Thiên tai ngày càng cực đoan, trái quy luật

07:05, 15/05/2020

Chiều nay 15/5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) năm 2020  theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện.

Chiều nay 15/5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) năm 2020  theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2019; những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua; đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Long.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Long.

Thiên tai diễn biến phức tạp

Báo cáo của BCĐ Trung ương về PCTT, năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Tổng thiệt hại về kinh tế trên thế giới khoảng 150 tỷ USD.

Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3,  8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới; ngoài ra còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở ĐBSCL…

Thiệt hại năm qua giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người: 133 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng (2018 ước thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng).

Với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Hầu hết các trọng điểm xung yếu đều có kịch bản ứng phó. Hạn hán xâm nhập mặn tại ĐBSCL vượt mốc lịch sử nhưng thiệt hại về nông nghiệp giảm thiểu, chỉ bằng khoảng 25% so với năm 2016.

Lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ Quốc gia về PCTT với nhiều hoạt động thiết thực tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Thông qua các hệ thống báo, đài phát thanh, mạng điện thoại di động, mạng xã hội, công cụ truyền thanh cơ sở bằng nhiều thứ tiếng… đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cũng như cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành, khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng đến cộng đồng.

Công tác PCTT đã bám sát yêu cầu thực tiễn, đi vào chiều sâu, triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó nổi bật là cơ quan PCTT các cấp được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, phụ trách địa bàn; làm việc theo quy chế và sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ. Công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai đã hướng đến mục tiêu xây dựng lại tốt hơn.

Ngay sau các đợt thiên tai, BCĐ đều có hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 4.375 tỷ đồng, 2.880 tấn gạo,... Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng ĐBSCL phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Không được chủ quan

Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều đợt thiên tai bất thường biểu hiện mức độ phức tạp, nguy hiểm như: dông lốc sét, mưa đá. Hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL vượt kỷ lục năm 2016. Tính đến hết tháng 4, trên cả nước thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường, nhận định năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước. Dự báo khả năng có khoảng 11- 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 5- 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5.

Trong năm, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại đầu nguồn sông Cửu Long; mực nước cao nhất năm trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1- báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2- 0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9/2020. Ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao.

Đánh giá của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, cho thấy công tác phòng chống thiên tai hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực PCTT còn nhiều khoảng trống và bất cập; quy trình cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp nhận viện trợ còn phức tạp, kéo dài giảm hiệu quả sử dụng, nhất là quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ từ dự phòng ngân sách của Trung ương.

Một số địa phương sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm trễ, lúng túng, hiệu quả chưa cao. Công tác dự báo, cảnh báo mặc dù đã có nhiều bước tiến song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; hệ thống cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ ra quyết định từ Trung ương đến các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều tình huống lúng túng, không kịp thời.

Bên cạnh, kinh phí cho công tác PCTT hạn chế, phân tán, không kịp thời, mới tập trung cho khắc phục khẩn cấp, dẫn tới tồn tại nhiều trọng điểm đê điều, hồ chứa, sạt lở xung yếu, nhà dân nằm trong khu vực nguy hiểm. Khi có sự cố xảy ra tại một số tỉnh, thành phố việc triển khai lực lượng tại chỗ để ứng phó giúp đỡ Nhân dân ở cơ sở khắc phục hậu quả còn chậm…

Theo tính toán của WMO và Ngân hàng Thế giới (WB): “Đầu tư 1 đồng cho khí tượng thủy văn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, từ việc giảm thiệt hại về kinh tế xấp xỉ 28- 30 đồng”, chưa tính đến thiệt hại về sinh mạng con người. Vì vậy, trong bối cảnh phát triển mới, thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn với tính chất là dữ liệu đầu vào, tài nguyên số cho phát triển bền vững càng có vai trò quan trọng.

Bộ Tài nguyên- Môi trường, kiến nghị xem xét có đầu mối của đơn vị để theo dõi, đánh giá và tích hợp các vấn đề về thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong quá trình xây dựng, điều hành chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực nhằm phát triển bền vững và PCTT.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của công tác PCTT đối với tính mạng người dân, sự phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời thông tin thời tiết năm nay khá cực đoan nhưng là năm được mùa, nhất là tại các tỉnh- thành ĐBSCL, khả năng xuất khẩu đứng đầu thế giới.

Tinh thần hội nghị là chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thời gian tới cần khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ huy PCTT, TKCN; rà soát và cập nhật phương án PCTT tránh bị động, lúng túng khi tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức PCTT qua diễn tập, tập huấn cho người dân, cộng đồng.

Đặc biệt, cần nâng cao hơn nữa năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương; tập trung chỉ đạo làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và có chế tài, xử lý vi phạm trong PCTT một cách nghiêm minh.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Vĩnh Long, trong tháng 4/2020 không xảy ra giông lốc nhưng có 13 điểm sạt lở tại các huyện Mang Thít, Long Hồ, TX Bình Minh, TP Vĩnh Long và Trà Ôn, ước thiệt hại là hơn 1,5 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay có 27 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 1.245m, ảnh hưởng 4 hộ dân, ước thiệt hại hơn 2,4 tỷ đồng. Riêng hạn mặn xảy ra từ đầu năm đến ngày 13/5/2020 làm trên 18.500 ha sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng. Trong đó, cây trồng bị nhiễm mặn là 1.041 ha; thiếu nước tưới trên 17.000 ha, ở 5 huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít và TX Bình Minh. Hạn mặn cũng làm 89.743 hộ bị ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt, có thời đoạn đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm trên 1‰.

 

 

Bài, ảnh: MINH- KHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh