Nâng cao "năng lực" cấp- thoát nước đô thị

06:05, 20/05/2020

Hiện nay, các đô thị trong tỉnh chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung nên nước thải chưa qua xử lý thải thẳng ra môi trường, trong khi đó nguồn nước của các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu lấy từ nguồn nước mặt các sông lớn. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần nâng cao năng lực cấp- thoát nước cho khu vực đô thị.

Hiện nay, các đô thị trong tỉnh chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung nên nước thải chưa qua xử lý thải thẳng ra môi trường, trong khi đó nguồn nước của các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu lấy từ nguồn nước mặt các sông lớn. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần nâng cao năng lực cấp- thoát nước cho khu vực đô thị.

Nguồn nước hiện nay của các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nguồn nước mặt từ hệ thống sông.
Nguồn nước hiện nay của các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nguồn nước mặt từ hệ thống sông.

Hiện trạng cấp- thoát nước đô thị

Tổng công suất thiết kế hệ thống cấp nước các khu vực đô thị trong tỉnh hiện là 57.300 m3/ngày, bao gồm 3 nhà máy nước đặt tại TP Vĩnh Long và 4 nhà máy nước, trạm cấp nước đặt tại các thị trấn.

Nguồn nước hiện nay của các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Măng Thít.

Nguồn nước ngày càng ô nhiễm do hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, thải thẳng ra môi trường và do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến quá trình xâm nhập mặn ngày càng đe dọa nguồn nước- gây nhiều khó khăn cho quá trình xử lý nước cấp.

Trong khi nguồn nước ngầm phân bổ trên địa bàn tỉnh có chất lượng rất kém và không đồng đều.

Nhằm ứng phó kịp thời với tình trạng trên, Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long cho phép khoan giếng bổ sung nguồn nước cấp cho khu vực TP Vĩnh Long. Về lâu dài, bố trí cho công ty quỹ đất để xây dựng hồ chứa dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.

Trong khi đó, tổng chiều dài mạng lưới thoát nước các đô thị là hơn 217km, hầu hết thoát nước chung cho nước mưa và nước thải. Tỷ lệ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị là 30- 85%, tỷ lệ nước thải được xử lý là 0,1%, tỷ lệ ngập úng đô thị là 5- 20%.

Nhìn chung, nạo vét cống chủ yếu bằng thủ công, sử dụng xô múc tại các vị trí hố ga và trong lòng cống phi 800 trở lên. Riêng đối với những loại cống phi 600 trở xuống thì sử dụng máy cào bùn để nạo vét. Bên cạnh, vận chuyển tạp chất đổ đi bằng xe chuyên dùng, có hệ thống nâng thùng đổ vào thùng xe vận chuyển đi.

Về thoát nước, phần lớn hệ thống cống thoát nước trên địa bàn đã cũ, xuống cấp, bị nứt tại các mối nối. Hệ thống các van 1 chiều được lắp đặt tại các cửa xả để ngăn triều cường dâng ngập trong đô thị, đồng thời xây dựng các trạm bơm để bơm tát khi có mưa lớn kết hợp triều cường, để hạn chế chống ngập. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đầu tư còn thiếu đồng bộ, quản lý còn chồng chéo.

Hệ thống thoát nước được xây dựng qua nhiều năm đã cũ xuống cấp, cao độ mực nước khác nhau, nhiều đoạn đặt rất sâu, đường kính cống nhỏ hẹp không chênh lệch nhiều so mực nước sông nên khi thủy triều dâng cao vào mùa nước nổi, dễ bị ngập úng đô thị. Chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung.

Cần nâng cao năng lực cấp- thoát nước

Cần nâng cao năng lực hệ thống thoát nước để các đô thị Vĩnh Long khắc phục ngập úng mùa mưa lũ.
Cần nâng cao năng lực hệ thống thoát nước để các đô thị Vĩnh Long khắc phục ngập úng mùa mưa lũ.

Hướng đến hoàn thiện hệ thống hạ tầng, trong đó có nâng cao năng lực cấp thoát nước cho các đô thị, UBND tỉnh đã phê duyệt và công bố Chương trình phát triển đô thị (ĐT) tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030.

Phân theo giai đoạn, tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật ưu tiên giai đoạn đến 2030 là 65.515 tỷ đồng.

Vừa qua, UBND tỉnh có buổi làm việc với đoàn công tác của Chương trình Thoát nước và Chống ngập úng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).

Theo TS. Tim Mc Grath- Giám đốc chương trình FPP- GIZ, hiện chương trình FPP và một số chương trình của GIZ đã và đang tiếp tục với Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương Đảng và các bộ, ngành thực hiện các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội, quy hoạch tích hợp, hỗ trợ nguồn nhân lực, Logistics, biến đổi khí hậu… Đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu cơ chế, chính sách liên kết phát triển vùng ĐBSCL.

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh- cho hay, theo đề xuất của chương trình, tỉnh đã đăng ký tham gia 5 nội dung. Cụ thể, tư vấn hỗ trợ địa phương xây dựng biểu giá dịch vụ thoát nước đô thị và lộ trình thực hiện theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ; tư vấn hỗ trợ địa phương ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng hệ thống thoát nước bền vững nhằm giúp chống ngập úng tạm thời do mưa lớn hoặc triều cường các đô thị; tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương theo Thông tư số 05/2016/TT- BKHĐT; hỗ trợ và tư vấn lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017; thu thập thông tin, tham vấn về nhu cầu các tỉnh, cơ sở hạ tầng ưu tiên có tính liên kết vùng, liên tỉnh để đưa vào đề xuất dự án mới giai đoạn 2021- 2025.

Ông Lữ Quang Ngời bày tỏ mong muốn với kinh nghiệm thực tiễn tại một số quốc gia tiên tiến và nhiều địa phương trong cả nước, hy vọng chương trình của GIZ giúp Vĩnh Long thực hiện tốt 5 nội dung như đã đề xuất để tỉnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thân thiện với môi trường, liên kết với các vùng lân cận, góp phần hỗ trợ tỉnh và ĐBSCL thoát khỏi ngập úng, xâm nhập mặn… để ổn định sản xuất và phát triển kinh tế.

Theo ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã quy hoạch và hình thành hệ thống đô thị trên toàn tỉnh là 8 đô thị. Quá trình đô thị hóa của tỉnh có tăng so cùng kỳ nhưng còn chậm so khu vực ĐBSCL. Tỷ lệ đô thị hóa hiện khoảng 22,1%.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh