nhân (Phù Sa)- nguyên Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- đã để lại cho chúng tôi những bài học sâu sắc, một sự soi rọi nghiêm túc để càng thêm trân trọng tờ báo Vĩnh Long, để nghiêm khắc với nghề, trách nhiệm hơn với từng trang viết.

Những năm 1972- 1973, đó là lúc chiến tranh trở nên ác liệt, từ gốc một nhà giáo qua mấy bài báo “coi được” vậy là ông Phù Sa được điều chuyển về tổ báo, sau đó được đưa đi học, đào tạo rồi gắn bó luôn với nghề và nhiều năm lãnh đạo cơ quan Báo Vĩnh Long cho đến ngày về hưu.

Trong chiến tranh, phóng viên cũng là chiến sĩ thực thụ, cũng được trang bị vũ khí, khả năng chiến đấu như bộ đội và những kỹ năng kinh nghiệm sống như một nông dân.

Các phóng viên nữ Báo Vĩnh Long.Ảnh: VINH HIỂN
Các phóng viên nữ Báo Vĩnh Long.Ảnh: VINH HIỂN

Chuyện đi xuồng, băng đồng, lội ruộng mùa nước nổi, cả khi đối mặt trước họng súng kẻ thù… Bình thường đi công tác thì toàn lội bộ, khi mùa nước ngập đồng lênh láng, người đi có khi ngập quá lưng quần.

Đã vậy, còn phải luôn đề cao cảnh giác, có khi chỉ băng qua một cánh đồng phải nằm lại mất cả ngày. Giai đoạn này mỗi tháng ra 1 kỳ báo, phát hành 500 tờ, sau khi in ấn, giao lên văn phòng để chuyển cho giao liên phát hành các nơi.

Phóng viên Báo Vĩnh Long tác nghiệp tại An Giang. Ảnh: THẢO LY
Phóng viên Báo Vĩnh Long tác nghiệp tại An Giang. Ảnh: THẢO LY

Mỗi tờ báo được nâng niu, lưu giữ lại bằng cách cho vào tỉn rồi chôn xuống đất, nhưng có khi do chiến tranh ác liệt, địa hình ngập nước nên gần như toàn bộ báo đều bị hư hỏng.

Đến cuối năm 1973, phóng viên được trang bị máy ảnh loại thường nhưng mọi người “cưng máy như cưng súng”, đi công tác, cái máy ảnh được bọc đến mấy lớp, cũng vì vậy mà nhiều khi lấy được cái máy ra thì tình huống cũng… qua rồi.

Còn câu chuyện ở Đìa Vịt (xã Đông Thạnh- Bình Minh) là ví dụ điển hình cho mỗi phóng viên là một chiến sĩ thực sự.

Một phóng viên đối diện ngay trước nòng súng của địch, chỉ kịp bật ngửa nhào xuống ao nước trườn qua ruộng lúa rồi “đi lúa cây” thoát hiểm. Đó là cách trườn mình trên ruộng ngập nước, nương theo đó mà bơi đi rất nhanh để thoát hiểm…

Nguyên Tổng Biên tập- Phù Sa nhắc đi nhắc lại các bạn trẻ đi công tác phải ghi chép cho thật kỹ, lưu giữ cẩn thận. Đặc biệt, khi còn trẻ, còn cơ hội, phải không ngừng đi công tác cơ sở, phải nắm bắt và truyền tải cho được hơi thở cuộc sống.

Người trẻ phải luôn xông xáo, năng động, không nề hà chuyện lớn nhỏ; khi lớn một chút phải biết đi vào chiều sâu, chín chắn hơn để thực hiện những đề tài lớn, có sức nặng.

Và khi về hưu, lại tiếp tục “đào sâu” khối tư liệu của một đời làm nghề để có được những tác phẩm xứng tầm. Chú Phù Sa dặn dò về cách ghi nhận chi tiết, cách thực hiện tin bài sao cho bật lên cái riêng, cái độc đáo…

Những lời dặn của một nhà báo lão thành, gắn bó cả một đời nghề với tờ báo Vĩnh Long, cũng là tình cảm sâu nặng của ông đối với nghề báo.

Kể từ lúc tổ chức cách mạng đầu tiên, cho đến Chi bộ Đảng Cộng sản ra đời ở Vĩnh Long, thì ngay sau đó là sự ra đời của báo chí cách mạng Vĩnh Long. Vậy là hơn 90 năm qua, báo chí Vĩnh Long đã được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử, với riêng tờ báo in đã có nhiều lần đổi tên: Công Nông Binh, Lao Khổ, Kèn Giải Phóng, Hòa Bình Thống Nhất, Quyết Thắng, Vĩnh Long Giải Phóng, Vĩnh Trà, Cửu Long, Vĩnh Long. Thế hệ trẻ hôm nay gìn giữ truyền thống, tinh thần của lớp người đi trước và không ngừng học tập, soi rọi để tiếp nối đưa tờ báo Vĩnh Long thân yêu không ngừng phát triển, lớn mạnh xứng tầm và xứng đáng với niềm tin mà Đảng và nhân dân giao phó.

NGỌC TRẢNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh