Trong lúc các đoàn quân quyết tiến hành quân nhanh nhất về hang ổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn vào cuối tháng 4/1975, thì nhiều tỉnh ở miền Nam chớp thời cơ giải phóng địa phương và nhân dân ta đã làm chủ.
Trong lúc các đoàn quân quyết tiến hành quân nhanh nhất về hang ổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn vào cuối tháng 4/1975, thì nhiều tỉnh ở miền Nam chớp thời cơ giải phóng địa phương và nhân dân ta đã làm chủ.
UBND tỉnh hiện nay là dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Long trước năm 1975. |
Tình hình mới diễn tiến nhanh trên chiến trường…
Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên ngày 10/3/1975 tạo ra thời cơ đặc biệt quan trọng, là đến thắng lợi của chiến dịch Huế- Đà Nẵng (từ 19- 29/3/1975). Cùng lúc, ngày 24/3/1975, TX Tam Kỳ và tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng.
Ngày 26/3/1975, các lực lượng vũ trang nhân dân đã tiến hành hợp vây và cùng với đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng nổi dậy tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên- Huế gồm 4 vạn tên địch, làm chủ toàn bộ tỉnh Thừa Thiên.
Ngày 28/3/1975, pháo binh quân giải phóng mở đầu cuộc tấn công giải phóng Đà Nẵng bằng đòn tập kích hỏa lực mãnh liệt vào các vị trí quân sự địch trong thành phố và bán đảo Sơn Trà.
Cuộc tiến công Đà Nẵng của các binh đoàn chủ lực, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy đúng lúc đã kết thúc sau 33 giờ chiến đấu, giành thắng lợi rực rỡ, giải phóng Đà Nẵng- thành phố lớn thứ hai ở miền Nam.
Thắng lợi của chiến dịch Huế- Đà Nẵng và chiến dịch Tây Nguyên, buộc đế quốc Mỹ phải thừa nhận, đây là những đòn hiểm không cách gì chống đỡ và hồi phục được. Tuy nhiên, với bản chất cực kỳ phản động và ngoan cố, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn tìm mọi cách nhằm cố thủ ở Nam Bộ.
Cùng lúc đó, sự đôn đốc của tướng Mỹ Weyand và với một khối lượng vũ khí do Mỹ viện trợ cấp tốc bằng một cầu hàng không mới từ Bangkok (Thái Lan) đưa sang, chúng gấp rút xây dựng phòng tuyến từ Phan Rang trở vào, hòng cố giữ đến mùa mưa 1975 và đề ra một kế hoạch khẩn, nhằm củng cố và tăng cường lực lượng để chuẩn bị cho những trận đọ sức mới.
Trong cuộc họp ngày 25/3/1975, có nêu nhiệm vụ cụ thể giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị đã họp nhận định: cuộc Tổng tiến công chiến lược đã giành được thắng lợi cực kỳ to lớn, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân đoàn, giải phóng 16 tỉnh, đưa số nhân dân vùng giải phóng lên 8 triệu người; thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch đã hoàn toàn chín muồi.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn do tập thể các đồng chí trong Bộ Chính trị tại chiến trường B.2 (Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng) lãnh đạo. Đại tướng Văn Tiến Dũng- Tổng tham mưu trưởng- trực tiếp làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Chính ủy là Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng- người con ưu tú vùng đất Long Hồ, Vĩnh Long. Trước đó, ngày 25/3/1975, Hội đồng chi viện chiến trường cho miền Nam được thành lập, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.
Giải phóng hoàn toàn tỉnh Vĩnh Long
Trước thời điểm 30/4/1975, chấp hành chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã đề ra nhiệm vụ nắm lại tất cả các cơ sở bí mật, công khai mà ta đã cài cắm tại trung tâm tỉnh lỵ, các chi bộ đảng đã bố trí đầy đủ người ở cơ sở, để cài cắm trong nội ô tạo điều kiện hoạt động ngay khi có lệnh cấp trên.
Các đồng chí cán bộ điều nghiên của Thị đội Vĩnh Long được chỉ đạo cùng các cơ sở mật trong nội ô tham gia vận chuyển, bảo quản, đưa hàng tấn thuốc nổ TNT và nhiều cơ chế đạn dược, hậu cần nhằm phục vụ ngay cho bộ đội chủ lực trong lòng thị xã để tấn công ngay trong ngày 30/4, vào nơi có sào huyệt cuối cùng của Tỉnh trưởng và Tiểu khu trưởng Vĩnh Long.
Trước đó, tại các chiến trường, tính đến cuối tháng 3/1975, các tuyến phòng thủ của địch đã bị quân và dân Vĩnh Long đập tan, các cửa ngõ ra vào TX Vĩnh Long được mở rộng, các lực lượng vũ trang đều vào đóng quân ven nội ô trung tâm tỉnh nhà.
Lúc này, lực lượng vũ trang của tỉnh Vĩnh Long đang áp sát tỉnh lỵ Vĩnh Long, có: Tiểu đoàn 857 đóng vùng Ba Tân (Tân Thanh, Tân Ngãi, Tân Hạnh), Tiểu đoàn 2 đóng ở Long Thanh, Long Mỹ, Long Đức; Tiểu đoàn 312 và địa phương quân Châu Thành, đóng ở Lộc Hòa, Phước Hậu; tất cả hình thành thế bao vây tỉnh lỵ Vĩnh Long và nội ô trung tâm tỉnh nhà từ cả 4 hướng.
Về chỉ đạo địa bàn, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chỉ thị cho toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh xúc tiến về công tác chuẩn bị; mỗi địa phương phải chuẩn bị lực lượng tấn công, nổi dậy tại địa phương mình, theo hướng chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo, là “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”…
Trước tình hình phát triển nhanh, Thường vụ Khu ủy Khu 9 tăng cường một số khu ủy viên trong BCĐ tiền phương của tỉnh, là đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung) làm Tư lệnh, Phan Ngọc Sến (Mười Kỷ) là chính trị viên, Trương Minh Hoạch (Chín Hoạch) là Tham mưu trưởng, Chín Ngân phụ trách hậu cần(1).
Về lực lượng, Khu ủy đã cho tăng cường thêm Trung đoàn 3, Trung đoàn 1, phối hợp lực lượng vũ trang tỉnh nhà đánh chiếm ngay Lộ 4 và tạo thế bao vây toàn bộ địa bàn TX Vĩnh Long lúc đó.
Tại nội ô thị xã, các cơ sở nuôi giấu, các cơ sở mật tại Hộ 1 (Phường 1 ngày nay) và nhiều điểm ở các hộ khác đã được chuyển giao và cất giấu nhiều phương tiện hậu cần tại chỗ. Một bộ phận trong các cơ sở bí mật này thực hiện may cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và sao bản in về chính sách 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, để nhanh chóng phân phối trong các gia đình cơ sở cách mạng để truyền ra nhân dân.
Các tổ chức cơ sở của đoàn thể, quân sự, công an cũng đã được Thị ủy Vĩnh Long cài cắm bí mật, vững chắc ở tư thế tất cả sẵn sàng chờ đợi thời cơ giải phóng.
Sáng 30/4/1975, tình hình cách mạng phát triển nhanh, các đơn vị của lực lượng chính quy ở Vĩnh Long đã bao vây nội ô TX Vĩnh Long. Lực lượng chính quy của tỉnh làm chủ trên nhiều địa bàn, áp sát mỗi giờ vào nội ô TX Vĩnh Long và đích chính là khu nhà Tỉnh trưởng (nay là khu làm việc của UBND tỉnh).
Tại nội đô, nhận được lệnh của Thị ủy Vĩnh Long, Chi bộ Hộ 1, Hộ 3 liền phát động phong trào toàn dân nổi dậy tập trung làm chủ địa bàn, làm chủ các phương tiện trên địa bàn thị xã.
17 giờ 30 ngày 30/4/1975, đồng chí Tư Anh và đồng chí Ba Nguyên (Thị ủy Vĩnh Long) đến Khám Lớn Vĩnh Long (tại Phường 1 nay) nhằm thuyết phục bọn giám thị trao chìa khóa Khám Lớn cho lực lượng cách mạng.
Tuy nhiên, đến rạng sáng 1/5/1975, chúng mới trao chìa khóa, để ta giải thoát trên 700 tù nhân chính trị, là các đồng chí cán bộ, đảng viên trung kiên, lực lượng cốt cán của Vĩnh Long đang bị chúng giam giữ ở đây.
Trong tình thế quân và dân ta đã làm chủ nhiều nơi, từ trưa hôm đó đến 20 giờ ngày 30/4/1975, Thị ủy Vĩnh Long đã chỉ đạo cho lực lượng du kích và cán bộ, đảng viên chủ chốt thực hiện giải giáp bọn lính tự vệ đang đứng gác tại cầu Công Xi Heo, tiếp quản Văn phòng của Hộ 1, Hộ 3, Hộ 5,...
Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào lúc sau 10 giờ 30, ngày 30/4/1975 (tức 11 giờ 30 phút giờ Sài Gòn), Ban Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật cũng đã đầu hàng. Các đơn vị chủ lực của ta nhanh chóng áp sát TX Vĩnh Long, trong đó có trung tâm đầu não là Dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Long.
Đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung)- Tư lệnh Tiền phương của tỉnh Vĩnh Long (về sau là Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 9)- đã dùng loa phóng lớn, kêu gọi Tỉnh trưởng Vĩnh Long Lê Trung Thành phải đầu hàng vô điều kiện.
Tuy nhiên, chúng vẫn cố thủ, ngoan cố ra lệnh cho cấp dưới “tử thủ đến viên đạn cuối cùng”(2) và họp sĩ quan số còn lại bàn kế hoạch “tử thủ” trên QL4 đến bến phà Mỹ Thuận, ra lệnh cho 14 tiểu đoàn bảo an “tử thủ” trên địa bàn TX Vĩnh Long và trên QL4.
Trước sức tấn công, áp sát mạnh mẽ của lực lượng chủ lực Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 cùng với phong trào quần chúng tại địa bàn thị xã được lực lượng biệt động, quân chủ lực làm nòng cốt, các điểm chính trên địa bàn thị xã đã được giải phóng.
Tình hình càng diễn biến nhanh, trong đêm 30/4/1975 các cơ sở cách mạng vận động nhân dân TX Vĩnh Long nổi dậy tiếp quản các cơ quan, trụ sở ngụy quyền tại Hộ 1 và một số điểm khác như: Ty Điền địa, Nhà máy nước, Tòa Sơ thẩm, Ty Thông tin và Chiêu hồi, Ngân hàng Tín Nghĩa và các trường học...
Đến 20 giờ ngày 30/4/1975, Đại tá, Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Long Lê Trung Thành mới tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trung đoàn phó Trung đoàn 3 Nguyễn Văn Bá (Sáu Bá)- đại diện cho Ban Chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ lịch sử: thay mặt chính quyền cách mạng tiếp quản Dinh Tỉnh trưởng.
Sáng 1/5/1975, Ủy ban Quân quản tỉnh Vĩnh Long do đồng chí Lê Hữu Phi (Sáu Thân) làm Chủ tịch ra tuyên bố xóa bỏ chế độ ngụy quân- ngụy quyền, thiết lập chính quyền cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Long.
Cũng sáng 1/5/1975, các ngành chức năng của cách mạng chính thức vào tiếp quản Ty Thông tin và Chiêu hồi và phân phối cờ cách mạng đã may sẵn về nhân dân trong thị xã (phần lớn là do Chi bộ tại Hộ 1 và Thị ủy Vĩnh Long vận động các cơ sở mật may ủng hộ).
Đồng chí Ba Quyến tổ chức một chiếc xe do đồng chí Bùi Công Phiệt dẫn đầu phát loa kêu gọi binh lính các điểm còn lại đầu hàng, nghiêm chỉnh chấp hành các chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Mùa Xuân 1975- một trang sử mới trọng đại của lịch sử- vẫn còn trong trí nhớ nhiều người dân Vĩnh Long.
(1) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Lịch sử tỉnh Vĩnh Long (1732-2000), NXB Chính trị Quốc gia, 2002, tr.450.
(2) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Lịch sử tỉnh Vĩnh Long (1732-2000), SĐD tr.453.
Bài, ảnh: ThS.PHẠM BÁ NHIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin