Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) năm 2020 theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện, nhằm đánh giá tồn tại từ thực tế trong chỉ đạo, điều hành thời gian vừa qua, đề ra một số nhiệm vụ thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) năm 2020 theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện, nhằm đánh giá tồn tại từ thực tế trong chỉ đạo, điều hành thời gian vừa qua, đề ra một số nhiệm vụ thời gian tới.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Vĩnh Long khảo sát tuyến sạt lở tại xã Tân Bình (Bình Tân).Ảnh: LÊ SƠN |
Thiên tai diễn biến phức tạp
Báo cáo của BCĐ Trung ương về PCTT, năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Tổng thiệt hại trên thế giới khoảng 150 tỷ USD.
Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp vùng miền cả nước với 16/21 loại hình, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3: 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở ĐBSCL…
Thiệt hại năm qua giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người: 133 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng (2018 ước thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng).
Với sự lãnh- chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Hầu hết các trọng điểm xung yếu đều có kịch bản ứng phó. Hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL vượt mốc lịch sử nhưng thiệt hại về nông nghiệp giảm thiểu, chỉ bằng khoảng 25% so với năm 2016.
Công tác PCTT đã bám sát yêu cầu thực tiễn, đi vào chiều sâu, triển khai thực hiện hiệu quả. Khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai đã hướng đến mục tiêu xây dựng lại tốt hơn. BCĐ đều có hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại; Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 4.375 tỷ đồng, 2.880 tấn gạo,...
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều đợt thiên tai bất thường biểu hiện mức độ phức tạp, nguy hiểm như: giông lốc sét, mưa đá.
Hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL vượt kỷ lục năm 2016. Tính đến hết tháng 4, trên cả nước thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng.
Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng ĐBSCL phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Không được chủ quan
Bộ Tài nguyên- Môi trường nhận định năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước.
Dự báo khả năng có khoảng 11- 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5- 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5.
Trong năm, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại đầu nguồn sông Cửu Long; mực nước cao nhất năm trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1- báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2- 0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9/2020. Ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao.
Đánh giá của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, cho thấy công tác PCTT thực tiễn hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số địa phương sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm trễ, lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Công tác dự báo, cảnh báo mặc dù đã có nhiều bước tiến song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; hệ thống cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ ra quyết định từ Trung ương đến các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều tình huống lúng túng, không kịp thời. Kinh phí cho công tác PCTT hạn chế, phân tán, không kịp thời…
Theo tính toán của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Ngân hàng Thế giới (WB): “Đầu tư một đồng cho khí tượng thủy văn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, từ việc giảm thiệt hại về kinh tế xấp xỉ 28- 30đ”, chưa tính đến thiệt hại về sinh mạng con người.
Vì vậy, trong bối cảnh phát triển mới, thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với tính chất là dữ liệu đầu vào, tài nguyên số cho phát triển bền vững càng có vai trò quan trọng.
Bộ Tài nguyên- Môi trường kiến nghị xem xét có đầu mối của đơn vị để theo dõi, đánh giá và tích hợp các vấn đề về thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong quá trình xây dựng, điều hành chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực nhằm phát triển bền vững và PCTT.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hội nghị rất quan trọng liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân, mà “thứ gì liên quan đến quyền lợi, tính mạng, tài sản của người dân thì chúng ta coi là quan trọng nhất và chúng ta phải bảo vệ”.
Việt Nam, 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng nêu rõ, lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với PCTT. Cho nên, người Việt Nam mong ước có sức mạnh chiến thắng thiên tai, đây là khát vọng, là ý chí của bao thế hệ người Việt Nam.
Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật. Bão mạnh, siêu bão, mưa đặc biệt lớn, ngập lụt diện rộng, lũ quét, lở đất, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, sét đánh xảy ra khắp vùng miền cả nước, suốt cả năm và ngày càng trầm trọng.
“Chúng ta cùng xác định, quán triệt công tác PCTT là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hết sức khó khăn, phức tạp và chưa bao giờ kết thúc trong lịch sử Việt Nam”- Thủ tướng nêu rõ, đồng thời đánh giá cao công tác dự báo, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng, do đó đã khắc phục tốt hạn hán và mặn xâm nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp sản xuất lúa và lương thực vẫn được mùa.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu BCĐ Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PCTT; nâng cao chất lượng công tác dự báo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, kể cả công tác TKCN.
Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành và nhân dân luôn nỗ lực, chủ động tiếp tục nêu cao tinh thần chống thiên tai, không được đầu hàng với bất cứ tình hình nào mà phải thích nghi và phát triển.
NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin