Phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời

Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là rất cần thiết

Cập nhật, 13:48, Thứ Tư, 27/05/2020 (GMT+7)

Việt Nam hiện có rất nhiều bảo tàng, nhưng chưa có nơi nào xây dựng bảo tàng nông nghiệp, một kho tàng văn hóa của nền văn minh lúa nước gắn chặt với đời sống của người dân Việt Nam, nhất là vùng đất nông nghiệp ĐBSCL. Vì vậy, việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng là rất cần thiết, không chỉ là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa nông nghiệp, mà còn là nơi tôn vinh vai trò của người nông dân Việt Nam nói chung, ở ĐBSCL nói riêng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Và, ngày 11/5/2020 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ký quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL tại ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm) trên diện tích 11,4ha, với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Vì sao Vĩnh Long là địa điểm để xây dựng bảo tàng mà không là tỉnh- thành nào khác? Vĩnh Long đã có những bước chuẩn bị như thế nào để thực hiện đề án và phương án khai thác như thế nào để bảo tàng phát huy hiệu quả? Đó cũng chính là những nội dung cuộc phỏng vấn được Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời dành cho phóng viên Báo Vĩnh Long.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời

- PV: Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL có quy mô đồng bằng, vì sao lại chọn địa điểm là tỉnh Vĩnh Long mà không là một tỉnh- thành nào khác, thưa ông?

- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: Từ năm 2007, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã có chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL tại ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đến năm 2008, khi cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt qua đời, để thể hiện lòng tri ân đối với cố Thủ tướng- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long nói riêng và Tổ quốc Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất và được Ban Bí thư đồng ý xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm. Từ đó, tỉnh quy hoạch gắn kết dự án khu tưởng niệm với Bảo tàng Nông nghiệp vùng, công viên Nam Kỳ khởi nghĩa và tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao. Đây là việc làm thiết thực và ý nghĩa nhằm thực hiện di nguyện của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Tại Quyết định 195/QĐ-TTg ngày 16/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL”, trong đó đều xác định địa điểm xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Vĩnh Long.

Đến năm 2016, Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Thông báo số 165/TB-VPCP, ngày 07/7/2016 của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, tại Quyết định số 1824/QĐ-TTg, ngày 25/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL thuộc danh mục dự án Trung ương ưu tiên đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 4503/BVHTTDL-DSVH ngày 10/11/2016 hướng dẫn tỉnh Vĩnh Long triển khai xây dựng đề án.

- PV: Được biết là trong quá trình xây dựng đề án, tỉnh đã có tổ chức tham vấn ý kiến của các tỉnh- thành trong khu vực. Vậy, các tỉnh có “ủng hộ” việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL tại tỉnh Vĩnh Long không, thưa ông?

- Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời: UBND tỉnh xây dựng đề án với sự tư vấn của Trường ĐH Cần Thơ. Trong quá trình thực hiện, tỉnh nhiều lần tổ chức hội thảo, hội nghị và có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh- thành khu vực ĐBSCL, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu.

Qua hội nghị, hội thảo và lấy ý kiến bằng văn bản, Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL nhận được sự đồng thuận, thống nhất của các bộ ngành liên quan và các tỉnh- thành trong khu vực về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và địa điểm xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCLtại tỉnh Vĩnh Long. Các tỉnh thống nhất sẽ phối hợp trong công tác sưu tầm, cung cấp tư liệu, hình ảnh, hiện vật giữa Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL và Bảo tàng các tỉnh trong khu vực.

Trên cơ sở hầu hết các ý kiến đồng thuận và góp ý thêm về chuyên môn, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tiếp thu, hoàn chỉnh và phê duyệt đề án.

- PV: Để chuẩn bị cho việc xây dựng và thành lập Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long đã có bước chuẩn bị cho công tác sưu tầm hiện vật lịch sử như thế nào?

- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: Để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long đã có đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Nông ngư cụ ở tỉnh Vĩnh Long trong thế kỷ XX (1919 - 2000)” do Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ thực hiện, nghiệm thu năm 2011. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã bước đầu sưu tầm trên 1.000 hiện vật và tài liệu về nông cụ và phương tiện sản xuất nông nghiệp, trong đó, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã tặng cho tỉnh một số hiện vật. Các hiện vật này đang được lưu giữ tạmtại Bảo tàng Vĩnh Long và nhà trưng bày huyện Vũng Liêm, chuẩn bị cho việc trưng bày tại Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Ngoài ra, từ những năm 1974, trường ĐH Cần Thơ đã bắt đầu nghĩ đến việc thành lập một cơ sở dữ liệu khoa học cho ĐBSCL. Cụ thể là chương trình bảo vệ nguồn gen của các giống lúa mùa, bắt đầu thu thập và bảo quản trên 4.000 giống lúa mùa ở tất cả các vùng sinh thái khác nhau ở ĐBSCL. Đến những năm 1990, chương trình cải tạo vườn tạp và bắt đầu điều tra, thống kê và mô tả chi tiết 800 giống cây ăn trái có mặt ở ĐBSCL; chương trình phục tráng các giống gà ta thả vườn, chương trình ương ép các giống cá nước ngọt, nước mặn … cũng đã được tiến hành song song. Năm 1992, Trường ĐH Cần Thơ cũng đã thành lập Viện nghiên cứu Hệ thống canh tác của ĐBSCL. Qua đó, những quy trình và kỹ thuật canh tác, cũng như những nông cụ cổ truyền tham gia trong quá trình sản xuất cũng đã được nghiên cứu và thu thập hiện vật một phần. Số lượng mẫu vật mà Trường ĐH Cần Thơ có thể cung cấp cho Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là hơn 4.000 giống lúa màu, 800 giống cây ăn trái, 1.500 loại động vật, 1.000 loại thực vật.

Ngoài ra, tại hội nghị lấy ý kiến các tỉnh- thành khu vực ĐBSCL, đại diện các tỉnh cũng đã thống nhất cùng tham gia đóng góp sưu tầm và trưng bày tư liệu, hiện vật thể hiện đặc trưng của địa phương mình tại Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL; từ đó phối hợp kết nối phát huy giá trị di sản văn hóa nông nghiệp và liên kết phát triển du lịch trong vùng.

Về sưu tầm hiện vật và trưng bày tại bảo tàng, tỉnh sẽ mời các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có uy tín, đặc biệt là Trường ĐH Cần Thơ tư vấn hỗ trợ.

- PV: Thực tế hiện nay là có nhiều bảo tàng quy mô, song vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, thường rơi vào trầm lắng vì không có khách tham quan. Vậy để Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL không rơi vào lối mòn này, tỉnh có phương án xây dựng, khai thác như thế nào để phát huy hết giá trị, đúng với mục tiêu ban đầu khi xây dựng đề án?

- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: Bảo tàng là nơi thiết thực nhất để tìm hiểu văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc, địa phương. Chính vì thế, việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là rất cần thiết nhằm bảo tồn, lưu giữ kịp thời và phát huy giá trị di sản văn hóa nông nghiệp, hạn chế nguy cơ mai một theo thời gian.

Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được xây dựng với mục đích lưu giữ di sản văn hoá nông nghiệp, tôn vinh vai trò của người nông dân Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL với phương thức tổ chức động và mở, chú trọng yếu tố trình diễn, trải nghiệm nên sẽ là nơi giáo dục sinh động để tìm hiểu, nghiên cứu và tăng cường liên kết phát triển du lịch tạo sinh kế cho người dân và những giá trị cho nền kinh tế, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội…

Việc tổ chức khai thác để phát huy giá trị của bảo tàng là một công việc hết sức quan trọng, tỉnh có dự án cụ thể chi tiết về nội dung này, trong đó tập trung đến việc quảng bá giới thiệu về bảo tàng, tổ chức phong phú các sự kiện, các hoạt động tham quan, trải nghiệm kết hợp giáo dục, nghiên cứu khoa học và tổ chức các tuyến du lịch kết nối trong vùng ĐBSCL.

- PV: Trân trọng cảm ơn ông đã dành cho PV Báo Vĩnh Long cuộc phỏng vấn này!

NHÓM PHÓNG VIÊN